Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Bác sĩ “Hà Chuối” mê chạy bộ: “Muốn giúp đỡ người chạy đạt thành tích cao”

(SGTT) – Yêu thích thể thao từ những năm cấp ba, anh Nguyễn Ngọc Hà hay được nhiều người biết đến biệt danh “Hà Chuối”, hiện là bác sĩ chuyên khoa hô hấp vẫn duy trì niềm đam mê chạy bộ trên từng cây số. Anh không ngừng lan tỏa năng lượng tích cực đến với các bệnh nhân, những người mới bắt đầu tìm hiểu bộ môn này.

“Tôi là một bác sĩ hay cười”

Qua những năm đèn sách ở nhà trường, anh Nguyễn Ngọc Hà nhận định rằng thể thao, đặc biệt môn chạy bộ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của anh. Từ cấp ba, anh đã nhận thấy mình có sức bền để hoàn thành tốt môn chạy bền hơn là chạy nhanh ở trường. Đến đại học, dù học trường y rất vất vả, anh vẫn dành ra thời gian duy trì thói quen chạy bộ.

Giải Penang Eco 100 tại Penang Malaysia. Giải 100km đầu tiên năm 2019. Ảnh: NVCC

Nhớ về một kỷ niệm tham gia giải chạy full marathon đầu tiên năm 2017, anh Hà chia sẻ đó là thời điểm anh mong muốn được đi thêm nhiều nước, anh kể “Để đi đâu đó khỏi Đông Nam Á thì thủ tục xin thị thực khó hơn, vậy là tôi nghĩ đến cách đăng ký giải chạy nước ngoài để có cơ hội xuất ngoại, tiện cả đôi đường. Tôi chọn giải full marathon 42km ở Đài Bắc để trải nghiệm đường chạy, chứ không đơn thuần chỉ để đạt thành tích cho riêng mình. Tôi đã hoàn thành giải chạy trong 4 tiếng 21 phút bằng tất cả nỗ lực của một bác sĩ chứ không phải từ vận động viên chuyên nghiệp”.

Anh Hà chạy đường mòn cùng cộng đồng TAC tại Thác Mai Đồng Nai. Ảnh: NVCC

Trước đó, anh từng tham gia cự ly 10km đầu tiên vào năm 2016 trong giải HCMC Marathon, sau khi gặp chấn thương, anh dần thấm thía tầm quan trọng của việc đầu tư sức khỏe và cần một kế hoạch tập luyện để đi dài hơi cùng marathon về sau.

Tính đến nay, anh đã trở thành runner (người chạy bộ) sáu năm. Anh khẳng định chạy bộ đã đem lại cho anh nhiều lợi ích khổng lồ, trong đó phải kể đến nguồn năng lượng tích cực anh nhận được, để chia sẻ với bệnh nhân trong công việc của một bác sĩ chuyên khoa hô hấp, đang công tác ở bệnh viện TP Thủ Đức.

Người chốt đoàn tại Da Lat Ultra Trail 2020. Ảnh: NVCC

“Tôi càng chạy càng thấy nhiều niềm vui, có lúc tinh thần đi xuống thì chạy bộ đã hích tôi lên lại vạch cân bằng. Tôi tự nhận mình là một bác sĩ luôn mang đến nhiều nụ cười cho bệnh nhân và tất nhiên tôi nhận lấy điều tốt đẹp đó từ vận động. Tôi muốn những người bệnh mạn tính hoặc những ai nghĩ bản thân không thể chạy bộ để có thể mở lòng hơn đến với bộ môn này”, anh giải thích.

Bác sĩ Hà luôn giữ nụ cười và sự tích cực trong mọi đường chạy. Ảnh: NVCC

Anh bộc bạch mình yêu công việc của một bác sĩ vô cùng và luôn khao khát được đồng hành cùng người bệnh trong vấn đề sức khỏe. Bác sĩ Hà luôn động viên bệnh nhân vận động bất cứ cái gì và giúp họ nhận ra mình sẽ có tiến triển bệnh tình tốt nhờ thể thao và điều tích cực thay vì những tờ giấy xét nghiệm hiển thị các thông số lạnh lùng.

Tập luyện cùng cộng đồng TAC tại cung đường Ma Thiên Lãnh ở núi Bà Đen. Ảnh: NVCC

Ngoài các giải chạy marathon, anh còn góp mặt trong nhiều đường chạy trail kéo dài từ một đến vài ngày, nhiều lần đối mặt với câu hỏi liệu chạy dài như vậy có mất sức không, có vui vẻ không, anh hài hước trả lời “Mọi người thường nhìn vào các đường chạy lên đến 100km và nghĩ chạy vậy như hành xác chứ được gì. Thực tế, tôi được nhiều đấy chứ, vì không phải ai cũng được trời phú cho khả năng chạy ultra trail. Qua mỗi hành trình, tôi biết mình sẵn sàng đối diện với thử thách trên đường chạy, vận dụng các kỹ năng nhuần nhuyễn như đổ dốc, leo dốc, sử dụng dinh dưỡng, phân phối sức lực. Vì đây sẽ là cuộc chiến liên quan đến thể lực và trí tuệ chứ không chỉ là chạy và chạy”.

“Quân sư” trên đường chạy

Trở thành cái tên quen thuộc trong cộng đồng yêu thích chạy bộ, anh Hà luôn mong muốn giúp đỡ các runner những vấn đề liên quan đến sức khỏe, giúp họ đạt thành tích tốt và ít gặp chấn thương nhất trên đường chạy.

Theo anh Hà, hầu hết mọi người đều nghĩ chạy bộ không khó, chỉ cần mang giày vào là chạy, nhưng chỉ đúng với cự ly ngắn khoảng 3-5km, khi tham gia cự ly cao hơn, ngoài sức bền, vận động viên còn cần thêm kỹ thuật và giáo án tập luyện rõ ràng. Một số vấn đề người mới chạy bộ thường gặp phải chính là chạy quá sức, dễ bị đau ở nhiều vùng trên cơ thể, xem nhẹ tầm quan trọng của dinh dưỡng, tiêu hóa trong chạy bộ, dẫn đến tình trạng người chạy bị teo cơ, sụt cân, thiếu hụt protein, gặp hiện tượng “đụng tường” mất năng lượng, đôi khi phải cấp cứu trên đường chạy…

Những người chốt đoàn tại HCMC Midnight Run 2022. Ảnh: NVCC

“Dù người chạy bộ bây giờ đã hiểu biết hơn rất nhiều về giáo án tập và chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên mỗi cá nhân cần phải điều chỉnh riêng sao cho phù hợp với thể trạng của mình và từng giai đoạn nhất định. Tôi là một bác sĩ, có hiểu biết về y khoa cũng là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên luôn sẵn lòng giúp đỡ, đồng hành cùng các bạn để giúp các bạn đạt được thành tích tốt nhất của mình trên đường chạy, bằng những gỡ rối khoa học. Như vậy thì ai cũng vui”, anh nói thêm.

Anh Hà tham gia cùng năm 2019, giải 100km lần thứ 2 tại Chiang Mai. Đây là giải CM6. Ảnh: NVCC

Mỗi ngày, anh dành ra thời gian để thực hiện bài tập ngay trong bệnh viện, quanh nhà và núi Dinh (Bà Rịa) để duy trì số km tập từ 50km/tuần.

Đến với chạy bộ, anh Hà tâm sự mình như được khai phá giới hạn chịu đựng và phát huy tốt nhất khả năng của mình để trở thành một phiên bản tốt hơn. Trong tương lai, anh hy vọng sẽ được đồng hành thêm nhiều giải chạy, kết nối và lan tỏa những điều tích cực đến với cộng đồng yêu thích chạy bộ và giúp đỡ nhiều bệnh nhân của mình bằng trải nghiệm của một bác sĩ mê thể thao.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối