Sự kiện chàng trai 24 tuổi đang chạy marathon tại TPHCM bị đột tử ở km thứ 18 của hành trình vào ngày 13/1 làm dấy lên nỗi hoang mang và lo lắng của nhiều người khi chơi thể thao. Câu hỏi đặt ra là tại sao người thường xuyên tham gia môn thể thao cường độ cao như vậy lại có thể bị đột tử bất ngờ trên đường chạy?
Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với BS. Trần Minh Thiệu – Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương để rõ hơn về nguyên nhân và cách phòng tránh đột quỵ khi chơi thể thao.
SGTT: Xin bác sĩ chia sẻ về những nguyên nhân có thể gây ra đột quỵ khi chơi thể thao? Đối tượng nào cần phải chú ý khi tham gia hoạt động này?
BS. Trần Minh Thiệu: Đột quỵ là một tổn thương não, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu ô-xy và dinh dưỡng khiến các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Vì lý do đó, đột quỵ được coi là một tình huống cấp cứu y tế, cần có chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc nghẽn trong động mạch, chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ. Mặc dù có những đánh giá trên diện rộng, tuy nhiên, nhiều cơn đột quỵ thuộc dạng này vẫn còn chưa rõ nguyên nhân. May mắn là các liệu pháp dự phòng có hiệu quả cho tất cả các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến là: Đột quỵ do huyết khối (một cục máu đông hình thành trong một động mạch ở cổ hoặc não, những động mạch này có thể có tích tụ chất béo, gọi là các mảng bám); đột quỵ do tắc mạch (tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể, thường là tim và di chuyển đến não). Phổ biến thường là nhịp bất thường ở hai buồng phía trên của tim (rung tâm nhĩ), có thể làm hình thành cục máu đông.
Đột quỵ do xuất huyết: Xuất huyết có nghĩa là chảy máu. Loại đột quỵ này được gây ra bởi sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch (một khu vực mỏng, yếu trên thành động mạch) hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não. Xuất huyết có thể xuất hiện ở trong não, hoặc trong khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài của nó. Khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết.
SGTT: Thưa bác sĩ, vì sao có những người thường xuyên luyện tập các môn thể thao cường độ cao và kể cả những vận động viên chuyên nghiệp vẫn bị trụy tim khi đang chơi thể thao. Có phải tim của họ đã có vấn đề gì đó mà họ không biết hay do nguyên nhân nào khác?
BS. Trần Minh Thiệu: Người trẻ tuổi hay bị đột quỵ dạng xuất huyết do vỡ túi phình hay dị dạng mạch máu não, nhất là trong lúc hoạt động thể thao cường độ cao là tăng lưu lượng và tăng áp lực máu lên thành vốn đang yếu do túi phình mạch máu hay dị dạng, vỡ và gây xuất huyết não cấp và gây ra cái chết đột ngột. Dị dạng mạch máu hay túi phình rất dễ phát hiện khi chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ hay chụp cắt lớp sọ não có thuốc tương phản…
Người trẻ khỏe mạnh rất ít người nghĩ mình mang trong đầu mình các bất thường như bom nổ chậm này. Vì vậy, mỗi người nên chụp MRI hay cắt lớp vi tính CT scaner kiểm tra mới phát hiện sớm được và điều trị sớm các nguy cơ này.
Có hai loại bệnh dị dạng mạch máu não phổ biến là phình động mạch não và dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM).
Có khoảng 5% bệnh nhân được chỉ định chụp mạch máu não có dị dạng mạch máu não.
Dị dạng thông động tĩnh mạch máu não là hiện tượng các mạch máu bất thường, rối loạn trong não. Các dị dạng này nối thông động mạch và tĩnh mạch não mà không đi qua các mao mạch, không cung cấp đủ máu cho nhu mô não. Các dị dạng mạch máu này khi vỡ gây chảy máu não. Đây là một căn bệnh bẩm sinh và hết sức nguy hiểm.
Phình động mạch não là tình trạng phình giãn của động mạch não ở các vị trí khác nhau như động mạch cảnh trong, động mạch não giữa, não trước, động mạch thônh trước, thông sau, thân nền… Tuỳ vị trí và kích thước túi phình mà nguy cơ vỡ khác nhau. 90% các trường hợp vỡ phình động mạch não sẽ gây hôn mê và có thể tử vong. Vấn đề về tim mạch cũng vậy, mạch máu tim thì nguy hiểm hơn khi bị tắc mạch do là động mạch tận rất và không hoặc rất rất ít có tuần hoàn bàng hệ để bổ sung máu khi bị tắc mạch. Vấn đề về di dạng mạch máu tim bẩm sinh không được phát hiện sớm qua cắt lớp mạch vành.
Khi hoạt động thể thao cường độ cao cơ tim hoạt cường độ cao cần nhiều máu tới nuôi dưỡng. Lúc này cơ thể đang mất nước và điện giải nhiều không bù kịp kèm theo các cơn co thắt động mạch vành trên nền di dạng mạch máu mạch vành rất dễ đưa tới nhồi máu cơ tim do tắc mạch vành không phải huyết khối. Chưa kể mấy người chơi thể thao cường độ cao thường kèm theo các nguy cơ của hút thuốc lá và rượu bia…
SGTT: Lời khuyên của bác sĩ cho những người nghiệp dư tham gia các giải chạy Marathon hay thể thao cộng đồng đang được tham gia ngày càng nhiều ở Việt Nam để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra?
BS. Trần Minh Thiệu: Tôi chỉ nhắn gửi các bạn trẻ hãy tiết kiệm một lần khoảng 2 triệu đồng để chụp MRI khảo sát mạch máu não một lần trong đời. Đó là khao khát tột cùng của tôi với sức khỏe và tương lai của các bạn, của người thân. Đừng thấy mình tuổi trẻ “bẻ gãy sừng trâu” rồi chủ quan.
Đặc biệt, trước khi tham gia vào các hoạt động thể thao cường độ cao, các vận động viên nên khám sức khỏe trước, nếu đủ điều kiện hãy tham gia… Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị về y tế của ban tổ chức cũng vô cùng quan trọng.
Anh Minh thực hiện