Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Bác sĩ chỉ cách đơn giản để tăng cường sức đề kháng chống nCoV

(SGTT) – Sự lây lan chưa có dấu hiệu dừng lại của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV-2019) trên toàn cầu khiến người dân, nhất là người sống ở các khu đô thị lớn – nơi đón nhận lượng lớn du khách cũng như người lao động nhập cư quay lại làm việc sau tết Nguyên đán – lo lắng. SGTT đã trao đổi với PGS – TS. BS. Nguyễn Hoài Nam, Bệnh viện Quốc tế Minh Anh TPHCM, về cách tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng giúp cơ thể phòng chống nCoV.

Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa bác sĩ, làm thế nào để nhận biết người có hệ miễn dịch tốt. Chúng ta sẽ làm gì để có hệ miễn dịch khỏe mạnh?

– Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam: Sự khỏe mạnh của hệ miễn dịch sẽ làm cho cơ thể chúng ta ngày càng khỏe mạnh hơn. Sức chống đối với các bệnh tật đặc biệt là những bệnh nhiễm trùng và ung thư sẽ gia tăng và hiệu quả ở trẻ em là ít bệnh, vui vẻ và học tập tốt. Hiện nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu y học trên thế giới và ở Việt Nam đã chứng minh điều đó. Trên thực tế từ công tác khám và điều trị bệnh ở các bệnh viện và các phòng khám hằng ngày cho thấy những đứa trẻ và cả người lớn nữa có hệ thống miễn dịch tốt đều có sức khỏe tốt, hiếm khi bị bệnh, dễ chịu và thông minh. Phần lớn chúng đều bụ bẫm và bố mẹ chúng cũng cảm thấy rất hạnh phúc.

Tập thể dục là một cách tăng sức đề kháng hiệu quả. Đây là một buổi tập luyện của học viên học viện chạy bộ Magic Stride tại TPHCM. Ảnh: Ngọc Linh

Nhưng làm thế nào để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh? Đây là câu hỏi đơn giản nhưng cũng rất phức tạp vì dù có nhiều người biết nhưng không dễ gì thực hiện. Điều đầu tiên là phải có một chế độ ăn uống đủ chất, nhất là ở trẻ em và những thanh thiếu niên. Thức ăn phải đầy đủ các thành phần Protid, Glucid, Lipid các chất vi lượng, Vitamin… Những chất này sẽ giúp cơ thể chống lại được với bệnh tật. Nên ăn uống cân đối với mọi thành phần của thức ăn, tức là phải có một chế độ ăn hợp lý.

Một số công trình nghiên cứu cho thấy, ngoài việc có yếu tố di truyền tốt, việc thêm vào thực phẩm một số chất kích thích hệ miễn dịch cũng mang lại hiệu quả sức khỏe tốt. Tuy nhiên, phải có sự bảo đảm chắc chắn rằng những chất này phải an toàn tuyệt đối cho con người, dễ sử dụng và không có tác dụng phụ.

Để hệ miễn dịch tốt, cụ thể chúng ta phải làm gì?

– Nên có cuộc sống lành mạnh. Cuộc sống lành mạnh, quân bình không có quá nhiều sự căng thẳng (stress) ở người lớn và có sự quân bình giữa học tập và vui chơi ở trẻ em sẽ là một liều thuốc bổ vô cùng quan trọng nhằm xây dựng hệ thống miễn dịch tốt. Liên quan đến điều này, những cách như tập thể dục, duy trì sự vận động trong nhịp sống và làm việc mỗi ngày, cố gắng cải thiện môi trường sống hài hòa với thiên nhiên… cũng đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và cho rằng chúng giúp ích cho việc tăng cường hệ miễn dịch.

Nói “không” với thói quen xấu. Tránh xa và loại bỏ trong đời sống những thói quen xấu làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và hệ miễn dịch nói riêng như ngủ không đủ giấc, thức quá khuya hay thức đêm và ngủ ban ngày làm đảo lộn đồng hồ sinh học. Những thói quen khác gây nguy hại không những cho bản thân mà còn cho những người xung quanh như hút thuốc lá, hút thuốc lào, uống rượu quá mức, nghiện game, nghiện bài bạc…

Làm thế nào để xây dựng hệ miễn dịch cho trẻ em một cách đầy đủ nhất, đặc biệt trong mùa dịch bệnh do virus corona này?

– Ở trẻ em, có một vấn đề mà nhiều người hiện nay chưa chú ý đến là sự quân bình của hệ thống các vi khuẩn trong hệ tiêu hóa, sự phát triển bình thường và cân bằng của hệ sinh thái trong đường ruột của trẻ em đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì có đến 70-80% khả năng đáp ứng tốt của hệ miễn dịch ở trẻ em bắt nguồn từ hệ tiêu hóa và các hạch bạch huyết liên quan đến hệ tiêu hóa. Việc mất quân bình về sinh thái giữa các vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại sẽ làm đảo lộn môi trường trong lồng ruột và gây ra những sự rối loạn về miễn dịch làm cho trẻ dễ bị mắc bệnh về đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa, như thường thấy là làm viêm phổi và tiêu chảy có kèm theo sốt. Đó cũng là một mối lo lắng gây nhiều phiền toái cho những bậc phụ huynh.

Bú sữa mẹ cũng là một trong những biện pháp rất có giá trị trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh. Tốt nhất là bú hết sáu tháng đầu sau đó có thể bú dặm các loại sữa khác. Chúng tôi đã chứng kiến có những em bé trong sáu tháng đầu chỉ bú sữa mẹ rất khỏe mạnh không hề bị các bệnh về hô hấp hay tiêu hóa. Bú sữa mẹ còn giúp tăng cường tình cảm giữa người mẹ và đứa bé là tăng thêm tình mẫu tử và cảm giác hạnh phúc ở người mẹ.

Tiêm phòng các loại vacine cũng là một cách kích hoạt chủ động hệ thống miễn dịch của cơ thể cho trẻ em và cả người lớn. Nên tiêm phòng ngay từ nhỏ các bệnh hay lây nhiễm và nguy hiểm cho cơ thể trẻ em như viêm gan siêu vi, sởi, tả, viêm não… Những lợi ích về tăng cường hệ miễn dịch của tiêm phòng mang lại là vô cùng lớn lao. Những tai biến chỉ là chiếm một số rất ít. Và có thể chấp nhận được nếu chúng ta loại trừ được sơ xuất hay tình trạng thiếu trách nhiệm của nhân viên phụ trách việc chích ngừa.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Hoàng Nhung thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tự chăm sóc sức khỏe bản thân: Rèn luyện cơ thể...

1
(SGTTO) – Nhiều câu hỏi đã được độc giả của Sài Gòn Tiếp Thị gửi về cho bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa...

Mời bạn đọc tham gia tư vấn trực tuyến “Tăng cường...

0
(SGTTO) - Tiếp nối kỳ 1 của chuỗi tư vấn trực tuyến "Bảo vệ sức khỏe toàn diện", kỳ 2 với chủ đề "Tăng...

Mời bạn đọc tham gia chuỗi tư vấn trực tuyến “Bảo...

1
(SGTTO) – Chuỗi tư vấn trực tuyến “Bảo vệ sức khỏe toàn diện” gồm ba số sẽ diễn ra vào các tháng 8, 9...

Kết nối