Thứ sáu, Tháng mười hai 6, 2024

Ai mới là người quyết định?

VŨ YẾN - 

Chưa thời điểm nào các cụm từ “rau VietGAP”, “thực phẩm sạch”, “thực phẩm hữu cơ”, “hàng nhà làm”... lại xuất hiện và phổ biến trên thị trường như lúc này. Xu hướng tiêu dùng đang đặt các nhà sản xuất trước sự lựa chọn: phải làm ăn nghiêm túc, cung cấp sản phẩm sạch để người tiêu dùng tìm đến hay cứ nhắm mắt làm bừa để rồi bị xa lánh.

Mua sự an toàn

Vườn-dâu-tây-sản-xuất-theo-tiêu-chuẩn-sạch-của-một-doanh-nghiệp-ở-Lâm-Đồng

Vườn dâu tây sản xuất theo tiêu chuẩn sạch của một doanh nghiệp ở Lâm Đồng. Ảnh: Hồng Ngọc

Hơn một năm trở lại đây, từ ngày mang bầu đứa con đầu lòng, chị Minh Phương nhà ở quận Gò Vấp, TPHCM chỉ tìm mua thực phẩm an toàn trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Chị cẩn thận chọn từ hạt gạo, bó rau, con cá, miếng thịt cho tới quả trứng và miếng trái cây tráng miệng. Thế nhưng việc tìm kiếm cũng không dễ dàng gì, bởi thi thoảng lại xuất hiện thông tin thấy phát hiện chất cấm này, chất cấm kia, sản phẩm nọ ngậm hóa chất độc hại.

Góp nhặt mỗi ngày một chút thông tin từ báo chí, kinh nghiệm bạn bè, người thân và đồng nghiệp, chị Phương cho biết đã có thể tạm yên tâm về nguồn thực phẩm ở những nơi chị đi chợ mỗi ngày. “Giá thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, thực phẩm hữu cơ bán tại các cửa hàng chuyên thực phẩm sạch mắc gấp đôi, thậm chí gấp ba so với ở chợ. Nhưng tôi vẫn mua, chấp nhận trả giá cao để mua sự an toàn cho gia đình”, chị Minh cho biết.

Nói về an toàn thực phẩm, chị Kim Phụng nhà ở quận 1, TPHCM chưa quên ngày chị phải đưa con đi bệnh viện. Chị kể cách đây sáu tháng, chị ghé chợ mua rau và thịt heo về xay cho con gái ăn dặm. Ăn xong bé bị tiêu chảy nặng, phải đưa vô bệnh viện cấp cứu. Sau lần đó, chị Phụng luôn lo lắng mỗi khi xách giỏ đi chợ, và cũng từ đó chị coi việc chọn mua và sử dụng thực phẩm an toàn là điều cần thiết.

Thực ra, trước đây chị Phụng cũng để ý, cố gắng lựa chọn thực phẩm ở sạp hàng quen trong chợ về nấu nướng kỹ càng. Chỉ có điều nguồn gốc sản phẩm ấy thế nào là câu hỏi chị chưa có câu trả lời, ngay cả người bán cũng không giải đáp thấu đáo. Hiện nay, mỗi lần đi chợ chị tìm đến những nơi bán thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay thực phẩm hữu cơ cho an tâm.

Thị trường thôi thúc

Tháng 12-2015 vừa qua, Sở Công Thương TPHCM đã công bố tới người tiêu dùng 246 điểm bán thực phẩm an toàn với các loại thực phẩm tiêu dùng thiết yếu như thịt gà, thịt vịt, trứng và rau củ quả. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết việc công bố những điểm bán thực phẩm an toàn chỉ là bước khởi đầu của quá trình tổ chức lại hoạt động sản xuất, tạo nên quy trình khép kín từ nông trại-bàn ăn. Quy trình này sẽ tạo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc để cung ứng cho người tiêu dùng. Ông cho biết thời gian tới sẽ có thêm nhiều điểm bán sản phẩm an toàn hơn nữa.

Ông Lê Nguyễn Huy Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Xanh (quận 11, TPHCM), nhà phân phối sản phẩm heo hữu cơ được nuôi tại Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết nhu cầu về thực phẩm sạch hiện nay của người tiêu dùng là khá lớn. Chỉ tính riêng công ty của ông mỗi tuần cung ứng ra thị trường khoảng 600 kg thịt heo. Thế nhưng số lượng này không đủ, và ông nhận định thị trường thực phẩm sạch vẫn còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc (Đà Lạt), đơn vị chuyên sản xuất xà lách thủy canh và rau mùi tây, cho biết từ thực trạng thực phẩm bẩn đang diễn ra phức tạp và nhu cầu của người tiêu dùng mà bà đã đầu tư cả tỉ đồng để xây dựng hệ thống trồng cây thủy canh. Hiện tại, mỗi ngày công ty cung cấp khoảng 800 kg rau vào hệ thống siêu thị Metro, VinMart và Big C.

Bà Cúc cho biết, mặt bằng giá của thực phẩm an toàn bao giờ cũng cao hơn thực phẩm bình thường. Có thể do chưa tiếp cận thông tin, không có lựa chọn khác hay lý do tài chính nên nhiều người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua thực phẩm kém an toàn, giá rẻ. “Tôi mong muốn chi phí đầu tư giảm, lượng hàng bán ra ngày càng nhiều, từ đó kéo giá sản phẩm xuống để bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể dùng sản phẩm sạch mà không phải băn khoăn chuyện giá”, bà Cúc hy vọng.

Bà Phạm Ánh Thu, Phó giám đốc Công ty TNHH Rica (quận Tân Bình, TPHCM), đơn vị chuyên sản xuất nấm sạch, cho biết công ty kinh doanh nấm dựa trên sự hợp tác và trao đổi về mặt kỹ thuật với người trồng, cùng tìm hướng để cho sản phẩm tốt nhất. “Họ (người tiêu dùng) phải biết chọn thực phẩm sạch, thay vì thực phẩm giá rẻ nhưng không an toàn”, bà Thu nói.

[box type="warning"] Theo số liệu của Bộ Y tế, trong năm 2015 cả nước ghi nhận 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong. So với năm 2014, số vụ giảm là 22, số mắc giảm 237 người và số tử vong giảm 19 người.  [/box]

Một số doanh nghiệp kinh doanh nông sản sạch, an toàn mà người viết đã gặp đều có chung suy nghĩ là hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư để làm nông sản sạch theo nhu cầu là có thật và xu hướng lâu dài của thị trường, nhưng phần lớn rau quả trên thị trường hiện nay bắt nguồn từ các hộ nông dân. “Ai cũng biết nông dân phải lo cho “chén cơm” của họ trước, thế nên họ cứ trồng sao có rau thu hoạch năng suất cao, nhìn rau mướt dễ bán”, bà Thu nói và cho rằng nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng lên, hướng đến thực phẩm sạch nên nhu cầu tăng lên và đòi hỏi cao thì ắt hẳn người trồng sẽ phải thay đổi phương thức trồng trọt để có nguồn cung đảm bảo hơn.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối