(SGTTO) – Dòng sông cặp đôi là tên gọi trong một phim ký sự về hai con sông Cái Lớn và Cái Bé. Dù khởi nguồn rộng hẹp và dòng chảy khác nhau, nhưng khi xuôi về biển Tây qua địa bàn huyện Châu Thành, Kiên Giang, chúng lại nằm song song quấn quít bằng những con rạch nhỏ giống như sông chồng, sông vợ trước khi ra biển lớn.

Bạn có thể đến đây bằng thuyền theo kênh Cái Sắn ở Long Xuyên (An Giang) về Rạch Sỏi (Kiên Giang), sau đó qua kênh Ông Hiển ra sông Cái Bé rồi xuôi đến sông Cái Lớn (Kiên Giang), hoặc cũng có thể đi từ sông Hậu xuống kênh Xáng Xà No rồi theo sông Cái Lớn về qua Tắc Cậu.

Trước khi đến xứ Tắc Cậu thuộc huyện Châu Thành, Kiên Giang, bạn sẽ được nghe kể rằng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 những người Việt đầu tiên đến đây mưu sinh chủ yếu bằng nghề hạ bạc vì nơi sông giáp biển rất nhiều tôm cá. Người Khmer đến trước, chủ yếu khai thác những khoảnh đất trồng lúa. Người Hoa định cư hầu hết vào đầu thế kỷ 20, đã thúc đẩy quá trình hình thành nên một vùng gồm hai cù lao trù phú ở cuối nguồn của dòng sông cặp đôi.

Du khách trước dòng sông. Ảnh: Lê Quốc Việt

Theo những người lớn tuổi xứ này, ngày xưa vùng này là rừng rậm âm u, mỗi lần xuồng ghe qua lại rạch Lồng Tắc thường gặp rủi ro, nhất là cá sấu. Dần dà một cái miếu nhỏ được dựng ở đầu rạch phía bờ sông Cái Bé để người đi trên sông ghé vào cúng vái. Sau đó, người dân lập miếu thờ Bà Thiên Hậu thay cho cái miếu nhỏ, để rồi từ đó có tên Tắc Cậu.

Một cách giải thích khác là trong tiếng Hoa, từ “cau” có nghĩa là cảng, là bến đậu. “Cau” ở đầu rạch Lòng Tắc, thành “Tac Cau” rồi lâu ngày thành Tắc Cậu theo cách gọi của người Việt.

Giống như hầu hết các vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, vùng cù lao này có quá trình hình thành hàng ngàn năm. Bao bọc cù lao là những rặng dừa nước, bên trong là vùng đất tương đối thấp, nhiều cỏ dại. Hoàn cảnh lịch sử khiến người Hoa di cư đến đây vào những năm 1930, là lớp người cùng với người Việt và người Khmer mở mang, khai phá vùng đất này.

Vùng sông Cái Lớn, Cái Bé nay đã trù phú hơn. Ảnh: Lê Quốc Việt

Tiêu biểu nhất là khu vực các ấp An Ninh, An Thành thuộc xã Bình An. Người Pháp đã chia thành từng lô để đấu thầu vào khoảng năm 1935-1937, nhiều người hùn tiền lại để đấu trọn một lô rồi sau đó chia nhau ra canh tác.

Những năm đầu, sau khi dọn dẹp cỏ dại và lên liếp, người ta trồng những loại lương thực ngắn ngày như khoai lang, khoai ngọt, khoai rạng, dưa, bí, mía… Những năm 1940, có người lấy giống khóm từ miệt Cạnh Đền (Vĩnh Thuận, Kiên Giang) về trồng thử, thấy thích hợp nên trồng nhiều hơn. Bước sang những năm 1950 thì cây khóm khá phổ biến ở vùng này. Sự sáng tạo của người dân không dừng lại ở đó, hai loại cây trồng khác được đưa vào và tạo nên mô hình canh tác khóm-cau-dừa.

Khóm trồng ở đây có chất lượng ngon đặc biệt, vị ngọt thanh dịu nhờ sự kết hợp của chất đất phù sa với chất mặn và chất phèn của vùng cửa hai con sông Cái Lớn và Cái Bé. Do trồng xen với cây dừa và cây cau, trái khóm ít bị ánh nắng tác động trực tiếp nên về hình dáng trái ít bị thon phần ngọn như những vùng trồng chuyên canh khóm. Từ những năm 1950-1960 đến nay khóm vùng này bắt đầu có tiếng với tên gọi là khóm Tắc Cậu.

Năm 2018, tôi có tặng một người bạn mấy bịch khóm Tắc Cậu sấy dẻo mang về nước Úc ăn chơi. Sau này bạn ấy kể, có một người láng giềng khi ăn được miếng khóm Tắc Cậu thì nước mắt rưng rưng, cái hương vị đặc trưng đã gợi lại hình ảnh quê hương sau mấy chục năm xa vắng.

Thời điểm phát triển mạnh nhất, khóm Tắc Cậu có diện tích trồng trên 2.000 ha. Năm 2013, khóm Tắc Cậu được cấp chứng nhận thương hiệu tập thể nhưng người trồng khóm vẫn lao đao vì có không nhiều người biết hương vị đậm đà của nó.

Đổi đời cho người trồng khóm

Cầu Cái lớn, Cái Bé được khánh thành đầu năm 2014, không chỉ mở nút thắt về kinh tế của vùng bán đảo Cà Mau mà còn giúp đổi đời cho người nông dân chung thuỷ với cây khóm Tắc Cậu. Hiện nay giá bình quân tại chỗ trồng từ 6.000-8.000 đồng/trái. Một số cơ sở đã nghiên cứu sấy khô, ép nước… để tăng giá trị.

Đến Tắc Cậu, bạn nên đi bộ tham quan một đoạn quốc lộ 63 giữa hai cây cầu với điểm nhấn là những sạp bán khóm, sạp hải sản, vườn khóm ba tầng sinh thái, thưởng thức các món ăn đặc sản tại địa phương. Hai bên dòng sông là dãy dừa nước xen lẫn những cây bần đung đưa trong gió.

Nếu Kiên Giang là tỉnh có đội tàu đánh cá lớn nhất cả nước (hơn 10.000 chiếc) thì huyện Châu Thành là nơi đội tàu đánh cá có công suất bình quân lớn nhất cả nước (hơn 650 mã lực/chiếc). Đến sông Cái Bé, từ thuyền bạn được nhìn thấy một trong 6 cảng cá lớn của cả nước – cảng cá Tắc Cậu với hàng chục chiếc tàu đánh cá lớn đậu dọc theo sông.

Mô hình canh tác khóm-cau-dừa. Ảnh: Lê Quốc Việt

Nếu lịch trình kéo dài về đêm, bạn sẽ ở mui tàu du lịch thưởng thức ánh trăng trên dòng sông hay ánh đèn lung linh của cầu Cái Lớn với những làn điệu dân ca, đờn ca tài tử. Còn gì bằng khi đang ở đầu kênh xáng Xẻo Rô, giữa đêm khuya nghe câu U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường, dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua để nhớ về những khó khăn, khắc nghiệt của thời cha ông đi khai mở cõi.

Sự thú vị của dòng sông cặp đôi không chỉ dừng lại ở vạt đất cù lao. Thuyền đưa bạn xuôi dòng Cái Lớn ra hướng biển, một không gian rộng mở với những nỗi buồn thầm lặng của dòng sông. Kia là cửa của hai con sông chỉ cách nhau bởi đuôi cồn Vĩnh Quới dài chưa đầy 300 mét (sách Đại Nam nhất thống chí gọi là tấn cửa Lớn và tấn cửa Bé).

Phía cửa sông Cái Bé có ngôi miếu thờ Bà Chúa xứ xây dựng năm 1951 với mong muốn bình an cả cho vợ con ở nhà và người chồng, cha, anh thường xuyên lênh đênh trên biển. Giữa đuôi cồn có ngôi mộ cá Ông.

Dòng sông cặp đôi lặng lẽ hàng trăm năm qua cùng với kênh Thoại Hà và kênh Cái Sắn đã đưa hàng triệu tấn phù sa về bồi lắp, là nền tảng cho con cháu hôm nay quay đê lấn biển làm đẹp quê hương.

Lê Quốc Việt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây