Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Nhường sân cho người khác chơi

BAN CAO –

Việt Nam nằm trong nhóm các nước xuất khẩu da giày lớn trên thế giới, thế nhưng các doanh nghiệp trong ngành này lại đang loay hoay trên thị trường nội địa. Trong lúc người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn trước một thị trường giày dép đa dạng về mẫu mã và thật-giả lẫn lộn thì dường như còn ít thương hiệu Việt khẳng định được vị thế của mình trên sân nhà.

Hàng lậu, hàng nhái chiếm lĩnh

Tại TPHCM, chỉ cần đi dọc một số tuyến đường như Lý Chính Thắng, Lê Văn Lang… là có thể thấy hàng loạt cửa hàng bán giày dép với kiểu dáng bắt mắt và giá cả phải chăng. Ở đây không thiếu các loại giày nhái các thương hiệu nổi tiếng như Nike, adidas, Vans… được bán với giá 300.000-350.000 đồng/đôi.

Khách đang chọn mẫu giày tại một cửa hàng bán giày trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM.
Khách đang chọn mẫu giày tại một cửa hàng bán giày trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM.

Ghé vào một cửa hàng giày khá nổi tiếng trên đường Lý Chính Thắng vào giờ tan tầm, phóng viên ghi nhận không khí tấp nập kẻ bán người mua. Trao đổi với một vài người đang ngắm nghía, lựa chọn sản phẩm, họ cho rằng cửa hàng này đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với giày dép giá rẻ, mẫu mã đa dạng, nên lúc nào cũng đông người mua. Những khách hàng này nói rằng ở đây có thể tìm thấy các loại giày thể thao, giày cao gót, giày đế mềm, cho đến các loại dép sandal. Giày nữ có giá 200.000-300.000 đồng/đôi, giày nam có giá 300.000-400.000 đồng/đôi. Hầu hết giày bán ở đây là hàng nhái, hoặc không có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng.

Điều đáng nói là nhiều người biết đó là hàng nhái nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua, trong khi các thương hiệu giày trong nước lại đang chật vật tìm khách hàng. Hơn nữa, những thương hiệu khẳng định được tên tuổi trên thị trường hầu như đếm trên đầu ngón tay.

Thời gian gần đây còn rộ lên loại giày xuất khẩu được rao bán trên mạng xã hội. Giày xuất khẩu được cho là có chất lượng tốt hơn vì là hàng gia công để xuất đi Mỹ, châu Âu… nên nhiều người tin dùng. Thế nhưng, với mức độ tràn lan hàng xuất khẩu mà tiêu thụ trên thị trường nội địa như hiện nay thì thật khó có ai kiểm chứng chất lượng thật-giả và nguồn gốc như thế nào.

Theo ý kiến những người thợ đóng giày ở một vài tiệm giày mà phóng viên tiếp xúc, họ cho rằng về chất lượng thì giày dép sản xuất trong nước vượt trội hơn hẳn so với rất nhiều loại giày dép đang được nhập lậu hiện nay, nhất là nhập từ Trung Quốc. Song, về kiểu dáng thì các thương hiệu giày trong nước dường như không bắt kịp nhu cầu của thị trường, chưa kể giá bán luôn cao hơn từ vài chục ngàn đồng đến cả trăm ngàn đồng. Thị trường hình thành hai phân khúc rõ rệt: người tiêu dùng có thu nhập trung bình thường chọn giày nhái trôi nổi trên thị trường vì giá rẻ, mẫu mã đẹp. Còn người có thu nhập khá thường chọn các thương hiệu giày nổi tiếng của nước ngoài. Điều này vô hình trung đang làm tăng độ khó cho các thương hiệu giày trong nước.

Theo thống kê của Hiệp hội Da giày Việt Nam, hiện có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày. Song, từ lâu nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung xuất khẩu mà không quan tâm đến thị trường nội địa. Hiện các doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% nhu cầu tiêu dùng nội địa, thị phần còn lại nhường hết cho hàng nhập khẩu, chiếm đa số là hàng Trung Quốc, ngoài ra là các loại hàng nhái, hàng giả.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Th, ông Trần Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM, nhận định các doanh nghiệp trong nước “đang ở thế yếu, yếu cả về chất lượng và mẫu mã. Hàng Trung Quốc luôn đa dạng về chủng loại, kiểu dáng bắt mắt và giá cả hấp dẫn… Hàng trong nước chỉ chạy theo, nhưng không thể bắt kịp”. Thậm chí, một số doanh nghiệp da giày trong nước còn cho biết hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện đang làm chủ thị trường chứ không phải sản phẩm giày dép chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam.

Hàng nhập sẽ còn vào nhiều hơn

Giải thích về thực trạng này, ông Khánh cho biết thị trường trong nước chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp. Lâu nay họ quen làm những đơn hàng lớn để xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước chỉ yêu cầu những đơn hàng nhỏ. Với đội ngũ nhân công và máy móc lớn, họ phải tận dụng để làm hàng xuất khẩu, nay muốn quay về thị trường nội địa họ gặp không ít khó khăn.

Ngành da giày Việt Nam mạnh, nhưng chủ yếu là gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi người tiêu dùng, cả trong và ngoài nước, đều mù mờ về thương hiệu giày Việt. Trên thực tế cũng đã có một số doanh nghiệp quay về thị trường nội địa, nhưng tất cả mới chỉ đang ở những bước khởi đầu.

Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp trong ngành đang gặp phải đó là vấn đề nguyên liệu. Doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà phải nhập khẩu đến 70% từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Một cái khó nữa là hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn được buôn bán tràn lan, ảnh hưởng tới sức sản xuất và cạnh tranh của hàng Việt Nam.

Theo ông Khánh, Việt Nam cần phải quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất cho ngành da giày, cùng với việc đầu tư công nghệ sản xuất, đẩy mạnh khâu thiết kế và quảng bá sản phẩm. Có như vậy mới hy vọng phát triển ngành da giày trong nước. Sự hội nhập quốc tế sẽ kéo theo sự đổ bộ của giày dép nhập khẩu, đem đến không ít khó khăn cho ngành này. “Xây dựng thương hiệu là chuyện cấp bách và cần thiết. Nếu không, da giày Việt sẽ khó có thể đứng vững ngay cả trên sân nhà”, ông Khánh phát biểu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tàu cao tốc TPHCM – Côn Đảo chạy từ 13-5

0
Từ ngày 13-5, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc sẽ đưa vào hoạt động tuyến vận chuyển hành khách cố định...

Ngắm hoàng hôn trên đồi Vọng Cảnh

0
(SGTT) – Đồi Vọng Cảnh nằm ở phía Tây nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương. Với khung cảnh thanh...

Dấu xưa trên bến Bình Đông

0
(SGTT) - Bến Bình Đông được ví như một “không gian di sản” với các dãy nhà đậm nét kiến trúc đặc thù của...

Chọn thịt gà, tôm làm điểm nhấn cho mâm tiệc trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà và tôm là hai loại thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm gia đình hay mâm tiệc. Hôm nay, chúng...

Bữa sáng Sài Gòn: Phở sườn bò cổng trường Trần Bình...

0
(SGTT) - Sườn bò là một trong những phần ăn kèm của món phở bò mà chỉ một số ít quán bán. Theo đó,...

Phát hiện hồ nước ‘treo lơ lửng’ trong hang Thung ở...

0
(SGTT) - Tại nhánh phụ của hang Thung, thuộc hệ thống hang động Hung Thoòng (Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) vừa...

Kết nối