Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Chuyện của kẻ đốt sách

Nguyễn Huệ Nghi

“Đốt là một cái thú”, Ray Bradbury đã bắt đầu như thế. Lối khởi đầu đó dự báo rất nhiều ý tưởng “quái đản” trong một cuốn tiểu thuyết mỏng được ông tập trung viết trong vòng 9 ngày bằng cái máy đánh chữ thuê ở một thư viện nhỏ. Đó là 451 độ F, sách do Nick Trương dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học, 2015 ấn hành.

Điều “quái đản” đầu tiên, đó là cái thế giới bên trong cuốn sách có lẽ nằm ở một thì tương lai nào đó xa lắc so với cái thời điểm Ray Bradbury viết cuốn sách này, năm 1953, nhưng hàm chứa một nguy cơ lớn mà văn minh nhân loại đang bước tới. Đó là một thế giới mà những bà mẹ ghét việc sinh đẻ, những trí thức bị cô lập, phải sống chui nhủi trong những cánh rừng, bên những đường sắt bị bỏ hoang, sách bị đốt và truyền hình thực tế lên ngôi, những kẻ đọc sách trở thành phạm pháp, văn học bị xem là thứ đem lại cho con người sự nặng nề vì vậy mà cần làm mồi cho lửa…

Trong bối cảnh đời sống đó, nhân vật chính của cuốn sách – Guy Montag xuất hiện tưởng chừng như phi lý, nhưng xem ra đầy hợp lý: trên đầu Guy đội chiếc mũ có đánh số 451, trên tay Guy cầm một chiếc vòi rồng dùng phun lửa vào sách và người đọc sách. Trợ lực cho anh là cả một đội quân hùng hậu khát máu với sách vở và cả con chó sắt được sinh ra để đi đánh mùi kẻ đọc sách và những kho sách.

[box type=”download”]

ray-bradbury-voi-ban-goc-cua-cuon-451-do-f

Ray Bradbury (1920-2012) là tác giả của dòng truyện giả tưởng, viễn tưởng, trinh thám hàng đầu nước Mỹ. Người ta gọi 451 độ F của ông là một tiểu thuyết “phản địa đàng”. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn truyện ngắn kinh dị giả tưởng nổi tiếng như The Martian Chronicles hay The Illustrated Man. Ngoài viết văn, ông còn là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim nổi tiếng. Tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim, truyện tranh và được chờ đón tại Mỹ.

Ông bán báo kiếm sống cho đến năm 22 tuổi. Không có tiền vào đại học, ông tìm kiếm tri thức hiểu biết qua kho sách của một thư viện địa phương.

Cuốn 451 độ F được viết trong một thư viện nhỏ ở Los Angeles, nơi ông phải thuê chiếc máy đánh chữ với giá 9,8 đô la và ngồi viết liên tục trong chín ngày. Cho đến nay, tính tiên tri cùng những ẩn dụ của cuốn sách vẫn được giới phê bình và độc giả Mỹ không ngừng giải mã.[/box]

Điều “quái đản” tiếp theo trong cuốn sách, đó là triết lý hành động điên đảo của những lính phóng hỏa (thay vì cứu hỏa!). Những kẻ phản văn hóa thì nắm quyền lực và những gì thanh cao tốt đẹp thì rời rạc, mơ hồ, bị truy quét. Nhưng dẫu sao, trong ánh thép lóe lên của một đời sống chật đầy kim khí của bạo tàn, vẫn còn những tâm hồn lãng mạn muốn lan tỏa sự rung động trước thiên nhiên, cái đẹp và tri thức. Đó có thể là một nhân vật Clarisse McClellan hiện thân của thế giới cái đẹp thuần khiết, luôn xuất hiện như một ảo ảnh, luôn đặt ra những câu hỏi như đối nghịch với Guy, kẻ sặc nức mùi dầu hỏa và một tinh thần “hồng vệ binh” coi việc đốt phá là lạc thú. Đó cũng có thể là Faber, một giáo sư già đã gần như tuyệt vọng trước cảnh tri thức bị xem là cừu địch đã sáng chế ra một con bọ gắn vào tai Guy để giúp anh có thể nghe tiếng đọc sách, nghe tiếng nói của lương tâm.

Cuối cùng, giữa muôn trùng “quái đản” thì điều phi thường thú vị nhất trong cuốn sách xuất hiện, đó chính là cuộc “trở cờ” ngoạn mục của một lính phóng hỏa và cuộc trốn chạy của anh như một tín đồ tri thức với con đường hẹp để gia nhập vào thế giới của những kẻ trí thức thông thái bị đẩy ra bên lề.

Lửa có hẳn là “tốt nhất cho mọi thứ”, biến mọi thứ thành “than củi của lịch sử”, như cái cách mà Montag từng nghĩ?

Cuộc sống biết đâu chừng, đâu đó vẫn có những con người như đội trưởng đội phóng hỏa Beatty, cho đến lúc chết dưới chính cái vòi rồng mà hắn sử dụng, vẫn nuôi lòng căm thù những cuốn sách. “Mọi thứ đều không ổn ở thế giới này!”, giọng Faber phát ra từ con bọ, khiến Montag thay đổi nhận thức cũng là một truy vấn với người đọc để nhìn sâu hơn vào thế giới mình đang sống. Nhưng liệu có mấy người nghe thấy giọng Faber? Có mấy người là Faber?

Như một bản giao hưởng ba chương đầy chất thơ và kịch tính, Ray Bradbury đưa ra một viễn tượng “bất thường” về thế giới tương lai vừa đầy sầu muộn, âu lo nhưng không quên dệt nên một chút hài hước, lạc quan. Ở đó, bước qua tro tàn của lịch sử, ông muốn độc giả vững tin rằng, những người ham hiểu biết và yêu giá trị tốt đẹp mà sách mang lại sẽ không tuyệt chủng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du khách đổ về núi Cấm vui lễ 30-4

0
(SGTT) - Trong 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4, đông đảo du khách đã đổ về khu du lịch núi Cấm, xã...

Khách quốc tế đến Việt Nam vượt mốc 6 triệu lượt...

0
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29-4, trong tháng 4-2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,6...

Cách chăm sóc và bảo vệ da khỏi chất tẩy trong...

0
(SGTT) - Bơi lội là hoạt động thể chất được nhiều người yêu thích vào mùa Hè. Tuy nhiên, việc thường xuyên tiếp xúc...

Thảo Cầm Viên hút khách vui chơi dịp lễ 30-4

0
(SGTT) - Trong những ngày nghỉ lễ 30-4, hàng ngàn người dân và du khách đã chọn Thảo Cầm Viên, quận 1, TPHCM để...

Tìm về ‘ốc đảo xanh’ Cần Giờ dịp lễ 30-4

0
(SGTT) – Cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, “ốc đảo xanh” Cần Giờ là gợi ý để du khách đến vui chơi, thưởng thức...

Số ca mắc bệnh sởi tăng cao, Bộ Y tế khuyến...

0
(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca phát ban nghi sởi từ đầu năm đến nay đã tăng 2,7 lần...

Kết nối