Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Không dễ mua BHYT tự nguyện

Bình An

Kể từ ngày 15-1, người dân cư ngụ tại TPHCM có thể đến các phường, xã để mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện. Song, thủ tục nhiêu khê không chỉ khiến cán bộ phường, xã nhức đầu mà nhiều người dân muốn mua bảo hiểm cũng gặp không ít khó khăn.

Rắc rối thủ tục

Theo quy định mới, những người lao động tự do muốn mua BHYT phải có bản sao hộ khẩu, bản sao tạm trú, giấy chứng tử của người thân, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận bảo hiểm của những thành viên trong gia đình đã mua BHYT… thì cơ quan bảo hiểm mới bán.

Sáng 22-1 vừa qua, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ghé phòng đăng ký làm thủ tục cấp thẻ BHYT của UBND phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM thấy cả chục người đang vây quanh một cán bộ phường, khiến vị này phải thốt lên: “Tôi phát điên với những thủ tục giấy tờ của quy định mới này”.

Người dân đang được hướng dẫn thủ tục mua BHYT tại UBND phường 5, Gò Vấp.
Người dân đang được hướng dẫn thủ tục mua BHYT tại UBND phường 5, Gò Vấp.

Một cư dân ở phường này tên Lan thắc mắc: “Nhà tôi có một người mới đi nước ngoài, những người còn lại trong hộ khẩu đăng ký mua được không?”. Vị cán bộ này cho biết sẽ không mua được BHYT nếu không có giấy tờ chứng minh được người đó đi nước ngoài. Không biết lấy gì để chứng minh, bà Lan đành phải ra về mà không mua được BHYT vì bảo hiểm hôm nay đã chốt sổ gia hạn mua bổ sung.

Bà Nguyễn Thị Hồng Đào, 55 tuổi, cũng đến phường 5 (quận 3) để gia hạn thẻ BHYT. Tại đây, bà được nhân viên bán bảo hiểm ở phường yêu cầu bổ sung sổ hộ khẩu, hoặc giấy đăng ký KT3 và thẻ bảo hiểm của những người trong gia đình đã tham gia mua BHYT rồi quay lại phường để nhân viên xem xét có đủ tiêu chuẩn mua hay không.

“Chưa bao giờ tôi thấy nhiêu khê và rườm rà, khó khăn như năm nay. Con trai tôi vừa xin việc vào công ty để làm bảo vệ, đang trong giai đoạn thử việc, chưa ký hợp đồng chính thức nên công ty chưa mua bảo hiểm. Nay nhân viên phường bắt buộc phải mua cho cả hai mẹ con. Như vậy là làm khó tôi quá”, bà Đào nói.

Trong khi đó, tại phường 7, quận Gò Vấp, bà Lê Thị Thoa, 47 tuổi, đang làm nghề may cho một cơ sở kinh doanh hộ gia đình, không có chế độ mua BHYT. Bà Thoa mua BHYT theo bản đăng ký KT3 của khu nhà trọ. Bà đang bị bệnh tiểu đường, nên việc mua bảo hiểm sẽ đỡ đần chi phí khám bệnh và thuốc men. Thế nhưng, việc mua BHYT tự nguyện là việc khó khăn với bà lúc này.

Bà cho biết, khu nhà trọ của bà hiện nay có khoảng 10 phòng trọ, với 15 người ở, và không phải ai cũng có nhu cầu mua bảo hiểm. Trong khi nhân viên bán BHYT phường yêu cầu phải mang bản đăng ký KT3 hoặc sổ tạm trú lên phường và bắt buộc tất cả mọi người trong sổ KT3 hoặc có tên trong sổ hộ khẩu cùng mua bà mới được mua.

Quy định mới của BHYT đang khiến những người tạm trú như bà Thoa mắc kẹt, bức xúc về những điều khoản vô lý khiến họ không thể mua bảo hiểm. Có những người ở cùng sổ đăng ký KT3, đã mua BHYT ở cơ quan họ đang làm việc thì phải mượn thẻ của người đó để đi sao y và công chứng để chứng minh với cơ quan bảo hiểm rằng họ đã mua. Còn những người đi công tác cả tháng, người muốn mua bảo hiểm phải chờ khi họ về mới đi công chứng để được mua bảo hiểm.

Không được mua riêng lẻ

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết theo quy định của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, ai muốn mua BHYT thì bắt buộc tất cả các thành viên hộ gia đình phải cùng tham gia. Cụ thể, toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc toàn bộ người có tên trong sổ tạm trú đều phải mua, trừ những người đã tham gia BHYT ở các nhóm khác theo quy định của luật và người đã khai báo tạm vắng.

Ông Sang cho biết thêm, hiện các phường đang xôn xao, rối loạn vì bị gây khó dễ khi mua BHYT, thậm chí có người còn bị người dân bao vây chửi. Tuy nhiên, đó là những thủ tục bắt buộc người dân phải làm để mục đích BHYT tế toàn dân được thực hiện.

Ông Sang dẫn chứng, nếu không thực hiện bảo hiểm toàn dân thì quỹ sẽ luôn thiếu. Tính đến cuối năm 2014, có 909.000 người dân tham gia BHYT tự nguyện, xài hết số tiền họ đóng vẫn thiếu gần 1.500 tỉ đồng. Năm 2013 có 850.000 người dân tham gia BHYT tự nguyện, quỹ thiếu 1.320 tỉ đồng.

Chỉ nên khuyến khích

Quy định mới của BHYT nhằm mục đích khuyến khích tất cả người dân tham gia BHYT để cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm cho cá nhân và xã hội. Số tiền người thứ hai trong hộ gia đình mua BHYT tự nguyện chỉ bằng 70% số tiền người thứ nhất đóng, còn người thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 60% và 50% so với mức đóng của người thứ nhất. Số tiền đóng giảm dần nhằm khuyến khích hộ gia đình cùng tham gia. Song, cũng có người lại đặt vấn đề, rằng nếu người dân tự nguyên mua BHYT, chất lượng khám và chữa bệnh ở các bệnh viện có được cải thiện, có xứng đáng để họ buộc phải mua bảo hiểm?

Thực tế cho thấy, nhiều người đi khám chữa bệnh theo BHYT có khi phải xếp hàng gần cả buổi để khám chưa đầy hai phút. Do vậy, nếu muốn người dân tự nguyện mua BHYT thì trước tiên phải khắc phục hình thức và chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Tự mua thuốc BHYT và được hoàn tiền: người bệnh thêm...

0
(SGTT) – Trong bối cảnh nguồn thuốc của bệnh viện ở một số tỉnh, thành phố không đủ, bệnh nhân phải đi mua thuốc...

Những ai được BHYT trả toàn bộ tiền khám chữa bệnh?

0
Hiện tại, do mức lương cơ sở thay đổi nên những nhóm người được bảo hiểm y tế trả 100% chi phí khám chữa...

Đi khám quên thẻ BHYT giấy, người bệnh có thể thay...

0
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giấy tờ quan trọng để quá trình khám chữa bệnh của người bệnh được tiết kiệm...

Lương cơ sở tăng, mức đóng bảo hiểm y tế cũng...

0
Theo Nghị định số 24/2023, mức lương cơ sở sẽ áp dụng từ ngày 1–7 là 1,8 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng như...

5 lợi ích khi tham gia Bảo hiểm y tế

0
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật...

Kết nối