Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Đường hoa Nguyễn Huệ kéo dài thời gian mở cửa, nhiều điểm nhấn độc đáo

(SGTT) – Với chủ đề “TPHCM – Xuân an vui, xuân thịnh vượng”, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân và du khách từ 19:00 ngày 19-1 đến 21:00 ngày 26-1-2023 (tức từ 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết), hơn 1 ngày so với các năm trước.

Thông tin trên được ông Nguyễn Đông Hòa, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 20 – Tết Quý Mão năm 2023 cho biết tại buổi họp báo tối 6-1.

Nguyễn Đông Hòa, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: Nguyễn Phong

Cũng theo ông Nguyễn Đông Hòa, đường hoa Nguyễn Huệ năm nay có nhiều điểm nổi bật như linh vật 20 năm đường hoa cùng tề tựu, thay đổi tiểu cảnh hoa tại khu vực tượng đài Bác Hồ phía trước tòa nhà UBND Thành phố, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường và có sự tham gia của lãnh sự quán các quốc gia như Lào, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Malaysia, Singapore, Indonesia…

Khác với 2 năm trước bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ sẽ mở cửa tự do cho khách tham quan và không giới hạn số lượng du khách.

Linh vật 20 năm đường hoa cùng ‘tái ngộ’

Đường hoa Tết 2023 ghi dấu mốc 20 năm Đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Khách thưởng ngoạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng lại toàn bộ 20 linh vật đã từng xuất hiện tại vị trí cổng chào đường hoa trong hai thập kỷ, có dịp chụp ảnh chung với hình ảnh đại diện con giáp của mình, và đặc biệt hơn là có thể so sánh hai tạo hình khác nhau của cùng một linh vật.

Qua 20 năm đường hoa được tổ chức, tổng cộng có 8 linh vật đã đến, đã đi và quay trở lại gồm các linh vật: Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần và Mão. Các linh vật tại đại cảnh “Vùng ký ức” được thể hiện ở mức tương đồng đến 80% so với nguyên bản năm xưa.

Đa dạng sắc thái hình ảnh linh vật Quý Mão

Phối cảnh đường hoa Nguyễn Huệ năm 2023. Ảnh: Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại đường hoa Tết Quý Mão, 70 hình ảnh linh vật mèo được cách điệu thể hiện đa dạng về kích thước (thấp nhất 0,6 m, cao nhất 5,5 m), đa dạng về chất liệu từ mút xốp, sắt, sơn mỹ thuật, phủ mùn cưa, giả đất nung đến vải… dưới nhiều sắc thái, biểu cảm khác nhau từ dễ thương, nghiêm túc, tinh nghịch, lười biếng đến tò mò…

68 cội mai vàng tại khu vực tượng đài Bác Hồ 

Điểm nổi bật của đường hoa 2023 là sự thay đổi tiểu cảnh hoa tại khu vực tượng đài Bác Hồ phía trước tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố. Thay cho 36 chậu mai như mọi năm, năm nay 68 cội mai vàng đến từ làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) sẽ tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ khu vực tôn nghiêm này.

Đến đây, khách thưởng ngoạn sẽ có cảm giác như đang lạc bước vào một vườn mai tự nhiên ngay giữa lòng thành phố, nhẹ nhàng chiêm ngưỡng loài hoa Xuân đặc trưng của đất phương Nam.

Ngắm hoa từ cầu đi bộ

Phối cảnh cầu đi bộ tại Đường hoa. Ảnh: Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Cầu đi bộ cũng là điểm nhấn đặc biệt của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay. Du khách có thể rảo bước trên cầu gỗ dài khoảng 30m, rộng 2.1m, cao 80cm, băng ngang qua thảm hoa rộng hơn 300m². Đây là nơi duy nhất mọi người có thể bước giữa vô số hoa xuân đầy màu sắc, lưu lại những bức ảnh đẹp trong mùa Tết năm nay.

Sự “lên ngôi” của vật liệu thân thiện môi trường

Quang cảnh Đường hoa. Ảnh: Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Mây tre trở thành vật liệu chủ đạo trong trang trí phối hợp cùng sắt, nguyên vật liệu không thể thiếu trong việc tạo kết cấu, tạo khung sườn, phân thành đa tầng cao độ. Đặc biệt, đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2023 sử dụng nhiều chất liệu thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng như kim loại, xốp, mây, tre, nứa, gạch, vải, dây thun… cùng khoảng 88 loại hoa, 18 loại lá, gần 106.000 chậu, giỏ hoa các loại.

Tính đến Tết năm 2023, đường hoa Nguyễn Huệ là đường hoa thứ 20 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền tại trung tâm TPHCM, kể từ lần đầu tiên vào năm 2004. Công trình do UBND TPHCM chỉ đạo, với sự chủ trì tổ chức, thực hiện của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) phối hợp với các sở ban ngành TP cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp tại TPHCM.

Nguyễn Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Buýt vi vu: Ghé thăm những nhà thờ cùng tuyến buýt...

0
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 30, du khách sẽ có dịp tìm về những công trình tôn giáo như nhà thờ Martino, nhà...

Sài Gòn 1.001 kiểu hẻm

0
(SGTT) - Ở Sài Gòn, hễ có đường là hầu như sẽ có hẻm. Thị dân trong hẻm có cách gọi tên hẻm riêng...

Rực sáng sắc màu pháo hoa trên bầu trời TPHCM đêm...

0
(SGTT) – Đêm 30-4, bầu trời TPHCM rực sáng sắc màu pháo hoa, chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM xem pháo hoa tối...

0
(SGTT) - Từ chiều 30-4, người dân TPHCM đã đổ về trung tâm thành phố để vui chơi, lựa chọn vị trí đẹp đợi...

TPHCM: Doanh thu du lịch dịp lễ 30-4 đạt trên 3.230...

0
Doanh thu trong dịp lễ 30-4 và 1-5 của ngành du lịch TPHCM ước đạt 3.235 tỉ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ...

Dòng người xếp hàng chờ tham quan Dinh Độc Lập trong...

0
(SGTT) - Sáng 30-4, Dinh Độc Lập đón nhiều người dân, du khách đổ về tham quan. Dòng người xếp hàng dài để chờ...

Kết nối