Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Thuốc Đông y dùng sao cho đúng?

Lâu nay tình trạng người bệnh tự ý dùng thuốc đông y không hỏi ý kiến của bác sĩ, cũng như dùng cây cỏ, thực phẩm chức năng chưa được kiểm chứng đã trở thành một vấn đề tiềm ẩn nguy cơ tới sức khỏe cộng đồng.

PGS. Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho hay thuốc đông y ngoài các dược liệu đông y, còn bao gồm những chế phẩm thực phẩm chức năng (TPCN). Thành phần các TPCN này chủ yếu là dược thảo. Cần lưu ý rằng các TPCN được bày bán với với bao bì và dạng bào chế giống như thuốc nhưng không được xem là thuốc, không được dùng để thay thế thuốc. Nhờ quảng cáo, tiếp thị rầm rộ nên nhiều người cả tin, cứ tưởng TPCN là dược thảo thì lành tính, dùng sao cũng được. Nhiều người còn cả tin đến độ xem là “thần dược” chữa bách bệnh. Không ít bệnh nhân cứ thế mà tự tiện dùng TPCN kết hợp với thuốc tây y đang được dùng để chữa bệnh.

Ngoài ra, việc lạm dụng dược liệu đông y không phải là hiếm gặp. Ví dụ như nhân sâm (Panax ginseng) thuốc bổ đông y rất quý nhưng có cách dùng riêng, không thể lạm dụng, dùng không hợp lý cũng có thể gây ngộ độc. Một số người dùng nhân sâm và chế phẩm của nó với liều quá cao, hoặc quá dài ngày, dẫn đến “ngộ độc nhân sâm”: tăng huyết áp, thần kinh hưng phấn quá độ làm mất ngủ, đau đầu, chóng mặt…

Thảo dược cũng cần đúng liều – lượng

Cũng theo DS. Nguyễn Hữu Đức, đối với các nhà điều trị, việc kết hợp cả Tây y và Đông y nhằm vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa hạn chế khả năng xảy ra tác dụng phụ đối với người bệnh. Cách chữa trị thường là: Với người bị bệnh cấp tính thì dùng phương pháp y học hiện đại để điều trị, qua giai đoạn nguy kịch mới phục hồi chức năng bằng phương pháp y học cổ truyền.

Người dùng cần biết thuốc đông y hay TPCN là dược thảo đều phải dùng đúng liều lượng thì mới an toàn. Nhất là không được tự tiện dùng kết hợp với thuốc tây y một cách tùy tiện, kết hợp không đúng rất nguy hiểm. Thí dụ, nếu dùng kết hợp TPCN có tỏi, gừng, lá bạch quả (Ginkgo biloba) với thuốc kháng đông như aspirin, warfarin… có thể gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả thuốc kháng đông, gây xuất huyết trầm trọng. Hoặc kết hợp dùng thêm nhân sâm chung với thuốc trị bệnh đái tháo đường (insulin, glyburid, metformin…) có thể gây hạ đường huyết quá mức, rất nguy hiểm.

Nhiều người dân có quan niệm cho rằng thuốc đông y hay thuốc y học cổ truyền không độc hoặc ít độc hơn thuốc tây y. Quan niệm này có lí do của nó, phần lớn thuốc tây y đi từ con đường tổng hợp của hóa học, tức là những hóa chất ít nhiều độc tính. Trong khi đó, phần lớn thuốc đông y xuất phát từ cây cỏ là sinh chất thiên nhiên dễ hòa hợp với sự sống của con người hơn các chất nhân tạo.

Tuy nhiên, từ đó mà đi đến chỗ lạm dụng, sử dụng bừa bãi, cứ uống nhiều thuốc đông y vào “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” là điều hết sức nguy hại. Hoặc có nhiều người đang dùng thuốc tây y chữa bệnh lại tự ý dùng thêm thuốc đông y để “điều hòa”, giúp thuốc tây y đang dùng bớt “độc hại” hơn. Họ không biết rằng tự ý kết hợp thuốc tây và thuốc đông y có khi gặp phải tương tác thuốc có hại làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí nguy đến tính mạng.

Tránh những nhầm lẫn tai hại

DS. Đức cho hay, trước đây nhiều người dân ở Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) nhận lầm cây thương lục là một loại sâm và đổ xô xin cây giống về trồng, ngâm rượu rễ củ để uống gọi là bổ dưỡng. Việc nhầm lẫn này cũng xảy ra ở một số nơi khác như ở Đức Hòa (Long An). Thực chất loại cây thương lục không phải là sâm, trong cây có chứa chất độc, nếu ngâm rượu uống lâu ngày có thể gây hại.

Ta cũng cần biết rằng, thuốc đông y còn có cả những vị thuốc rất độc làm từ khoáng chất và thực vật. Chưa kể người ta có thể dùng nhầm thực vật rất độc để làm thuốc. Đã có trường hợp sử dụng nhầm cây lá ngón làm tử vong nhiều người chỉ vì không hiểu biết đó là cây rất độc.

Một ví dụ là vào tháng 11/2011, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết có bốn trẻ dưới 1 tuổi bị ngộ độc nặng suýt nguy đến tính mạng do cha mẹ dùng thuốc bôi ngoài da gọi là “thuốc cam” bôi chữa các nốt nhiệt hoặc vết viêm ở miệng của trẻ. Thuốc cam được xem là một loại thuốc đông y. Xét nghiệm cho thấy mẫu thuốc cam chứa hàm lượng chì lên đến 10%.

Về khoáng chất, có một số vị thuốc đông y rất độc, một số loại phải xem đó là độc chất. Đó là Thần Sa, Chu Sa (chứa thủy ngân), Thạch Tín, Khinh Phấn… Về thực vật hay dược thảo có độc tính, có thể kể đến á phiện là nhựa lấy từ trái của cây thuốc phiện (Papaver somniferum); phụ tử là rễ củ của cây Ô đầu Việt nam (Aconitum fortunei) có chứa aconitin là một chất cực độc; mã tiền là hạt cây Mã tiền (Strychnos nux vomica), độc tính của mã tiền là do chất strychnine, nếu dùng quá liều sẽ gây cơn co giật kiểu uốn ván và nạn nhân chết vì ngạt thở.

Phải thật cẩn trọng khi sử dụng thuốc đông y, không nên nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện, sử dụng lâu dài. Tuyệt đối không được tự tiện dùng kết hợp thuốc đông tây y hay TPCN một cách tùy tiện mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Bình An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cách chăm sóc và bảo vệ da khỏi chất tẩy trong...

0
(SGTT) - Bơi lội là hoạt động thể chất được nhiều người yêu thích vào mùa Hè. Tuy nhiên, việc thường xuyên tiếp xúc...

Thảo Cầm Viên hút khách vui chơi dịp lễ 30-4

0
(SGTT) - Trong những ngày nghỉ lễ 30-4, hàng ngàn người dân và du khách đã chọn Thảo Cầm Viên, quận 1, TPHCM để...

Tìm về ‘ốc đảo xanh’ Cần Giờ dịp lễ 30-4

0
(SGTT) – Cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, “ốc đảo xanh” Cần Giờ là gợi ý để du khách đến vui chơi, thưởng thức...

Số ca mắc bệnh sởi tăng cao, Bộ Y tế khuyến...

0
(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca phát ban nghi sởi từ đầu năm đến nay đã tăng 2,7 lần...

Liên tục xả trạm thu phí cầu Rạch Miễu do kẹt...

0
(SGTT) – Cầu Rạch Miễu, tuyến đường huyết mạch nối liền hai tỉnh Tiền Giang – Bến Tre, bị kẹt xe nghiêm trọng trong...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa kỳ nghỉ lễ chọn miến...

0
(SGTT) - Dù là thứ Hai đầu tuần, nhưng bữa trưa hôm nay vẫn nằm trong kỳ nghỉ lễ 30-4 nên mọi người có...

Kết nối