Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Ra rạp xem phim tài liệu

Vốn bị gán mác là dòng phim tuyên truyền, khô khan và khó xem, phim tài liệu ở Việt Nam chỉ dành chiếu trên truyền hình, vào một số khung giờ không được đẹp cho lắm. Thế nhưng, khi bộ phim tài liệu thứ hai ra rạp, bán vé hẳn hoi ở Việt Nam, người ta mới biết, hóa ra loại phim này cũng có thể… làm thương mại.

Một cảnh quay đẹp trong Samsara.

Mới mẻ và định kiến khó xem

Phim tài liệu độc lập, làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp… là những khái niệm còn mới mẻ ở Việt Nam, trong khi đã vô cùng phổ biến trên thế giới. Dòng phim indie (độc lập), bao gồm cả phim truyện và tài liệu, rất được phương Tây coi trọng. Bởi vì dòng phim này đề cao góc nhìn cá nhân của đạo diễn, là nơi thỏa sức sáng tạo, thể nghiệm quan điểm mới lạ. Quay theo lối trực tiếp – tức đi theo nhân vật, tham gia vào đời sống thường nhật, lắng nghe tâm tư tình cảm của họ, không dàn dựng, không khiên ép – là cách mang lại cho những bộ phim sự chân thực đáng kinh ngạc.

Thế giới đã có những phim như War photographer (đạo diễn Christian Frei) đi theo nhân vật chính là một phóng viên chiến trường, tới những điểm nóng trên thế giới, bất chấp việc có thể tử nạn vì bom rơi đạn lạc. Hay My love don’t cross that river (đạo diễn Mo-young Jin), câu chuyện tình già giản đơn và rung động; Samsara (đạo diễn Ron Fricke) – phim tài liệu thơ nổi tiếng với hàng ngàn khung hình đẹp tuyệt mỹ quay tại nhiều nơi trên thế giới trong suốt năm năm… Đây đều là những phim chạm đến tâm khảm người xem nhờ vào tính chân thật của nó.

Ở Việt Nam, trước giờ phim tài liệu thường đi theo lối mòn viết kịch bản sẵn rồi đi quay, cơ bản gần giống phóng sự kéo dài. Quan điểm chủ quan của đạo diễn lấn át trong tác phẩm. Ngược lại, tài liệu trực tiếp đòi hỏi đạo diễn viết kịch bản song song với quay hiện trường, và có thể đối mặt với những cái kết hoàn toàn bất ngờ nếu nhân vật chẳng may… qua đời. Người xem cũng được tự do hơn trong cảm nhận phim, bởi hầu như không có lời bình. Đạo diễn không “nghĩ hộ” thông điệp, cảm nhận, khán giả đến với tài liệu trực tiếp sẽ cần “động não” nhiều hơn. Đó cũng là cách phương Tây kích thích sự phản biện, đa chiều trong nhìn nhận sự việc.

Hấp dẫn không kém phim truyện

Trên thực tế, phim tài liệu có thể mang đến những câu chuyện hấp dẫn không kém phim truyện. Một ngày cuối năm 2014, hàng trăm khán giả đã cùng đến L’Espace (Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội) để xem một bộ phim đặc biệt: Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) – phim tài liệu làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp. Người ta kéo đến xem, vì bộ phim dán mác tài liệu trực tiếp thì ít, mà tò mò về những “bóng lộ” trong gánh hát lô tô thì nhiều. Nhưng dù sao thì đây là lần đầu tiên cộng đồng tài liệu độc lập Việt Nam có một bộ phim được phát hành tại quê hương mình.

Phải tới bốn năm sau, tháng 10/2018, bộ phim thứ hai mới có cơ hội ra rạp, bán vé. Đó là Đi tìm Phong (đạo diễn Trần Phương Thảo – Swann Dubus), kể về hành trình chuyển giới của Phong – một người thuộc cộng đồng LGBT. Cả hai bộ phim này đến được với đông đảo khán giả hai thành phố lớn nhất Việt Nam đều là nhờ sự liều lĩnh của diễn viên Hồng Ánh. Bởi, phim tài liệu bán vé, dù rẻ tới đâu cũng không kỳ vọng thu hồi được vốn.

Gia đình nhân vật chính Lê Anh Phong tại buổi chiếu phim.

Bộ phim được thực hiện trong khoảng năm năm, với một máy quay được đạo diễn trang bị cho chính Phong, để cô ghi lại bất cứ thứ gì trong cuộc sống riêng.

Ở Việt Nam, đạo diễn phim tài liệu độc lập giống như Trần Phương Thảo, Nguyễn Thị Thắm không nhiều. Bởi đây là mảng đòi hỏi sự kiên trì, lòng trắc ẩn và sự đeo bám, lại chưa có thị trường xứng đáng. Hy vọng rồi một ngày, những bộ phim tài liệu dung dị, chân thật tương tự sẽ được sản xuất, ra rạp, hiện thực được mong muốn “chiếu phim, bán vé” ngày nào của những nhà làm phim tài liệu Việt Nam.

Đạo diễn Trần Phương Thảo (1977) có bằng Thạc sĩ về Tài liệu trực tiếp tại Đại học Poitiers, Pháp năm 2004. Swann Dubus, đồng đạo diễn Trong hay ngoài tay em, Đi tìm Phong, là chồng của cô. Trước đó, Trần Phương Thảo đã có phim Giấc mơ làm công nhân được giới chuyên môn đánh giá cao.Đi tìm Phong là bộ phim thứ ba trong sự nghiệp của Trần Phương Thảo, đã đem về giải Grand prix tại Liên hoan phim quốc tế Jean Rouch 2015 (Paris, Pháp); giải Khán giả bình chọn và Tiêu điểm trong Viet Film Fest 2016 (Los Angeles, Mỹ); Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế LGBT 2016 (Thessaloniki, Hy Lạp) và mới đây là Giải Phim tài liệu hay nhất – Festival In&Out 2017 (Nice, Pháp). Phim đã được chiếu rộng rãi tại Pháp trước khi về Việt Nam.

Hà Bi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Khám phá Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đêm

0
(SGTT) - Bằng việc sử dụng công nghệ 3D Mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh, Văn Miếu...

Hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt cuối năm...

0
(SGTT) - Hai công ty cổ phần vận tải đường sắt khi được sáp nhập sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm...

Thủ tướng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm

0
(SGTT) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố về...

Dấu xưa – Hồn phố: Thăm ngôi đình cổ hơn 170...

0
(SGTT) - Được xây dựng trên cù lao Bà Tàng, phường 7, quận 8, nằm ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi, đình Bình...

Ghé quán ốc được Michelin gợi ý ở TPHCM

0
(SGTT) - Dù nằm khuất trong con hẻm đường Nguyễn Trãi, quận 1, nhưng tiệm ốc Đào lại là điểm đến quen thuộc của...

Kết nối