Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Monta trong dải ngân hà đem lại tiếng cười cho trẻ nhỏ

Chiếu giới hạn một số suất tại TPHCM từ ngày 6-8, Monta trong dải ngân hà kỳ cục – loạt phim hoạt hình do công ty Vintata sản xuất – đã đem lại nhiều tiếng cười cho trẻ nhỏ. Chỉ có ba tập phim, vỏn vẹn 60 phút, nhưng loạt phim này hứa hẹn đưa hoạt hình Việt Nam tiến lên một bước dài.

Tạo hình dễ thương của Monta trong phim.

“Có cảm giác của Pixar”

Đó là cảm nhận của nhiều khán giả khi tới xem suất chiếu giới hạn tại rạp CGV gần đây. Nội dung phim được xây dựng từ ý tưởng của nhóm The Whale Hunters (giải nhất cuộc thi Tác giả lừng danh do Vintata tổ chức cuối năm 2017). Kịch bản sau đó được hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia hoạt hình thế giới như nhà biên kịch Jeffrey Scott (từng được nhiều đề cử Emmy cho phim hoạt hình DuckTales, Sonic, Pacman) hay hoạ sĩ Andy Kelly của Gumball, Ninja rùa… Những yếu tố ấy giải thích lý do tại sao khán giả thấy màu sắc của những bộ phim quốc tế trong ba tập đầu tiên của Monta khá đậm đặc.

Cuối tháng 10/2017, Vintata mới tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng. Vào tháng 5/2018, công ty công bố ý tưởng đoạt giải và tháng 8 ra mắt ba tập phim đầu tiên. Ê-kíp của dự án chỉ có khoảng 70 người, làm việc liên tục trong sáu tháng dưới sự chỉ huy của “bếp trưởng” trẻ tuổi Nguyễn Phi Phi Anh (1991), với cường độ xử lý 7.200 bức tranh/tuần. Con số này, nếu chia nhỏ ra, có thể thấy khối lượng công việc nặng và tốc độ cao như thế nào.

Có thể nói, so với số lượng ít ỏi của phim hoạt hình Việt Nam trên thị trường từ trước tới nay, bộ phim về chú khỉ Monta đã đi một bước dài cả về nội dung lẫn kỹ thuật. Điều đặc biệt là chúng ta có thể thấy Monta bắt đầu tiệm cận chất lượng hoạt hình quốc tế, thay vì ở mãi trong ao làng nhìn lên trời xanh nhờ vào cấu trúc theo kiểu hoạt hình trên kênh Cartoon Network, với những câu chuyện nhỏ vui vẻ, dí dỏm kiểu con nít. Nét vẽ ấn tượng, diễn họa sinh động và màu sắc sặc sỡ hấp dẫn ngay từ khi bắt đầu. Trong tập đầu tiên, bộ phim hé mở bối cảnh câu chuyện, đường dây dẫn dắt và hệ thống nhân vật. Biên kịch làm khá tốt khi sáng tạo nội dung dựa trên lối suy nghĩ đơn giản và bay bổng của trẻ nhỏ. Hệ thống nhân vật chính gồm chú khỉ Monta nghịch ngợm và chuyên gây rắc rối, nàng cừu Sheepora đầu trọc điệu đàng, chàng cá mập ăn chay mong manh dễ vỡ Sharkira, phi thuyền Banana đa tài… có dấu ấn riêng trong tính cách. Đây là điều những phim hoạt hình nhiều tập hấp dẫn như Doraemon, Cars, Đảo hải tặc… đều tập trung xây dựng, mà cũng là điểm yếu của phim Việt Nam từ trước giờ.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh – thành viên Ban giám khảo cuộc thi Tác giả lừng danh – cho biết: “Monta trong dải ngân hà kỳ cục đã làm được điều mà nhiều phim khác không làm được: vui như trẻ nhỏ. Không gồng gánh trách nhiệm răn dạy nặng nề, không giáo điều kể lể, nhưng đủ gợi mở những thông điệp sâu hơn cho cả người lớn và trẻ con ẩn sau câu chuyện. Ở Việt Nam, mình chưa thấy loạt hoạt hình hay chương trình thiếu nhi nào có sự thấu đáo và hiểu trẻ con như thế này”.

Xem những tập đầu của phim, người yêu phim hoạt hình có thể thở phào, vì chất lượng phim cho thấy đây không phải là lời khoác lác, hứa hẹn về một sản phẩm có chuẩn quốc tế nữa. Nó đã thành sự thật.

Còn một chặng đường dài

Khen ngợi như vậy, không có nghĩa bộ phim đã hoàn hảo và xứng tầm như Cars hay Toy Stories. Monta trong dải ngân hà kỳ cục còn nhiều việc phải làm, nhiều điều phải học. 60 phút phim đầu tiên còn bộc lộ một số điểm yếu về kỹ thuật lẫn nội dung.

Điều đầu tiên là bản sắc Việt trong phim rất mờ nhạt. Nếu không biết trước thông tin, khán giả có thể nhầm đây là phim nước ngoài sản xuất, ta mua lại và lồng tiếng Việt. Thay vì dùng tên tiếng Việt, ê-kíp lại sử dụng tiếng Anh. Tạo hình nhân vật, bối cảnh rất đẹp nhưng không có dấu ấn văn hóa nào. Có lẽ là quá sức nếu đòi hỏi một bộ phim cần có đủ thứ. Nhưng nếu phim có thể đi xa hơn thì bản sắc chính là thứ kết nối Việt Nam với thế giới.

Bên cạnh đó, ở một số đoạn, chuyển động hình chưa đủ tinh. Cái chớp mắt của nhân vật có thể biểu lộ cảm xúc và kể chuyện mạnh hơn lời thoại, lại chưa được làm kỹ lưỡng. Khâu lồng tiếng vẫn luôn là điểm yếu của phim Việt Nam, bất kể là truyền hình hay tài liệu, hoạt hình. Trong ba tập này, phần lồng tiếng chưa thật sự xuất sắc, ít cảm xúc thật và thiếu giọng độc đáo.

Dù còn ít nhiều “sạn”, nhưng điều quan trọng là khi ra khỏi rạp, đám trẻ bàn luận về Monta, về hành tinh rác, chiếc phi thuyền chuối… một cách say sưa. Trẻ con thích, nghĩa là Vintata đã đi đúng hướng. Việc còn lại, có lẽ không cần phải bàn luận thêm. Vì họ biết mình sẽ phải làm gì tiếp theo.

Loạt phim xoay quanh Monta – chú khỉ tập sự trong Căn bếp vũ trụ, nơi Đầu bếp tối thượng nấu món hầm để tạo ra và cân bằng các hành tinh. Trong một lần nghịch ngợm, chú vô tình gây ra mớ hỗn độn các hành tinh kỳ cục. Hình phạt cho Monta là phải khôi phục lại trật tự trong dải ngân hà. Monta đã cùng hội bạn kỳ cục đến những nơi kỳ cục để giải quyết những vấn đề kỳ cục.Vintata cho biết phim sẽ được chiếu trên nhiều kênh với nhiều định dạng trong thời gian tới.

Hà Bi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Huế giới thiệu ẩm thực truyền thống đến du khách

0
(SGTT) – Trong kỳ nghỉ lễ 30-4, du khách đến Huế sẽ có dịp thưởng thức các món ăn, đồ uống truyền thống địa...

Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài đón hơn 209.000 khách...

0
(SGTT) - Trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5, tức 27-4, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất...

Đầm hoa lục bình hút khách check-in ở Hà Nội

0
(SGTT) - Những ngày đầu Hè, hoa lục bình đua nhau nở tím biếc tại một đầm nước ở quận Long Biên, thành phố...

6 món ăn nên thử khi ghé thăm Đồng Nai dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4, nếu du khách chọn khám phá những địa phương lân cận TPHCM, thì Đồng Nai là một...

Lên Tủa Chùa ngắm cầu treo Pa Phông

0
(SGTT) – Nằm ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cầu treo Pa Phông là điểm đến được nhiều du khách khám phá trong...

Du khách trải nghiệm không gian văn hoá ẩm thực làng...

0
(SGTT) – Nằm trong chương trình kích cầu du lịch 2024 “Quảng Nam – Miền xanh di sản”, tối 26-4, lễ hội văn hoá...

Kết nối