Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024

Phim thể thao chìm vào im lặng

Mùa phim hè này, điện ảnh Việt vẫn tiếp tục lép vế trước các bộ phim bom tấn Hollywood. Nhưng nếu các phim tình cảm hoặc phim độc lập ít nhiều còn có chỗ đứng thì bộ phim thể thao 11 niềm hy vọng với kinh phí 26 tỉ đồng đã chìm vào im lặng, ngay cả khi đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất Robie Trường thay mặt ê kíp công khai cam kết hoàn lại tiền vé nếu phim làm khán giả thất vọng. Nhưng tiếc là thiện chí đó không giúp được nhiều cho việc tiếp tục duy trì các suất chiếu, vì khán giả không chọn xem phim chứ chưa nói tới sự dở hay.

Poster phim 11 niềm hy vọng

Với quyền trợ giúp U23, phim bóng đá vẫn thua cuộc

Trong 26 tỉ đồng kinh phí cho 11 niềm hy vọng, có một phần đáng kể dành để thực hiện kỹ xảo và những nỗ lực hậu kỳ nhằm cập nhật thực tế sau thành tích nức lòng người hâm mộ của đội tuyển trẻ Việt Nam ở giải bóng đá U23 châu Á. Tiếc thay, các tình tiết đó không được đưa vào nội dung chính của phim, mà chủ yếu được bổ sung ở các đoạn giới thiệu trước và sau diễn biến phim. Vì vậy, các phần đáng tiền của phim này lại không được nhiều cơ hội tỏa sáng trong khi chất lượng kịch bản, diễn xuất, dựng phim lại tồn tại nhiều vấn đề. Đó là lý do chính khiến phim không nhận được phản hồi tốt từ giới chuyên môn và càng không thu hút được sự chú ý của khán giả trước nhiều lựa chọn hấp dẫn khác. Nhà sản xuất không công bố doanh thu nhưng với việc không còn suất chiếu sau khoảng hai tuần thì có thể thấy đây là một thất bại về đầu tư của Robie Trường – một đạo diễn lần đầu làm phim chiếu rạp từ kinh nghiệm tổ chức sự kiện, nhưng lại đảm nhận nhiều vai trò sáng tạo quan trọng của phim.

Trước đó, Sút, bộ phim thứ hai của đạo diễn Việt Max làm về đề tài bóng đá cũng chịu thất bại ngay cả khi câu chuyện được Vincent Ngô chỉnh sửa, có sự tham gia của DOP (đạo diễn hình ảnh) đình đám K’Linh và tập hợp dàn nam diễn viên hứa hẹn khi ấy là Hà Hiền, Huyme, Tùng Min. Cũng như 11 niềm hy vọng, phim gặp phải vấn đề về xử lý câu chuyện, diễn biến dễ đoán, các nhân vật một chiều, thiếu tương tác cảm xúc. Ở phim này, đạo diễn cũng không được đào tạo chuyên nghiệp về điện ảnh, chỉ có niềm đam mê bóng đá dẫn lối nên không đủ làm nên một tác phẩm điện ảnh chất lượng. Với đề tài môn thể thao vua, đến thời điểm này, khán giả Việt Nam dường như chỉ nhớ đến Cô thủ môn tội nghiệp.

Những bài học khác từ quá khứ

Ngay cả một số bộ phim điện ảnh làm về những môn thể thao khác dù nhận được lời khen của giới chuyên môn nhưng vẫn gặp tình trạng hiệu quả đầu tư không cao, thậm chí thua lỗ nặng nề.

Dành cho tháng 6, phim độc lập đầu tay của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, cũng ra mắt vào mùa hè năm 2012, làm về đề tài bóng rổ, tình cảm học đường. Tự bỏ tiền túi ra làm phim, Nguyễn Hữu Tuấn đã có một tác phẩm đầu tay kịch tính ở các cảnh quay trên sân bóng và phần âm nhạc tập hợp các sáng tác chất lượng. Diễn xuất của Thiên Tú, Huỳnh Anh hay Quốc Trung đều thuyết phục. Thế nhưng, vì không có một chiến dịch truyền thông tốt, bộ phim có ít xuất chiếu và nhanh chóng bị các phim hè khác thời điểm đó lấn át. Đến giờ, nhà sản xuất vẫn chưa thể thu hồi vốn.

Đường đua (2013), đạo diễn Nguyễn Khắc Huy và có sự đầu tư thực hiện của nữ diễn viên Hồng Ánh cùng công ty Blue Production, là một bộ phim có độ nóng nhờ xuất thân đặc biệt của nam chính Lộc (Phạm Anh Khoa), có những cảnh bạo lực chân thực, nhưng vẫn mang tinh thần nhân văn. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực cả về sản xuất lẫn truyền thông, phim vẫn là một thất bại về doanh thu phòng vé khi con số thu được vỏn vẹn có 800 triệu trong khi đầu tư lên đến 12 tỉ.

Một bộ phim có yếu tố thể thao khác, được đầu tư hoành tráng nhưng cũng gây ý kiến trái chiều là Tốc độ và đường cong của đạo diễn Phan Minh. Phim xoay quanh câu chuyện về Việt (Khương Ngọc) – người đang quản lý một gara xe cao cấp và là một tay chơi nổi tiếng trong giới chơi xe ở Sài Gòn. Nửa đầu bộ phim thu hút vì những màn đua xe kịch tính, có sự tham gia của Quý Bình (Nin) nhưng đến nửa sau là bão hòa vì những nháo nhào trong kịch bản. Hiệu ứng truyền thông không tốt khiến phim mất hút sau chục ngày chiếu.
Nguyên nhân chính vẫn là do các nhà làm phim chưa giải quyết được việc khai thác thế mạnh của thể thao để tạo tiền đề phát triển cá tính nhân vật và câu chuyện. Phim thể thao hay phim có yếu tố thể thao muốn đến được với số đông khán giả thì trước tiên cần là câu chuyện với những nhân vật sống động thay vì mô phỏng lại những tượng đài đã được nhiều người biết đến.

Vũ Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt cuối năm...

0
(SGTT) - Hai công ty cổ phần vận tải đường sắt khi được sáp nhập sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm...

Thủ tướng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm

0
(SGTT) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố về...

Dấu xưa – Hồn phố: Thăm ngôi đình cổ hơn 170...

0
(SGTT) - Được xây dựng trên cù lao Bà Tàng, phường 7, quận 8, nằm ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi, đình Bình...

Ghé quán ốc được Michelin gợi ý ở TPHCM

0
(SGTT) - Dù nằm khuất trong con hẻm đường Nguyễn Trãi, quận 1, nhưng tiệm ốc Đào lại là điểm đến quen thuộc của...

Triển khai hệ thống giao thông thông minh để quản lý...

0
(SGTT) – Do chưa có quy hoạch hệ thống giao thông thông minh (ITS) quốc gia nên việc đầu tư các hệ thống ITS không...

Mâm tiệc cuối tuần với mẹt dê 5 món

0
(SGTT) – Khác những mâm tiệc với các món ăn đựng riêng biệt, mẹt là vật dụng giúp mâm tiệc thêm bắt mắt khi...

Kết nối