Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Cây nở ngày đất đang… nở rộ

Trong vài tuần qua, trên nhiều tuyến đường tại TPHCM, một loại cây có tên nở ngày đất được bày bán ở hàng loạt điểm cố định và di động. Người bán ghi thông tin rằng đây là loại cây có thể chữa nhiều bệnh, trong đó có tiểu đường, gút (gout)… dựa trên một bài viết tại một trang mạng tiếng Việt ở châu Âu. Và rồi, vì những tin đồn, loại cây này đang trở thành món hàng được ưa chuộng dù nó không có trong danh mục cây thuốc Việt Nam.

“Đã đăng báo thì sẽ tốt”

Ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, trên các con đường như Quang Trung, Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Cộng Hòa, Trường Chinh (quận Tân Bình), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)… người bán cây nở ngày đất xuất hiện khắp nơi và hiện tượng này mới chỉ rộ lên một tháng trở lại đây. “Bán cây nở ngày đất chữa bệnh gout, tiểu đường” – người bán dạo treo tấm biển với dòng chữ đơn giản như vậy nhưng vẫn hút khách.

Tại một điểm bán cây nở ngày đất ven đường Điện Biên Phủ (đoạn gần ngã tư Hàng Xanh – quận Bình Thạnh), người đàn ông bán hàng quảng cáo rằng loại cây này hiện nay rất đắt hàng “vì có thể chữa được bệnh lại dễ sử dụng” (?). Theo lời người này, giá cây tươi là 80.000 đồng/kg còn cây khô là 250.000 đồng/kg, mỗi ngày ông ta có thể bán được 30-40 kg. “Cây này thu mua từ các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, ở những vùng giáp biên giới Campuchia. Hàng được đầu mối dưới tỉnh gom lại rồi chia đi bán. Cây này mọc dại đầy đồng, vốn ít mà bán được nhiều, thu nhập cũng khá”, người này nói.

Cây nở ngày đất với lời quảng cáo đang nở rộ trên nhiều tuyến đường tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
Cây nở ngày đất với lời quảng cáo đang nở rộ trên nhiều tuyến đường tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Để minh chứng rằng cây này là “thuốc” trị bệnh, người bán hàng cho biết đã có “báo” đăng và anh ta còn cho xem bài báo trên phụ bản của một tờ báo ở Hà Nội. “báo đăng thì uy tín quá còn gì, cấm có sai”, người này nói.

Không chỉ những người bán rong mà hiện nay loại cây này còn được bày bán và nhận giao hàng tận nơi tại các cửa hàng thảo dược nếu khách có nhu cầu. Ở nhiều trang mạng bán hàng online, cây nở ngày đất cũng được bán dưới nhiều dạng như đóng hộp, bán cây tươi, cây khô và cả cây đang trồng trong chậu. Giá bán được chào 100.000-200.000 đồng/kg và 10.000 đồng một bầu cây giống. Nhân viên bán hàng tại một cửa hàng cây giống ở quận Thủ Đức quảng cáo về loại cây này khi chúng tôi hỏi mua: “Cây có thể chữa được các bệnh tiểu đường, huyết áp, máu nhiễm mỡ, gút và khớp. Đây là bài thuốc đã được lên báo”, người này nói và bài báo được đề cập cũng chính là bài báo mà người đàn ông bán dạo ở ngã tư Hàng Xanh cho chúng tôi xem.

Việt Nam chưa có nghiên cứu

Nói về việc cây cỏ có tác dụng chữa bệnh, PGS.TS. Phạm Thúc Hạnh, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết các tin đồn về cây cỏ như thế không ít nhưng các loại cây này chẳng phải thần dược, không thể uống vào là chữa bách bệnh. “Tại Học viện Y dược học cổ truyền chưa nghe nói và chưa có nghiên cứu về loại cây này và nó cũng không có trong dược điển. Để khẳng định loại cây này có tác dụng trị bệnh gút, tiểu đường thì chưa có bằng chứng khoa học nào để chứng minh”.

Theo bác sĩ Trần Văn Nam, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, cây nở ngày đất có tên khoa học Celosiosides, loài Gomphrena, thuộc họ rau dền Amaranthacease. Trong một nghiên cứu tại Ấn Độ, người ta cho biết cây chứa hợp chất steroides, glycosides, alkaloides. Đây là các chất có tác dụng hạ nhiệt, kháng sinh thực vật, lợi tiểu, hạ đường trong máu. Tuy nhiên tại Việt Nam, chưa có tài liệu cũng như công trình nghiên cứu liên quan về cây nở ngày đất. Trong danh mục các cây thuốc Việt Nam và cả kinh nghiệm dân gian cũng chưa nghe nói đến. “Vì vậy, uống trị bệnh phải có chẩn đoán chính xác. Tránh trường hợp nghe theo những lời quảng cáo chỉ uống loại cây này, ngưng thuốc trị bệnh tiểu đường có thể sẽ dẫn đến biến chứng khó lường”, ông Nam nói.

Thạc sĩ Dương Thị Mộng Ngọc, giảng viên Khoa Dược, trường Đại học Y dược TPHCM, cũng cho biết trường chưa có nghiên cứu nào về cây nở ngày đất và tại Việt Nam cũng chưa nghe nói có công trình nghiên cứu về loại cây này. “Vẫn có những loại cây thuốc mới được phát hiện, nhưng thông thường phát hiện ra điều này là các nhà khoa học và có nghiên cứu đầy đủ mới được khuyến khích sử dụng”, bà Ngọc nói.

Một giảng viên không nêu tên đang giảng dạy tại Khoa Dược, trường Đại học Y dược TPHCM, cho biết, với những loại cây trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian, được kiểm chứng qua nhiều thế hệ thì có thể tin được và các loại cây như thế thường được đưa vào dược điển. Còn những kinh nghiệm dân gian kiểu một ai đó đồn thổi lên, truyền miệng với nhau, ngày nay được sự hỗ trợ của Internet thì cần cẩn thận. “Ngay cả việc người bán nói báo đăng thì chúng ta cũng cần xác định đó là báo gì? Có phải báo chuyên ngành, có uy tín hay không?”, vị này nói.

T.Ngọc-N.Quyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giá vé máy bay tăng cao do phải chịu hơn 20...

0
(SGTT) - Theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu...

Trưa nay ăn gì: Đổi vị cùng bánh canh cua ăn...

0
(SGTT) – Ngoài bánh canh cua truyền thống, nhiều quán bánh canh đã có thêm sự biến tấu khi thêm bào ngư. Qua đó,...

Người trẻ ‘biến hình’ cho những dòng kênh đen

3
(SGTT) - Đắm mình vào những dòng nước đen kịt, đầy rác rưởi hôi thối ở TPHCM, những bạn trẻ trong nhóm Sài Gòn...

Ngắm nhà thờ tốn hơn 500 năm xây dựng ở Milan,...

0
(SGTT) – Nằm ở trung tâm thành phố Milan của Ý, nhà thờ chính toà Milano (Duomo di Milano) là điểm đến hấp dẫn...

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Khám phá Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đêm

0
(SGTT) - Bằng việc sử dụng công nghệ 3D Mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh, Văn Miếu...

Kết nối