Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Hàng hóa sau tết vẫn “neo” giá cao

Vũ Yến

Ghi nhận thực tế cho thấy, từ ngày mùng 5 tết Mậu Tuất (tức 20-2 dương lịch) đến nay, tại các chợ lẻ ở TPHCM, nhiều mặt hàng vẫn giữ mức giá cao hơn ngày thường. Các tiểu thương cho biết, mức giá này sẽ còn duy trì qua rằm tháng Giêng.

Cao hơn ngày thường 100.000 đồng/kg

Các chợ như Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Thái Bình (quận 1), chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Hiệp Bình (quận Thủ Đức) đã hoạt động trở lại từ mùng 2 tết. Tuy nhiên, thời gian mở cửa chủ yếu vào buổi sáng. Bắt đầu ngày mùng 5 trở đi, nhiều chợ hoạt động bình thường trở lại nhưng tập trung chủ yếu là các quầy thực phẩm, hoa tươi, trái cây. Giá một số mặt hàng như rau xanh, hải sản tăng từ 10.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Giá một số loại trái cây, hoa tươi vẫn giữ mức giá trong tết, cao hơn ngày thường khoảng vài chục ngàn đồng mỗi ký tùy loại sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hoa, kinh doanh hải sản tại chợ Phạm Văn Hai, cho biết sau tết, hầu hết các loại hải sản đều tăng khoảng 100.000 đồng/kg so với trước đó. Cụ thể, mực ống và mực lá có giá 300.000 đồng/kg, cua thịt tùy chất lượng có giá lần lượt là 320.000 đồng, 450.000 đồng và 650.000 đồng/kg; tôm càng xanh giá 500.000-600.000 đồng/kg. Các loại nghêu, sò, ốc cũng tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg. Theo bà Hoa, đầu năm, ngư dân chưa đi đánh bắt nhiều nên sản lượng các loại hải sản còn thấp, do vậy giá bán cao. 

Các loại hải sản bán tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến

Tại chợ Thái Bình, từ ngày mùng 5 tết, giá các loại rau xanh, thịt heo, thịt bò có giá cao hơn trước đó từ 10.000-30.000 đồng/kg tùy loại. Đơn cử như thịt đùi heo giá 100.000 đồng/kg, sườn heo là 170.000 đồng/kg, cá kèo giá 120.000 đồng/kg, cá lóc nuôi là 150.000 đồng/kg, cá diêu hồng giá 90.000 đồng/kg, thịt bò giá 250.000 đồng/kg, còn xà lách búp là 60.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá các loại hoa tươi, trái cây ở các chợ cũng vẫn ở mức cao, chẳng hạn như  thanh long có giá 60.000-70.000 đồng/kg, quýt tiều giá 70.000-80.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc giá 110.000-150.000 đồng/kg, bưởi Năm Roi giá 110.000-130.000 đồng/kg, hoa lay ơn giá 70.000-100.000 đồng/bó 10 cành, hoa cúc giá 40.000-50.000 đồng/bó.

Theo các tiểu thương, giá các loại thực phẩm này, đặc biệt là hải sản, trái cây, hoa tươi vẫn sẽ giữ ở mức cao cho tới sau rằm tháng Giêng. Thậm chí, trước và trong ngày rằm tháng Giêng chúng còn có thể cao hơn hiện tại do sức mua tăng cao.

Trái ngược với mức tăng giá ở các chợ lẻ, hệ thống phân phối hiện đại gồm các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi giá cả vẫn ở mức ổn định. Một số chương trình khuyến mại, giảm giá vẫn tiếp tục được thực hiện.

Hàng về chợ đầu mối ổn định

Theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền, quận Thủ Đức, bắt đầu từ ngày mùng 6 tết, hàng hóa về chợ đã dần trở về mức ổn định như ngày thường và không còn tăng cao như trước tết. Cụ thể, mỗi đêm có khoảng 2.600-2.700 tấn thịt heo về chợ so với 3.000 tấn ngày thường; hải sản vẫn là hàng đông lạnh được trữ trước tết; rau củ vào khoảng 800 tấn và trái cây khoảng 300 tấn. Mức giá của các loại hàng hóa, theo vị đại diện này cũng đã ở mức ổn định.

Ông Phan Anh Tuấn, chuyên viên kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết bắt đầu từ đêm mùng 9 tháng Giêng, hàng hóa về chợ đã đạt khoảng 90% so với ngày thường, cụ thể là khoảng 2.500 tấn thịt heo về chợ mỗi đêm.

Theo số liệu tổng kết hoạt động cung ứng hàng hóa, cân đối cung cầu Tết Mậu Tuất 2018 từ Sở Công thương TPHCM, sức mua thị trường tết năm nay tại TPHCM tăng 10-15% so với tết Đinh Dậu 2017. Riêng các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… tăng 20-30%. Ước tính, tổng doanh thu kinh doanh tết trên địa bàn đạt 18.679 tỉ đồng, tăng 2.465 tỉ đồng (15,2%) so với tết nguyên đán năm trước. Trong đó, doanh thu hàng bình ổn thị trường ước đạt hơn 7.500 tỉ đồng, tăng khoảng 1.000 tỉ đồng (16,3%) so với tết 2017.

Cũng theo Sở Công thương TPHCM, người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng, thay cho ăn tết bằng vui tết, chơi tết, chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang hiện đại, mua sắm trực tuyến và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa. Điều này thể hiện qua thực tế sản lượng sản phẩm tiêu thụ tết của một số doanh nghiệp.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết tổng số trứng công ty chuẩn bị cho dịp tết vừa qua vào khoảng 9 triệu trái. Tuy nhiên, sức tiêu thụ chỉ đạt khoảng 80%, số trứng còn lại vẫn tồn đọng.

Theo ông Thiện, xu hướng mua sắm tết đã thay đổi, người tiêu dùng hầu như không mua thực phẩm trữ sẵn trong nhà. Trên thực tế, người mua cũng không cần phải làm điều này khi thời gian đóng cửa của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tới tận trưa 30 tết và thời gian mở cửa lại là sáng mùng 2. “Vĩnh Thành Đạt đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm sau mùa tết này để chuẩn bị hàng hóa cho mùa tết sau tốt hơn, gần với thị trường hơn. Chắc chắn chúng tôi phải xây dựng lại kế hoạch cung ứng”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Giải golf Lương Văn Can vun đắp ước mơ cho người...

0
(SGTT) - Ngày 3-5, Giải Golf Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất...

Kết nối