Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Trung Quốc đột phá công nghệ “trồng” tai người

Hoàng Nguyễn

Lần đầu tiên trên thế giới, công nghệ in đắp dần (3D printing) và kỹ thuật nuôi cấy tế bào được các nhà khoa học Trung Quốc ứng dụng thành công trong việc tái tạo vành tai mới cho trẻ em bị dị tật tai nhỏ.

Tạp chí y khoa EBioMedicine số ra vào tháng 1-2018 đăng tải công trình của nhóm các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm công nghệ mô Thượng Hải, Trung Quốc về việc dùng tế bào sụn tai (chondrocytes) từ trẻ bị dị tật tai nhỏ (microtia) để nuôi lớn vành tai mới trong một khuôn in bằng công nghệ in 3D. Vành tai này sẽ được ghép vào phần khuyết tai của trẻ, giúp phục hồi cấu trúc tai ngoài. Công trình nghiên cứu khẳng định phương pháp nói trên thành công trong việc định hình, thiết kế và tiến hành quá trình phục hồi tai ngoài trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tuy vậy, các nhà khoa học cho biết họ vẫn cần thêm thời gian để đưa phương pháp này vào điều trị đại trà. Sau khi “trồng” tai, bệnh nhi cần được theo dõi sự tiến triển của các mô sụn cấy ghép cùng với kết quả lâm sàng trong vòng năm năm sau phẫu thuật.

Kết quả khả quan

Nghiên cứu được thực hiện trên nhóm bệnh nhi gồm một bé trai 7 tuổi và bốn bé gái tuổi từ 6 đến 9, tất cả đều bị khuyết một bên vành tai. Các nhà khoa học dùng máy in 3D để tạo một khuôn mô phỏng cấu trúc vành tai còn lành lặn của các bệnh nhi này. Khuôn bao gồm những lỗ siêu nhỏ nằm trong một cấu trúc mô phỏng chính xác cấu trúc sụn tai ngoài và có thể tự phân hủy dần dần. Khuôn đúc là nơi các tế bào sụn lấy từ bên tai bị dị tật được đưa vào để nuôi trong ba tháng và cấu trúc sụn phát triển thành một vành tai đầy đủ kích thước rồi được đem gắn vào phần tai ngoài của bệnh nhi.

Mỗi bệnh nhi được theo dõi riêng trong một khoảng thời gian dài hay ngắn tùy trường hợp, có khi đến hai năm rưỡi. Sau sáu tháng, bốn bệnh nhi đã có tiến triển tốt đẹp với hình dạng tai ngày càng sắc nét và cân xứng với bên tai bình thường. Các nhà nghiên cứu cho biết tai mới đều thích nghi với cơ thể bệnh nhi, nhưng hai trong số những trường hợp này cho thấy có sự biến dạng nhẹ sau khi phẫu thuật.

Bệnh nhi trước và sau khi được phẫu thuật dị tật tai nhỏ được sáu tháng.

Giáo sư Lawrence Bonassar, khoa kỹ thuật y sinh, cơ khí và công nghệ hàng không vũ trụ thuộc Trường Đại học Cornell ở New York (Mỹ), khẳng định kỹ thuật nuôi mô sụn thành vành tai là mục tiêu nghiên cứu của cộng đồng y – bác sĩ trong hơn 20 năm qua và hiện nay đã tiến rất gần đến bước triển khai điều trị lâm sàng. Tính thẩm mỹ của mô sụn nuôi trong phòng thí nghiệm ngang bằng với kết quả của những quy trình phẫu thuật chỉnh hình tốt nhất hiện nay.

Bác sĩ Tessa Hadlock, Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật thẩm mỹ của Bệnh viện Massachusetts Ear & Eye ở Boston, Mỹ cho biết ý tưởng nuôi cấy mô tai ngoài đã xuất hiện từ vài chục năm nay và  rằng nghiên cứu của những nhà khoa học Trung Quốc là một sự đột phá vì đã thử nghiệm thành công trên năm bệnh nhi và có tiến trình theo dõi hậu phẫu dài để đánh giá kết quả thử nghiệm một cách đầy đủ.

[box] Dị tật tai nhỏ (microtia) xuất hiện ở trẻ sơ sinh với biểu hiện khuyết một phần cho tới mất toàn bộ vành tai, gây mất cân bằng định hướng thính giác giữa hai tai và ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Trung bình cứ khoảng 5.000 trẻ sơ sinh thì có một bé mắc khuyết tật vành tai, tỷ lệ này có sự tăng giảm đôi chút tùy thuộc vào sắc tộc. Trẻ em ở châu Á và châu Mỹ có nguy cơ mắc tật này cao nhất. Phương pháp chữa trị phổ biến hiện nay bao gồm đúc vành tai giả bằng silicon hoặc phẫu thuật tái tạo vành tai từ sụn xương sườn và da của bệnh nhân.[/box]

Những tranh cãi nảy sinh

Sau khi được công bố, công trình của các nhà khoa học Trung Quốc gây ra sự tranh cãi trong giới khoa học phương Tây, đặt biệt là về tính an toàn trong quá trình thử nghiệm trên người. Phần việc rủi ro cao nhất trong tiến trình nuôi cấy mô là khi các nhà nghiên cứu buộc phải dùng các hợp chất kích thích tế bào phân chia. Việc này có thể làm cho những tế bào phân chia đó ở trong trạng thái không ổn định, tạo thành một dạng sinh trưởng mất kiểm soát, tương tự như trong bệnh ung thư. Một vấn đề có liên quan nữa là các nhà khoa học Trung Quốc dùng tế bào sụn của tai bị khuyết tật để nuôi cấy, các tế bào này rất có thể đã nhiễm bệnh hoặc bị dị tật sẵn. Bác sĩ Hadlock cho hay ở Mỹ giới y khoa rất thận trọng với những thí nghiệm như thế này vì nhiều vấn đề chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Không đồng ý với quan điểm nói trên, bác sĩ Bruno Peault, chuyên gia về phục hồi chức năng thuộc Trường Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh, cho rằng phương pháp của các đồng nghiệp Trung Quốc có triển vọng xán lạn. Theo bác sĩ Peault, sở dĩ các bác sĩ ở Trung Quốc đi nhanh hơn trong phát triển công nghệ mô là nhờ các quy định giám sát thí nghiệm y khoa trên cơ thể người ở nước này thông thoáng hơn so với ở Mỹ và châu Âu – nơi mà có rất nhiều quy định và sự ràng buộc, đôi khi gây ức chế và vô cùng tốn kém.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Giải golf Lương Văn Can vun đắp ước mơ cho người...

0
(SGTT) - Ngày 3-5, Giải Golf Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất...

Bộ GTVT đề nghị kiểm tra giá vé máy bay tăng...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Cục hàng không Việt Nam, vụ Vận tải rà soát,...

Đề nghị mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên...

0
(SGTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cần tính đến phương án đầu tư...

Ngắm Bãi Cạn ở đảo Phú Quý từ trên cao

0
(SGTT) – Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, gành Hang… thì Bãi Cạn là điểm đến...

Kết nối