Thứ Sáu, Tháng Năm 17, 2024

Câu chuyện du lịch: Blogger du lịch chia sẻ về hành trình đạp xe xuyên Đông Nam Á

(SGTT) – Dịch bệnh đã khiến những dự án về du lịch của blogger Trần Việt Anh phải tạm hoãn lại. Trong những ngày ở nhà mùa dịch, anh đã viết nhiều câu chuyện về những khó khăn, trở ngại cũng như những điều thú vị trong các chuyến đi xuyên Việt của anh và đặc biệt là hành trình đạp xe qua 11 nước Đông Nam Á.

Khi còn rất nhỏ, anh Trần Việt Anh sinh năm 1991, quê ở Hải Dương đã có trí tò mò và sở thích khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh. Đến năm 22 tuổi, anh mới có cơ hội thực hiện giấc mơ chu du khắp nơi bằng chuyến đi xuyên Việt đầu tiên trong đời, mở đầu cho nhiều chuyến hành trình thú vị sau này.

Blogger du lịch Trần Việt Anh. Ảnh: NVCC

Rèn luyện bản thân từ các chuyến đi xuyên Việt

Anh Trần Việt Anh đã đi xuyên Việt hai lần, một lần bằng xe máy – năm 2013 và một lần bằng xe đạp – năm 2014. Trong chuyến đi xuyên Việt lần đầu, anh đã có 3 tháng trải nghiệm đáng nhớ, nhất khi dừng chân ở TPHCM.

Anh kể, khi vào TPHCM được vài ngày, anh không cẩn thận làm rơi ví tiền. Không thể tìm việc, anh và hai người bạn mới quen bán nước mía, trứng cút lộn trên vỉa hè ở phố Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Sau đó, cùng mở quán cà phê nhỏ nhưng được một thời gian thì tiệm đóng cửa.

Khi đi xuyên Việt lần thứ hai, khó khăn lớn nhất với anh có lẽ là những con đèo ở rẻo cao Tây Bắc. Anh cho biết: “Tôi đã ngây thơ chọn quãng đường khó khăn nhất ngay khi bắt đầu hành trình. Con đèo dốc dài tới 30km như Ô Quy Hồ khiến tôi dắt bộ nguyên một ngày mới lên đến đỉnh đèo. Tuy vất vả nhưng cảm xúc thật khó tả”.

Hai chuyến xuyên Việt đầy sương gió ấy đã cho anh những bài học kinh nghiệm quý giá và cơ hội rèn luyện sức khỏe để anh thực hiện chuyến đạp xe xuyên 11 nước Đông Nam Á thuận lợi hơn về sau.

Trần Việt Anh trong chuyến đi. Ảnh: NVCC

Hành trình xuyên Đông Nam Á

Năm 2015, anh đã đạp xe một mình vòng quanh các nước trong khu vực Đông Nam Á với điểm đến đầu tiên là Phnom Penh, Campuchia. Mỗi một nước mà anh đạp xe qua đều để lại ấn tượng sâu sắc khác nhau.

Theo chia sẻ của anh, Thái Lan là đất nước thanh bình và người dân nơi đây hiền hậu, dễ mến. Anh đến Thái Lan rất nhiều lần và lưu lại rất lâu. Trong khi đó, đến thủ đô Vientiane, Lào, anh có cảm giác như đang ở nhà vì có đông người Việt Nam sinh sống và làm việc tại đây.

Malaysia là đất nước Hồi Giáo đầu tiên anh từng đặt chân tới. Ấn tượng nhất với anh là hệ thống giao thông ở Malaysia và cách người Ấn Độ, người Malaysia, người Trung Quốc sống chung tạo ra một cộng đồng rất đặc biệt. Anh còn nhớ ngày đầu tiên từ Thái Lan qua Malaysia, anh đã xin nghỉ nhiều lần ở nhà thờ nhờ sự giúp đỡ của người bạn Hồi giáo.

Việt Anh chia sẻ thêm, Indonesia vô cùng kỳ diệu đúng như câu khẩu hiệu “Wonderful Indonesia”. Anh nhớ những ngọn núi lửa, những người bạn Hồi giáo hiền lành, những con đường rợp bóng cây, những món ăn phải dùng tay bốc, những nhà thờ Hồi Giáo nhỏ xinh và hòn đảo Bali với kiến trúc, văn hóa vô cùng độc đáo.

Anh nói: “Nếu chọn một nơi ở Đông Nam Á để quay trở lại sau khi dịch bệnh kết thúc, tôi sẽ trở lại Bali, Indonesia để tiếp tục hành trình khám phá đất nước này và leo những ngọn núi lửa”.

Tự xoay sở trên đường đi

Anh Việt Anh bắt đầu chuyến xuyên Việt chỉ với 600.000 đồng trong túi và mang theo toàn đồ đi mượn như chiếc xe đạp, máy ảnh, laptop và đồ dùng sửa xe. Để có chi phí trang trải cho cả hành trình, anh vừa đi vừa viết bài cho một số tờ báo. Vậy mà cũng đi được hết Việt Nam.

Khi đi Đông Nam Á, anh gặp khó khăn về tài chính và rào cản ngôn ngữ. May thay, những chặng hành trình ở Việt Nam đã trang bị cho anh kỹ năng sống để có thể tự xoay sở. Anh từng phải làm bồi bàn ở Lào trong 10 ngày để kiếm tiền đi tiếp, ăn uống dọc đường, dừng chân ngủ ở chợ, tại chùa, nhà thờ, đồn cảnh sát…

Việt Anh, áo xanh và người dân ở Kurung, Indonesia. Ảnh: NVCC

Theo chia sẻ của Việt Anh, những người đi phượt bằng xe đạp thường xuyên phải đối mặt với tình trạng hư xe nhiều lần và phải tự sửa. Do “con ngựa chiến” của anh là một chiếc xe đạp cũ đã qua ba đời chủ nên hay bị hỏng hóc. Trước khi lên đường, anh đem xe đến tiệm sửa xe và đã được cảnh báo là chiếc xe đạp này không thể đi được, nào là hỏng bộ chuyển động – phần quan trọng của xe đạp – hỏng xích, hỏng dây phanh…

Thế là anh quyết định sẽ tự tay sửa xe bằng cách học kinh nghiệm từ những người thợ. Mỗi lần đi sửa, anh đều chủ động quan sát cách họ làm và thường hỏi kỹ càng nguyên nhân hư xe và làm sao để xử lý.

Xe đạp là phương tiện khá đơn giản nên thường chỉ gặp một số vấn đề nhỏ liên quan đến chuyển động, phanh… Thời gian đầu, việc sửa xe rất vất vả nhưng càng về sau, khả năng sửa xe của anh ngày càng “chuyên nghiệp” hơn.

Hành trang anh mang theo là cả một bộ dụng cụ sửa xe gồm cờ lê, bộ vá xe, săm xe đạp dự phòng… với hy vọng không phải dùng đến. Nhưng trong thực tế, anh đã phải dùng bộ sửa xe rất nhiều lần khi “người bạn đồng hành” gặp sự cố.

Anh nói một cách tự hào: “Coi cũ vậy nhưng chiếc xe này đã từng đưa chủ nhân trước đây của nó đi khắp miền Tây Nam bộ, từ Sài Gòn ra Hà Nội, tới tay tôi thì cùng tôi đi khắp Việt Nam, rồi sang các nước Đông Nam Á”.

Thêm những người bạn mới

Trên những hành trình của mình, anh anh may mắn quen biết được những người bạn rất nhiệt tình, tốt bụng và nhận được nhiều sự trợ giúp từ họ.

Anh kể: “Anh Đạt, ở Mộc Châu chơi xe đạp được hai năm rồi. Biết tôi đạp xe xuyên Việt, anh dạy tôi sửa xích, đề, phanh, tặng tôi cả một củ đề sau để dự phòng”.

Đến Thái Bình, Việt Anh cũng may mắn quen biết anh Trung và anh Chiến, những người đàn ông này đã giúp anh kiểm tra và bảo dưỡng xe trước khi lên đường. “Các anh ấy còn tặng tôi chiếc yên xe touring thay cho yên cũ”, Việt Anh nhớ lại. Ngoài ra, các anh ở câu lạc bộ xe đạp Hạ Long cũng sẵn sàng giúp đỡ chàng trai trẻ này bất cứ lúc nào anh cần.

Theo Việt Anh, điều khiến anh tiếc nuối là đã không có sự chuẩn bị cho chuyến đi dài nên không hình dung ra lịch trình đi và những khó khăn sẽ gặp phải. Nếu có thể làm lại, anh mong sẽ chuẩn bị chu đáo hơn và học được kỹ năng lên kế hoạch tốt hơn.

Anh Việt Anh chia sẻ: “Đi phượt ở các nước Đông Nam Á không khó. Chi phí cũng tương đương như đi du lịch ở Việt Nam. Quan trọng là đừng vì lo sợ mà không dám thử sức mình. Những kiến thức và bài học trên đường đi khám phá sẽ giúp bạn tự tin. Vì thế hãy cứ đi và chuẩn bị hành trang thật chu đáo”.

Kế hoạch ấp ủ và những dự định tương lai

Hiện tại, anh Việt Anh là blogger du lịch và đang thực hiện nhiều dự án khởi nghiệp về du lịch. Từ khi dịch bệnh bùng phát, anh làm việc ở nhà. Anh dành thời gian để đọc sách, học những khóa học mới, khởi động những dự án đang ấp ủ, nhất là ngồi viết lại những câu chuyện về các chuyến hành trình để hoàn thành cuốn sách đầu tay mà anh đã chờ đến 7 năm mới thực hiện được.

Việt Anh trong một lần đi Tây Bắc. Ảnh: NVCC

Theo chia sẻ của anh, khi dịch bệnh kết thúc, anh sẽ cùng những người bạn của mình tiếp tục thực hiện các chuyến đi để giới thiệu các điểm đến ở Việt Nam và sẽ có nhiều hoạt động nhằm quảng bá các điểm đến để thu hút khách du lịch.

Anh cho biết thêm: “Tôi đang cùng hai người bạn đồng niên triển khai một dự án kết nối, hỗ trợ, đào tạo cho các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Tôi cũng đang khởi nghiệp một dự án giúp các bạn trẻ trở thành blogger du lịch để thực hiện ước mơ được đi nhiều nơi, tạo ra thu nhập từ đam mê, sở thích của mình. Có rất nhiều thứ để làm và để có đủ sức khỏe, trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua tôi luôn tập thể dục mỗi ngày”.

Quỳnh Châu

1 BÌNH LUẬN

  1. Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.
    (The person who has lived the most is not the one with the most years but the one with the richest experiences.)
    Jean-Jacques Rousseau

    Chúc mừng bạn đã đi vạn dặm đường, còn hơn đọc vạn quyển sách‼️

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Mới nhất

Phố Huế mùa Phật đản

(SGTT) - Hằng năm, cứ đến mùa Phật đản, phố Huế lại khoác lên mình "chiếc áo mới" nhiều sắc màu với cờ, hoa, đèn lồng... rực rỡ. Mùa sen trắng về trên xứ Huế Sắp diễn ra lễ hội ánh sáng tại Thái Bình Lâu – Đại Nội...

Buýt vi vu: Cùng buýt 53 khám phá những bảo tàng tại TPHCM

(SGTT) - Tuyến xe buýt số 53 có lộ trình đi từ trạm Lê Hồng Phong đến bến xe Đại học Quốc gia TPHCM. Xe đi qua các bảo tàng ở TPHCM như bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, bảo tàng Địa...

Khám phá kỳ quan thế giới cổ đại duy nhất còn tồn tại

(SGTT) – Kim tự tháp Giza, hay còn gọi là kim tự tháp Khufu, là nơi thu hút đông đảo du khách ghé thăm khi đến Ai Cập. Kim tự tháp này cũng là kỳ quan thế giới cổ đại duy nhất còn tồn tại đến ngày nay. Trải...

Bảy giải pháp để ĐBSCL vượt qua những thách thức về vấn đề nguồn nước

(SGTT) - ĐBSCL, nơi mỗi năm có thể nhận xấp xỉ 450 tỉ mét khối nước ngọt trước khi đổ ra biển đã phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn để cầu cứu sự giúp đỡ cấp nước từ những vùng đất khác....

Người dân tự nguyện giao nộp cá thể rùa biển 7kg để thả về tự nhiên

(SGTT) - Trong quá trình mua hải sản ở Tiền Giang, một đàn ông phát hiện cá thể rùa biển nên mua lại. Người này đã đăng thông tin phát hiện rùa biển trên nhóm Tình nguyện bảo tồn rùa biển trên mạng xã hội Facebook mà anh đang...

Việt Nam từ trên cao: Sắc màu ‘vương quốc gạch gốm’ Vĩnh Long

(SGTT) – Với nhiều lò gạch ven rạch Thầy Cai và sông Cổ Chiên, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, được mệnh danh là "vương quốc gạch gốm" hay "vương quốc đỏ". Hình ảnh những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ trên cao như một vương quốc...

Theo dòng xu hướng, kinh doanh các mặt hàng đan móc len ‘hái ra tiền’

(SGTT) - Bộ môn đan móc len thời gian gần đây đã trở thành trào lưu bởi tính ứng dụng và giải trí cao cũng như không quá khó để tiếp cận. Nhận thấy nhu cầu và sự quan tâm của người tiêu dùng về sản phẩm đan móc...

Người đi ‘góp’ màu xanh cho đời

(SGTT) - Hơn 50.000 người đang được dùng nước sạch, hơn 136.000 cây trồng được phủ xanh thêm cho những cánh rừng và còn nhiều điều hơn nữa được anh Nguyễn Siêu Hạnh, người sáng lập Joy Foundation ở TPHCM đã vận động quyên góp và góp phần thay...

Cùng chuyên mục

Chia sẻ

Xem nhiều

Các chuyên mục