Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Thắc mắc mùa dịch: trào ngược dạ dày, triệu chứng và cách đối phó trong mùa giãn cách

(SGTT) – Trong quá trình điều trị Covid-19, việc sử dụng quá liều các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống viêm… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày và đường ruột. Vậy những phương pháp nào giúp điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày, đặc biệt là chứng trào ngược dạ dày trong mùa dịch Covid-19.

Trong đại dịch Covid-19, tâm trạng không ổn định, thường xuyên lo âu là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng rối loạn chức năng dạ dày. Ngoài ra, trong quá trình điều trị Covid-19, nhiều bệnh nhân phải sử dụng một số loại thuốc, gây ra tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như nhóm thuốc có chứa Corticoid, các thuốc kháng viêm, hạ sốt (Ibuprofen)…

Việc điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày dứt điểm vô cùng quan trọng. Nếu không chữa trị dứt điểm, đây có thể là tác nhân gây ra những bệnh lý nguy hiểm khác như loét thực quản, ung thư thực quản, ung thư dạ dày…

Trong giai đoạn “ai ở đâu ở yên đấy” như hiện nay, nhiều người gặp khó khăn trong việc đi mua thuốc thì các phương pháp điều trị không dùng thuốc đóng vai trò rất quan trọng, giúp người bệnh giảm bớt những cơn đau dạ dày.

Các nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là một triệu chứng rất phổ biến liên quan đến các rối loạn hay bệnh lý ở đường tiêu hóa.

Theo ThS. BS Đoàn Nhật Trung, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, “nguyên nhân gây ra là do rối loạn hoạt động của thần kinh dạ dày như thức ăn chưa nhuyễn khiến bao tử phải làm việc nhiều, dạ dày quá tải, thậm chí tư thế nằm ngủ không đúng cách… cũng là những tác nhân khiến dạ dày bị kích thích, dẫn đến chứng trào ngược”.

Trong quá trình điều trị Covid-19, một số bệnh nhân sử dụng thuốc quá liều, không có chỉ định của bác sĩ. Những tác dụng phụ của thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống viêm… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày và đường ruột. Người bệnh quá lạm dụng các loại thuốc này, có thể làm tăng khả năng mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày nặng.

Bên cạnh đó, các vấn đề trong mùa dịch như stress, mất việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng, mất người thân do Covid-19… khiến thần kinh căng thẳng, cũng là một trong những nguyên nhân gây trào ngược acid dạ dày.

Bệnh nhân điều trị Covid-19 dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm… quá liều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày và đường ruột. Ảnh: Health
Triệu chứng trào ngược dạ dày

Các biểu hiện thường gặp là ợ hơi, ợ chua, cồn cào ruột, đau tức ngực, khó nuốt, đắng miệng, khàn giọng, đau họng, ho hen, đau nhói sau lưng giữa hai xương vai…

BS Trung cho biết, hậu quả của trào ngược có thể gây đau tức sau xương ức, đau cổ, cảm giác nuốt vướng, nổi hạch dưới hàm do viêm họng, viêm lưỡi, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm xoang… Nhiều bệnh nhân điều trị qua nhiều năm bằng các toa thuốc chứa kháng sinh nhưng vẫn không khỏi.

Những trường hợp nặng phải thực hiện nội soi nhiều lần, làm nhiều xét nghiệm cao cấp như CT, MRI, chụp mạch vành, đo điện não… nhưng vẫn khó điều trị dứt điểm.

Phương pháp điều trị chứng trào ngược dạ dày ngay tại nhà

Bệnh nhân cần phải nhận biết đúng các điểm gây ra rối loạn hoạt động của dạ dày để có phương pháp điều trị hợp lý.

BS Trung cho rằng với viêm dạ dày do thuốc hoặc bị stress tâm lý, bệnh nhân nên ngưng sử dụng các loại thuốc gây ra tác dụng phụ ngay khi có thể. Thuốc là cần thiết nhưng chỉ để giải quyết tức thời tình trạng rối loạn hoạt động của hệ thống tiêu hóa; dùng thuốc giúp ức chế tiết dịch vị và acid dạ dày, trung hòa acid dạ dày dư, thuốc bảo vệ dạ dày chống loét, thuốc chống đầy hơi, bổ sung men tiêu hóa.

  • Chế độ ăn uống

Trong ăn uống, người bệnh nên thực hiện phân bố thức ăn, tránh dùng những thực phẩm khó tiêu và ăn đúng giờ là tốt nhất. Ăn bữa sáng và bữa trưa nhiều năng lượng đủ để cơ thể làm việc trong ngày, việc ăn chiều hoặc tối nên hạn chế tối đa và phải xa giấc ngủ để tránh tồn đọng thức ăn trong dạ dày, BS Trung cho biết.

Khi ăn phải nhai chậm và kỹ bởi việc nhai thức ăn giúp dạ dày được nghỉ ngơi, giảm kích thích nhưng thông qua động tác nhai sẽ làm tăng tiết nước bọt, có nhiều men tiêu hóa quan trọng mà dạ dày không có như amylase.

Việc tập trung nhai kỹ giúp ức chế luồng thần kinh truyền từ não xuống. Phản xạ nhai sẽ tạo “phản xạ ức chế ngược bao tử” (nghĩa là nhai lâu càng có nhiều nước bọt thì dạ dày sẽ giảm tiết dịch vị). Nước bọt có tính kiềm cao, là chất trung hòa acid dịch vị trực tiếp.

Người bệnh nên duy trì nhịp sống sinh hoạt đều độ, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Ảnh: Indianexpress
  • Uống nước

Bệnh nhân nên hạn chế tối đa việc uống nước trong khi ăn vì sau khi thức ăn được xử lý ở khoang miệng, đưa xuống dạ dày. Nếu uống nước vào thời điểm này sẽ tăng thể tích dạ dày lúc đang chứa thức ăn. Điều này làm tăng áp lực trong dạ dày, dễ bị căng bụng, ợ hơi, chậm tiêu hóa… gây chán ăn.

  • Giấc ngủ

Người bệnh nên ngủ cách bữa ăn tối khoảng 3-4 tiếng, hạn chế tối đa thói quen uống các loại sữa… trước khi ngủ. Khi ngủ nên kê cao đầu, từ lưng trở lên hơn 15-30 cm đối với chân, nằm nghiêng trái theo tư thế võng xuống của dạ dày và có thể kê giường hoặc dùng gối chuyên dụng.

Trong khi ngủ, nếu xảy ra tình trạng bỏng rát ngực, tim đập hồi hộp, hoảng sợ, miệng khô, tay chân đổ mồ hôi… đó là do cơn trào ngược dịch vị tràn vào thực quản ngay phía sau tim, kích thích thần kinh gây ra hiện tượng này. Người bệnh có thể lấy một ly nước ấm để uống. Nếu không khỏi, có thể sử dụng loại thuốc trung hòa acid dạng gói hoặc viên, BS Trung cho biết thêm.

Ngoài ra, những biện pháp hỗ trợ theo y học cổ truyền như xoa bóp tam tiêu, cũng được áp dụng để điều trị bệnh này. Đặc biệt, vai trò của thở bụng trong điều trị trào ngược dạ dày cũng nên xem xét và phối hợp thực hiện.

BS Trung khuyến cáo, “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Người bệnh nên cố gắng duy trì nhịp sống sinh hoạt bình thường, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý; đồng thời kết hợp các biện pháp vừa được hướng dẫn phía trên, dễ dàng áp dụng ngay trong thời gian giãn cách xã hội, sẽ hạn chế được các bệnh lý của dạ dày.

Minh Thảo

Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ẩm thực Michelin: Chay Garden – nhà hàng chay được giải...

0
(SGTT) - Là một trong hai nhà hàng phục vụ ẩm thực chay tại TPHCM được cẩm nang ẩm thực Michelin trao tặng giải...

Bữa sáng Sài Gòn: Quầy xôi ghẹ vỏ giòn đang ‘gây...

0
(SGTT) - Hơn một tháng gần đây, cộng đồng ẩm thực TPHCM không ngừng thích thú và chia sẻ những thông tin về món...

TPHCM: tàu metro số 1 chạy thử toàn tuyến hết 30...

0
(SGTT) - Sáng 26-4, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM tổ chức chạy thử nghiệm tự động tuyến metro số 1 (Bến...

Bữa sáng Sài Gòn: Mới lạ tô phở Cường Ký nấu...

0
(SGTT) - Ngoài hương vị phở miền Nam hay Bắc, món phở còn được một số người Hoa bày bán với những thức ăn...

Trải nghiệm bánh bèo Huế, giá chỉ 35.000 đồng ở chợ...

0
(SGTT) - Bánh bèo là món ăn đặc trưng vùng miền Việt Nam, có nhiều cách biến tấu tùy thuộc mỗi địa phương. Trong...

Tiền Giang: Hạn mặn làm nông dân trồng rau lo mất...

0
(SGTT) - Hiện nay, tình hình sản xuất cây trồng ở nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến...

Kết nối