Thứ Năm, Tháng Năm 16, 2024

Lo ngại tái diễn cảnh đổ xô nuôi cá tra

Trung Chánh – 

Hiện nay, xuất khẩu cá tra duy trì ở mức tăng trưởng khá, sản lượng nguyên liệu khai thác nhìn chung ổn định, giúp giá cá trong những tháng đầu năm 2017 duy trì ở mức đảm bảo cho người nông dân có lãi tốt. Tuy nhiên, một số người trong cuộc bắt đầu lo ngại về khả năng bùng nổ nguồn cung trong tương lai khi nông dân chuyển sang nuôi cá.

Giá tăng nhẹ

Nhìn chung, xuất khẩu cá tra ở những thị trường đơn lẻ trong 10 tháng đầu năm 2017 khá khả quan, mặc dù cũng có thị trường, nhất là hai thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), lại sụt giảm mạnh.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng của năm 2017, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 290 triệu đô la Mỹ, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang EU đạt gần 171 triệu đô la, giảm 21,6% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông trong 10 tháng của năm 2017 đạt hơn 335 triệu đô la, tăng 42,3% so với cùng kỳ; sang Brazil đạt gần 85 triệu đô la, tăng 68,3% so với cùng kỳ; sang Mexico, Ả-rập-xê-út và ASEAN lần lượt tăng 19,4%, 6,8% và 1,2%.

Nông dân đang cho cá ăn tại một ao nuôi của doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Tuy có tăng và giảm ở những thị trường xuất khẩu đơn lẻ trong những tháng qua, nhưng xét chung toàn ngành thì xuất khẩu vẫn khả quan, đạt gần 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA), tính đến tháng 11-2017, tổng diện tích nuôi mới ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (gồm An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long) đạt 3.299 ha, tăng 14 ha; diện tích thu hoạch đạt 3.415 ha, tăng 7% so với cùng kỳ với tổng sản lượng thu hoạch đạt trên một triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký VINAPA, cho rằng về sản lượng và diện tích như diễn biến ở trên là trái dự báo được đưa ra hồi đầu năm 2017, tức đánh giá hồi đầu năm là sản lượng giảm.

“Các số liệu chúng tôi theo dõi qua dữ liệu của Tổng cục thủy sản và báo cáo tổng hợp từ các địa phương ĐBSCL thì sản lượng sẽ tăng nhẹ trong chín tháng đầu năm. Điều này có nghĩa, dự báo cả năm 2017 sẽ không tăng nhiều về sản lượng và diện tích thu hoạch”, ông cho biết.

Theo ông Dũng, chính yếu tố xuất khẩu và diễn biến nguyên liệu trong nước đã kích thích giá nguyên liệu tăng mạnh trở lại trong những tháng đầu năm 2017, đặc biệt là nhu cầu lớn xuất phát từ thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu báo cáo của VINAPA, trong những tháng đầu năm 2017, giá cá tra nguyên liệu dao động trong khoảng 24.000-27.000 đồng/kg. Sau đó, giá cá có giảm dần đến cuối tháng 8-2017 và đến đầu tháng 9-2017 tăng lên lại mức 24.500-25.000 đồng/kg. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu đã đạt mức 27.000-28.000 đồng/kg.

Với diễn biến giá cá tra nguyên liệu như trong năm 2017, hoạt động sản xuất nguyên liệu luôn đem lại một khoản lợi nhuận khá cho người nuôi, ước tính trong khoảng 3.000-8.000 đồng/kg, tùy thời điểm.

Lo bùng nổ nguồn cung

Ông Dũng của VINAPA cho rằng một khi sản lượng tăng ít mà giá lại tăng cao, nhiều khả năng người dân sẽ đổ xô đi nuôi cá tra như đã từng xảy ra trước đây.

Ông Dũng giải thích, sở dĩ năm 2017 cá tra có giá tốt là nhờ vào diện tích và sản lượng không tăng như trước đây. “Điều này, một phần do các doanh nghiệp đã tỉnh táo hơn so với trước, người dân cũng bình tĩnh hơn và có thể do lãnh đạo các địa phương đã có bài học từ những năm trước nên có cách lãnh đạo tốt hơn”. Song ông Dũng cho rằng, điều đó không có nghĩa là sẽ không tái diễn một đợt bùng nổ mới về sản lượng.

“Nếu giá cá tra tiếp tục cao trong năm 2018-2019, nguồn cung trên thị trường sẽ ra sao?” ông Dũng đặt câu hỏi trong bối cảnh người nông dân chuyển dịch từ lúa sang thủy sản. Ông Dũng cho biết, mới đây Chính phủ có nghị quyết về ĐBSCL cũng định hướng chuyển dịch cấu trúc nông nghiệp từ lúa sang thủy sản và cây ăn trái.

“Như vậy, với ngành (cá tra) đang có giá cao như thế này, rất có thể chúng ta sẽ quay lại thời kỳ bùng nổ về sản lượng như trước đây”, ông Dũng dự báo. Lúc đó, giá cá tra có thể sẽ giảm, và trong bối cảnh chưa có giải pháp gì để khôi phục thị trường EU và Mỹ, cá tra Việt Nam sẽ lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Bài học của những năm trước có thể xảy ra. Đấy là điều chúng tôi lo ngại”, ông Dũng nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Trần Hiếu Trung, một hộ nông dân nuôi cá tra ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cũng đang lo về khả năng sẽ có một cơn sốt đổ vốn vào nuôi cá tra trong thời gian tới. “Nếu tình hình cứ như hiện nay, rất có thể người dân sẽ lao vào nuôi tiếp nữa cho mà xem”, ông Trung nói.

Theo ghi nhận thực tế của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện một số ao nuôi đơn lẻ của nông dân, thậm chí một số khu vực nuôi quy mô công nghiệp của doanh nghiệp đang được hình thành mới ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Canh chua cá Việt Nam lọt top 10 món ăn từ...

0
Mới đây, chuyên trang ẩm thực thế giới Taste Atlas đã cập nhật danh sách 100 món ăn từ cá ngon nhất thế giới....

Khám phá kỳ quan thế giới cổ đại duy nhất còn...

0
(SGTT) – Kim tự tháp Giza, hay còn gọi là kim tự tháp Khufu, là nơi thu hút đông đảo du khách ghé thăm...

Bảy giải pháp để ĐBSCL vượt qua những thách thức về...

0
(SGTT) - ĐBSCL, nơi mỗi năm có thể nhận xấp xỉ 450 tỉ mét khối nước ngọt trước khi đổ ra biển đã phải...

Lắp đặt cân tự động trên toàn tuyến cao tốc để...

0
(SGTT) - Từ hiệu quả giảm xe quá tải sau khi thí điểm đưa vào sử dụng hệ thống cân tự động trong thời...

Food Núp Chợ: Bình dị phần cơm tấm tại quán Mỹ...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đến chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TPHCM), thực khách có thể thưởng thức cơm tấm tại quán Mỹ,...

Nghề đan gùi và dệt thổ cẩm của người S’tiêng ở...

0
(SGTT) - Sáng ngày 15-5, tại không gian sinh hoạt của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập diễn ra lễ công bố nghề truyền...

Kết nối