Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Mua hàng ở “siêu thị” đồ cũ

Khôi Nguyên

Bày bán đa dạng mặt hàng như tivi, tủ lạnh, vật dụng cần thiết cho gia đình, nhiều cửa hàng đồ cũ ở TPHCM không khác gì những siêu thị thu nhỏ. Người tiêu dùng có thể lựa chọn những món đồ mình cần với giá rẻ hơn so với đồ mới.

Những cửa hàng này chọn cách “buôn có bạn, bán có phường”, từ đó hình thành một số con đường có nhiều cửa tiệm chuyên bán đồ cũ. Có thể kể đến đường Phạm Văn Bạch, đường Tân Sơn (quận Tân Bình), đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức),… với nhiều cửa hàng đồ cũ san sát.

 do cuĐồ gia dụng cũ như chén đĩa, xoong nồi có giá rẻ hơn khoảng 30% so với đồ mới. Ảnh: Khôi Nguyên.

Đáp ứng nhu cầu mua sắm

Một đoạn của đường Phạm Văn Bạch chưa đến 1 km nhưng có trên dưới 30 cửa hàng bán đồ gia dụng cũ. Các mặt hàng khá đa dạng, phía ngoài là các loại kệ inox, tủ đựng chén đĩa, bồn rửa mặt, bên trong là vật dụng như ly tách, đồ điện, xoong nồi… Một số chủ tiệm cho biết, khách thường ghé mua hàng vào giờ tan tầm và những ngày cuối tuần. Các mặt hàng bán chạy chủ yếu là nồi chảo, chén đĩa phục vụ nhu cầu gia đình. Những người muốn mua đi bán lại hoặc mở cửa hàng ăn uống cũng thường ghé mua bàn ghế và các vật dụng khác. Ngoài ra, nơi này còn bán các loại bồn rửa, dụng cụ nhà bếp dành cho bếp ăn công nghiệp.

Loay hoay chọn mua 5-6 bộ bàn ghế gỗ và kim loại, anh Lục Văn Thạnh, nhà ở quận 12, cho biết hai vợ chồng định mở quán ốc nên đang tìm mua các món đồ cần thiết. “Vốn liếng cũng ít nên chúng tôi chọn mua bàn ghế cũ, rẻ hơn khoảng 30% đồ mới để tiết kiệm. Ở đây cũng bán các loại khay, dụng cụ đựng đũa, tô chén đủ thứ nên rất dễ chọn”, anh nói. Sau khi cân nhắc giá bán ở vài cửa hàng gần đó, anh Thạnh quyết định mua trước năm bộ bàn ghế với giá mỗi bộ 800.000 đồng, cùng một chồng đĩa, kể cả hũ đựng tăm.

Còn chị Mỹ Loan, nhân viên tạp vụ của một công ty tại quận Gò Vấp, cũng đang chọn mua chiếc tủ đựng chén còn khá mới. Chị cho biết thường mua các vật dụng gia đình trên đường này vì giá rẻ và chất lượng khá đảm bảo. “Gia đình tôi đông người, chi tiêu tốn kém, nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Dù mua hàng cũ nhưng tôi cũng lựa chọn kỹ lưỡng rồi mới mua”, chị chia sẻ.

Tương tự, đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức cũng có khoảng 20 cửa hàng đồ cũ, một số tiệm rộng hơn 500 m2. Ngoài những mặt hàng thông dụng, nơi đây còn bán những hàng hóa đắt tiền như các loại ghế salon, tủ giường cao cấp, tivi và tủ lạnh cỡ lớn. Anh Nguyễn Ký, chủ hai cửa tiệm đồ cũ liền nhau, cho biết nhu cầu của người dân đối với những mặt hàng này ngày càng nhiều. Không những bán trực tiếp, anh còn tận dụng kênh bán hàng trực tuyến. Lợi nhuận của việc buôn bán này theo anh là khá cao.

Ông Đình Minh, chủ cửa hàng đồ cũ trên đường Chế Lan Viên, quận Tân Bình, chuyên bán các thiết bị cũ dùng cho nhà tắm, kể rằng những cửa hàng dạng này ra đời cũng hơn chục năm nay. Trước đây, ông chuyên bán các loại xe cũ dùng để bán hủ tiếu, nước mía, nhưng sau này thấy mặt hàng này bán không chạy nên chuyển sang bán thiết bị nhà tắm đã qua sử dụng.

 [box] Vui buồn nghề bán đồ cũ

Theo những người chuyên bán đồ cũ, nghề này đôi lúc cũng gặp những tình huống dở khóc dở cười. Có chủ tiệm sau khi đồng ý bán nguyên lô bàn ghế, kệ sắt, vật dụng dùng cho một tiệm ăn, người mua mới đề nghị được… trả góp. Vì muốn bán lấy chỗ chứa hàng mới, chủ tiệm đồng ý cho người mua trả hai lần. Ngoài những người mua để mở tiệm kinh doanh quán ăn, thức uống, nhiều người chỉ mua phục vụ nhu cầu trong gia đình nên thường trả giá. “Các mặt hàng như chén đĩa, rổ rá đôi khi tôi bán lấy công làm lời, rồi chăm chút những mặt hàng khác để bù vô. Vì nhiều người mua là công nhân, dân lao động nghèo nên nếu mình kê giá cao thì kỳ”, bà Tám Vân cho biết. [/box]  

Nguồn hàng từ nhiều nơi

Theo những người bán các mặt hàng gia dụng cũ, nguồn hàng được họ mua lại từ các công ty, quán ăn, tiệm cà phê thanh lý hoặc người dân gần đó bán lại. Sau khi mua về, các cửa hàng sẽ phân loại hàng hóa, mức giá sẽ tùy theo độ cũ mới của vật dụng. “Có những vật dụng quá cũ hoặc dính bẩn, chúng tôi phải kỳ công chà rửa, tân trang. Đôi khi cũng mua trúng những món hời với giá rẻ, lời nhiều”, bà Tám Vân, chủ một cửa hàng đồ cũ trên đường Tân Sơn, quận Tân Bình, cho biết. Bà Vân còn có một “mạng lưới” chuyên thu mua đồ cũ từ các tỉnh thành lân cận rồi chuyển về TPHCM.

Ngoài những cửa hàng trên các con đường kể trên, một số trang mạng cũng đăng bán nhiều loại vật dụng gia đình cũ. Các mặt hàng có thể kể đến các loại giường với giá từ 1 triệu đồng/giường bằng sắt hoặc gỗ, các loại tủ quần áo, bàn ghế… Tuy nhiên, người mua cần cân nhắc khi chọn lựa vì một số trang sử dụng hình chụp minh họa, đến khi giao hàng không đúng như hình ảnh đã đăng. Mức giá ở các trang cũng khác nhau cho cùng một dòng hàng, người mua nên lưu ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người trẻ ‘biến hình’ cho những dòng kênh đen

0
(SGTT) - Đắm mình vào những dòng nước đen kịt, đầy rác rưởi hôi thối ở TPHCM, những bạn trẻ trong nhóm Sài Gòn...

Ngắm nhà thờ tốn hơn 500 năm xây dựng ở Milan,...

0
(SGTT) – Nằm ở trung tâm thành phố Milan của Ý, nhà thờ chính toà Milano (Duomo di Milano) là điểm đến hấp dẫn...

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Khám phá Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đêm

0
(SGTT) - Bằng việc sử dụng công nghệ 3D Mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh, Văn Miếu...

Hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt cuối năm...

0
(SGTT) - Hai công ty cổ phần vận tải đường sắt khi được sáp nhập sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm...

Thủ tướng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm

0
(SGTT) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố về...

Kết nối