Thứ Sáu, Tháng Năm 17, 2024

Băn khoăn chuyện thu phí xe vào trung tâm

Lê Anh-

TPHCM dự kiến sẽ thu phí ô tô vào khu trung tâm vào năm 2020 như một giải pháp giúp giảm tình hình kẹt xe hiện nay. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hoài nghi của các sở, ngành lẫn chuyên gia giao thông về tính khả thi của đề án này.

Thu 30.000-50.000 đồng/lượt

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố đang được lấy ý kiến và chỉnh sửa lại trước khi trình chính quyền TPHCM phê duyệt. Khác với đề án đã được trình vào năm 2012, lần này đề án đã được chỉnh sửa với nhiều điểm mới. Đề án này được Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) trình Sở Giao thông Vận tải TPHCM hồi đầu tháng 9.

Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một, triển khai vào năm 2019, sẽ làm một vành đai khép kín khu vực trung tâm, gồm hệ thống 36 cổng thu phí không dừng và một trung tâm điều hành. Trung tâm này sẽ kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống. Giai đoạn 2, sẽ thực hiện vào năm 2027 với 39 cổng thu phí.

ITD đã xây dựng ba kịch bản để xác định mức phí phù hợp trong thời gian từ 6-17 giờ hàng ngày. Trong đó, phương án một xây dựng mức phí 40.000 đồng áp dụng cho ô tô con, taxi, xe vận chuyển khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ. Phương án hai thu phí 40.000 đồng áp dụng cho ô tô con và taxi, 50.000 đồng cho xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định. Phương án ba thu phí 30.000 đồng cho taxi, 40.000 đồng cho ô tô con, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe khách du lịch.

Một phương án khác cũng được đề xuất là áp dụng mức thu phí trong các giờ cao điểm từ 6-9 giờ và 16-19 giờ, các khung giờ khác không thu phí. Phương án này đang được tính toán và có thể áp dụng cho giai đoạn đầu thực hiện thu phí. Tổng mức đầu tư của dự án cũng được điều chỉnh lên 1.660 tỉ đồng so với giai đoạn đầu nghiên cứu là 1.200 tỉ đồng.

Đề án nghiên cứu lần này đưa cả phương án thu phí đối với xe biển xanh. Riêng đối với những người có nhà nằm trong trung tâm thành phố sẽ được làm thẻ giảm trừ tối đa mức phí phải đóng

 otoTPHCM dự kiến sẽ thu phí ô tô vào khu trung tâm vào năm 2020 như một giải pháp giúp giảm tình hình kẹt xe hiện nay.  Ảnh: Lê Anh

Hoài nghi về hiệu quả mang lại

Mặc dù đề án đã được chỉnh sửa và làm rõ hơn những vấn đề đặt ra trước đây nhưng các sở, ngành và chuyên gia giao thông vẫn đặt nhiều câu hỏi về hiệu quả mang lại của việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, để việc thu phí ô tô vào trung tâm khả thi, cần phải dự báo được nhu cầu giao thông khu vực trung tâm. Từ đó, đánh giá mức độ lưu thông ở các tuyến đường và đưa ra được quy hoạch giao thông khu vực trung tâm như giao thông công cộng, bãi đậu xe…

Như vậy, xem ra đề án thu phí vào trung tâm chưa chú trọng các nghiên cứu ban đầu và mô hình đưa ra để áp dụng cho TPHCM rất giống với Singapore, Anh quốc. Trong khi mạng lưới giao thông thành phố hầu như quá tải nghiêm trọng.

“Khi giảm xe vào trung tâm, lượng xe sẽ dồn sang các khu vực lân cận, nhất là các trục đường xuyên tâm. Khi nhu cầu giao thông ra vào trung tâm quá lớn thì thu phí vẫn không đạt được mục tiêu giảm kẹt xe, đặc biệt bối cảnh giao thông công cộng kết nối vào trung tâm chưa phát triển rõ rệt sau năm 2020. Vì thế, nên có cách làm khác hiệu quả và thông minh hơn. Chưa vội nghĩ đến các giải pháp cấm đoán hạn chế (lực đẩy) khi các giải pháp lực hút khá mờ nhạt”, ông Sanh đề xuất.

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm cũng nhận được nhiều câu hỏi đặt ra từ các sở, ngành của TPHCM. Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (Công an TPHCM) đã đặt ra một loạt câu hỏi cần làm rõ như việc thu phí có đảm bảo không gây ùn tắc giao thông trong trung tâm, hay lại gây ùn tắc thêm tại các trạm? Hiện nay đã thu phí tại các trạm BOT nay thu thêm phí vào trung tâm thì sẽ dẫn đến phí chồng phí? Mục đích thu phí có giải quyết được ùn tắc hay không? Đây là những vấn đề cần làm rõ trước khi đề án triển khai.

Còn Sở Tư pháp TPHCM băn khoăn đây là dự án thu phí không có trong Luật Phí và lệ phí của Nhà nước. Do vậy, đề nghị nhà đầu tư cần làm rõ nguồn thu phí như thế nào? Bên cạnh đó, chế tài xử phạt các xe không nộp phí như thế nào?

Trước nhiều câu hỏi đặt ra của chuyên gia giao thông và các sở ngành, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết mục tiêu của việc thu phí vào trung tâm thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông chứ không phải để kinh doanh thu tiền của người dân. Do vậy, người dân cần cân nhắc và có sự lựa chọn đi xe cá nhân vào trung tâm hoặc chọn xe công cộng.

Theo ông Cường, về mặt pháp lý việc thu phí chống ùn tắc giao thông chưa có trong quy định. Tuy nhiên, thành phố đã có kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng quy chế đặc thù được triển khai thu phí ô tô vào trung tâm. Số tiền thu được từ thu phí sẽ do thành phố quản lý, sử dụng và sẽ được công khai, minh bạch.

Hiện tại đề án vẫn đang trong quá trình thảo luận và chỉnh sửa trước khi trình chính quyền thành phố phê duyệt. Theo kế hoạch dự kiến, sau khi chỉnh sửa và làm rõ theo ý kiến góp ý của các chuyên gia và các sở, ngành. Sở Giao thông Vận tải sẽ trình chính quyền thành phố phê duyệt, nếu được chấp thuận thì dự kiến sẽ tiến hành thu phí từ năm 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM sẽ lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại 440...

0
(SGTT) - Dự kiến có 440 trụ sở các cơ quan, đơn vị tại TPHCM được lắp đặt điện mặt trời mái nhà với...

TPHCM sẽ đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư bỏ...

0
(SGTT) - Hiện trên địa bàn TPHCM đang có hơn 11.000 căn hộ, nền đất tái định cư đang bỏ trống. Thành phố đã...

Công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, giá rẻ

0
Công ty W88Event là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực tổ chức sự kiện tại Việt Nam. Với hơn 10...

Đến thăm bảo tàng trưng bày đá quý giữa lòng TPHCM

0
(SGTT) - Bảo tàng Địa chất (quận 1, TPHCM) là nơi trưng bày nhiều loại đá quý, khoáng sản, hóa thạch ở Việt Nam...

Hè này, tìm về 5 đảo nhỏ chưa nhiều người khám...

0
(SGTT) - Hòn Hai Bờ Đập (Kiên Giang), Hòn Dứa (Phú Yên) hay đảo Vân Phi (Bình Định)... là những đảo nhỏ, còn khá...

Gợi ý 6 điểm đến để trải nghiệm du lịch bền...

0
Hà Giang, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Sông Cầu (Phú Yên) và TPHCM là 6 điểm đến lý tưởng...

Kết nối