Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Người dùng Trung Quốc bắt đầu phải trả tiền nghe nhạc

Hiền Trang – 

Nhờ sự ra đời của dịch vụ streaming, Trung Quốc đang dần trở thành thị trường nơi người dùng phải trả tiền để nghe các bản nhạc. Streaming là dịch vụ cung cấp video hoặc bản thu âm bài hát theo thời gian thực, thay vì cho phép người dùng tải tập tin về máy tính để xem lại nhiều lần.

Trung-Quoc-nghe-nhac-tra-tien[3416] Thị trường nhạc streaming ở Trung Quốc bị chi phối bởi gã khổng lồ Tencent.

Lâu nay, nhiều người dùng tại Trung Quốc không có thói quen trả tiền cho những bản nhạc họ nghe. Trong thời đại của đĩa CD, tại Trung Quốc, hiếm có tiệm băng đĩa nào không bán đĩa lậu.

Đến khi đĩa CD được chuyển thành những tệp nhạc có thể tải về máy tính hoặc điện thoại di động, cùng sự ra đời của nhạc trực tuyến, hầu như không có trang web âm nhạc nào ở Trung Quốc tính phí người nghe.

Tuy nhiên, giờ đây, dù còn chậm chạp, nhưng Trung Quốc đang dần trở thành thị trường nơi người nghe phải trả tiền để thưởng thức các bản nhạc, theo tờ The Economist.

Trong 5 năm qua, doanh thu mà ngành thu âm toàn cầu kiếm được từ thị trường Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, lên đến 195 triệu đô la Mỹ; hầu hết doanh thu này đến từ dịch vụ streaming. Con số này tuy rất nhỏ so với tổng doanh thu của thị trường thu âm toàn cầu (7,8 tỉ đô la Mỹ), nhưng có thể thấy dịch vụ streaming đang trên đà cất cánh tại thị trường Trung Quốc.

Trên thực tế, không phải người dùng Trung Quốc nào cũng sẵn lòng trả tiền để thưởng thức nghệ thuật âm nhạc. Trong 600 triệu người nghe ở đây, chỉ có khoảng 20 triệu người nghe nhạc trả phí, với mức phí khoảng từ 1 đến 2 đô la Mỹ/một tháng.

Theo đó, phần lớn dân số Trung Quốc vẫn đang nghe nhạc miễn phí, nhưng thị trường này đang có sự dịch chuyển. Ông Ed Peto, nhà sáng lập của Outdustry, một công ty ở Bắc Kinh chuyên cung cấp các dịch vụ cho ngành công nghiệp âm nhạc, cho biết: “Thời đại nghe nhạc không bản quyền đang sụp đổ”.

Có một vài lý do dẫn đến sự dịch chuyển này. Thứ nhất, điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, giúp việc đăng ký dịch vụ trực tuyến trở nên dễ dàng hơn. Thứ hai, đó là sự ra đời ngày càng nhiều các ứng dụng thanh toán Alipay hay WeChat Pay, giúp người dùng thanh toán trực tuyến các khoản phí nhỏ. Cuối cùng là, để tận dụng cơ hội kinh doanh, các trang web âm nhạc ở Trung Quốc đang bắt đầu tuyên chiến với việc nghe nhạc không bản quyền.

Còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, không phải tất cả đều lạc quan. Thị trường streaming tại Trung Quốc hiện do một doanh nghiệp lớn thống lĩnh. Đó là Tencent, nhà cung cấp lớn nhất dịch vụ này tại Trung Quốc, và khá nổi tiếng với dịch vụ nhắn tin WeChat. Theo ước tính, thị phần của hãng này đang chiếm đến hơn 70% thị trường streaming tại đây. Hai thương hiệu hàng đầu của hãng, QQMusic và Kugou, có đến hàng trăm triệu người dùng.

Nguyên nhân của sự tập trung thị trường này là, vào năm ngoái Tencent đã mua lại hai đối thủ cạnh tranh lớn. Ngoài ra, Tencent đã trả một khoản tiền lớn cho ba hãng thu âm quốc tế, gồm Warner Music Group, Sony Music và Universal Music Group, để độc quyền phát nhạc của những hãng này ở Trung Quốc. Lợi thế này cho phép Tencent quyết định bài hát nào sẽ được phép lưu hành tại đây.

Tencent cho rằng sự độc quyền là cần thiết để đảm bảo tính hợp pháp của dịch vụ trực tuyến và giảm số vụ vi phạm bản quyền.  Giám đốc một công ty đối thủ của Tencent lại cho rằng độc quyền không bao giờ là lành mạnh. Xiami, một dịch vụ của Alibaba, đã mất rất nhiều thị phần vì đã không ký được hợp đồng với Tencent. Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường như hiện nay, các hãng thu âm có lẽ sẽ phải xem xét lại các thỏa thuận của họ với Tencent khi gia hạn hợp đồng.

Dịch vụ streaming phát triển nhưng các nghệ sĩ vẫn còn nhiều bức xúc. Trên thực tế, nhiều công ty đã kinh doanh nhạc lậu từ lâu trước khi bắt đầu mua bản quyền. Thậm chí ngày nay, những bản nhạc “indie” (indie là thể loại âm nhạc do các nghệ sĩ vô danh tự thực hiện, không phụ thuộc vào các hãng thu âm chính thống – NV) không có bản quyền vẫn tràn lan trên mạng.

Hầu hết các nghệ sĩ và hãng thu âm độc lập được trả rất ít phí bản quyền, nếu không muốn nói là không có, vì họ yếu thế trong đàm phán với những nhà cung cấp dịch vụ streaming.

Những ngôi sao lớn như Katy Perry thì hoàn toàn ngược lại. Nhờ lượng phát hành tăng mạnh, album mới “Witness” của Katy Perry đã leo lên vị trí dẫn đầu trên NetEase Cloud Music, một đối thủ của Tencent. Điều này chắc chắn sẽ mang lại cho cô một khoản lợi nhuận kếch xù.

Mặc dù hiện vẫn tồn tại những bất bình đẳng như trên, nhưng theo ông Mathew Daniel, phó chủ tịch của NetEase Cloud Music, thị trường streaming đang đi đúng hướng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Khám phá Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đêm

0
(SGTT) - Bằng việc sử dụng công nghệ 3D Mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh, Văn Miếu...

Hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt cuối năm...

0
(SGTT) - Hai công ty cổ phần vận tải đường sắt khi được sáp nhập sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm...

Thủ tướng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm

0
(SGTT) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố về...

Dấu xưa – Hồn phố: Thăm ngôi đình cổ hơn 170...

0
(SGTT) - Được xây dựng trên cù lao Bà Tàng, phường 7, quận 8, nằm ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi, đình Bình...

Ghé quán ốc được Michelin gợi ý ở TPHCM

0
(SGTT) - Dù nằm khuất trong con hẻm đường Nguyễn Trãi, quận 1, nhưng tiệm ốc Đào lại là điểm đến quen thuộc của...

Kết nối