Thứ Hai, Tháng Sáu 17, 2024

Tìm cách chặn hành vi xấu trên mạng xã hội

Chí Bảo

Đang có những ý kiến trái chiều về dự thảo nghị định xử phạt các vi phạm hành chính trên mạng xã hội. Theo đó, các hành vi chê bai, sỉ nhục người khác trên mạng hay truy cập vào trang Facebook của người khác khi chưa được phép sẽ bị xử phạt.

faceVới các mạng xã hội, việc xác định danh tính của chủ tài khoản là điều không đơn giản.  Ảnh: Như Quỳnh

Khó xác định chủ tài khoản

Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng đưa ra những quy định kiểm soát hành vi nói xấu trên mạng, giả mạo trang Facebook cá nhân, truy nhập trái phép vào tài khoản mạng xã hội. Dự thảo cũng yêu cầu người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin chính xác, phải sử dụng tên thật để mở tài khoản.

Cụ thể, dự thảo đưa ra mức phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin và hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản trên mạng xã hội; đồng thời phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với hành vi truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác (nếu chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản).

Dự thảo quy định là vậy, song trên thực tế mạng xã hội vốn dĩ có nhiều hoạt động phức tạp, một số mạng xã hội đặt máy chủ ở nước ngoài nên việc ngăn chặn cũng như xử phạt sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm cảnh báo rủi ro và an ninh mạng, cho rằng một số quy định về xử phạt trên mạng xã hội dường như chưa tính đến các tình huống định danh người dùng trên mạng xã hội. Nếu chưa thể xác định được danh tính của người dùng thì làm sao có thể xử phạt theo quy định.

Chẳng hạn, người dùng Internet hoàn toàn có thể sử dụng e-mail để tạo tài khoản trên mạng xã hội, sau đó dùng số điện thoại di động ở nước ngoài để kích hoạt (active) tài khoản. Sau đó, người này dùng tài khoản này để sử dụng ở Việt Nam thì làm sao có thể xác định chủ tài khoản.

Một số chuyên gia bảo mật thì cho rằng, việc xác định danh tính của chủ tài khoản trên mạng xã hội rất quan trọng. Đây là cơ sở xác định có đúng “chính chủ” hay không. Hiện nay có nhiều tài khoản Facebook sử dụng hình ảnh/thông tin cá nhân của người khác. Vậy khi người dùng không sử dụng tên thật, không cung cấp thông tin chính xác cho công ty quản lý mạng xã hội thì làm sao đơn vị xử phạt xác minh được danh tính chủ tài khoản.

Dự thảo này cũng đề cập tới việc phạt tiền 2-5 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân. Tuy nhiên, việc kiểm tra chủ tài khoản mạng xã hội có đúng hay không sẽ còn tùy thuộc vào mức độ hợp tác của các công ty quản lý mạng xã hội, chẳng hạn như Google hay Facebook. Cơ quan quản lý nhà nước muốn xử phạt phải tìm bằng chứng xác thực.

Bên cạnh đó, dự thảo này cũng đề cập tới mức phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với việc lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi như cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; cung cấp bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia…

 

Theo dõi con có bị phạt?

Trước đây, nhiều người thắc mắc liệu hành vi xem trộm Facebook, chụp hình các đoạn trao đổi bằng tin nhắn trên mạng (Skype, Viber, Facebook Messenger…) có bị xem là xâm phạm đời tư bất hợp pháp hay không. Nay với dự thảo này, một số hành vi như truy cập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân người khác sẽ bị phạt.

Cụ thể, theo Điều 90 của dự thảo trên, phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với hành vi truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác, hoặc phạt tiền 10-20 triệu đồng đối người  sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản trên mạng xã hội, tức giả mạo trang Facebook của người khác.

Trên thực tế, có tình trạng nhiều trang Facebook giả mạo, sao chép thông tin, hình ảnh của người khác nhằm trục lợi bằng cách dụ dỗ bạn bè của người có trang Facebook giả mạo kết bạn, nhắn tin mượn tiền. Các trang giả mạo này giống hệt trang Facebook “gốc” nên nhiều người khó nhận biết và dễ mắc bẫy.

Tuy nhiên, một số người lại lo lắng về quy định này, trong đó có không ít lời bàn tán trên mạng xã hội, cho rằng nếu chiếu theo quy định này thì việc theo dõi, truy cập Facebook của vợ, chồng, con cái không chừng cũng sẽ bị xử phạt.

“Tôi cũng đọc báo thấy nói sẽ xử phạt hành vi truy nhập trái phép tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác. Nếu đúng như vậy, việc cha mẹ đọc Facebook cá nhân của con mình có bị xử phạt hay không, vì hiện nay tôi đang quan sát xem con mình kết bạn với người nào, đăng thông tin gì trên đó”, ông Dũng, nhà ở quận 2, TPHCM cho biết.

Còn bà Lê Vy, nhà ở quận Bình Thạnh thì đoán rằng, việc cha mẹ tìm hiểu xem con cái sử dụng Facebook như thế nào có lẽ sẽ không bị xử phạt, vì thực ra khi đó cha mẹ chỉ kết bạn trên Facebook để xem thông tin. Theo chị, nếu có con đang sử dụng Facebook hoặc xem YouTube thì phải quan sát xem chúng đang xem gì, đọc gì trên mạng xã hội.

“Tôi cho rằng, chỉ khi nào cha mẹ cố tình đăng nhập vào tài khoản Facebook của con mới bị xem là truy nhập trái phép”, bà Vy chia sẻ thêm.

Trên thực tế, Bộ luật Dân sự cũng đã đề cập tới quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Các hoạt động trao đổi thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác (e-mail, kết nối trên mạng…) của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Cũng còn phải chờ xem dự thảo nghị định này sẽ có những điều chỉnh gì trong những ngày tới. Trong khi nhiều người băn khoăn về tính khả thi thì những người ủng hộ cho rằng, các quy định này có thể sẽ giúp cho môi trường mạng xã hội trở nên lành mạnh hơn, sẽ khiến cho những người hay nói xấu người khác, hay phao tin đồn một cách tùy tiện hoặc những người đang chia sẻ thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội phải cân nhắc nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngắm những khung cảnh có hình trái tim khi nhìn từ...

0
(SGTT) – Với góc nhìn từ trên cao, khung cảnh vây lưới ở Hòn Yến (Phú Yên), hồ Lân Cút (Lạng Sơn) hay mùa...

Trưa nay ăn gì: Thanh ngọt bún tôm tích trưa đầu...

0
(SGTT) – Trong nhiều phiên bản món ăn từ tôm tích, bún tôm tích có sự nổi bật bởi kiểu nấu món nước dễ...

Vi vu ngày hè tại 5 điểm du lịch biển lọt...

0
(SGTT) – Mũi Điện (Phú Yên), biển Quang Lang (Thái Bình) hay làng chài Nhơn Hải (Bình Định)… là những điểm du lịch biển...

TPHCM: hơn 60.000 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao,...

0
(SGTT) - Đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) PC07 – Công an TPHCM cho biết...

Việt Nam kỳ vọng đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế...

0
(SGTT) - Ngành du lịch đặt mục tiêu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa vào...

Liên ngành hàng không – du lịch cần ‘phối hợp ăn...

0
(SGTT) - Hai ngành du lịch, hàng không vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng muốn phát triển hiệu quả thì...

Kết nối