Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Sáng kiến “làm việc trên núi” thúc đẩy du lịch Ấn Độ

Du lịchHành trình - Điểm đếnSáng kiến “làm việc trên núi” thúc đẩy du lịch Ấn Độ

(SGTT) – Tại Ấn Độ, lượng khách du lịch đến Himachal Pradesh một bang nằm trong lòng dãy Himalaya, nơi mà du lịch chiếm 7% GDP, giảm mạnh do Covid-19 khiến các chủ khách sạn phải đóng cửa cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, sáng kiến “Work from mountains” (Làm việc trên núi WFM) đã kéo du khách quay trở lại.

Sáng kiến “Work from mountains” (Làm việc trên núi – WFM) đã kéo du khách quay trở lại Ấn Độ. Ảnh: South China Morning Post

Thay đổi suy nghĩ về du lịch

Ông Kiki Mathawan, người tạo ra sáng kiến WFM và cũng là người thường tổ chức các chuyến leo núi ở vùng Himalaya, cho biết: “Ngay cả khi có lệnh đóng cửa, các công ty vẫn cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Vì vậy, tôi nghĩ tại sao không đưa khách đến vùng núi, nơi họ có thể tập trung vào công việc, nhưng lại rời xa môi trường thường ngày?”.

Ông Mathawan nhận định khi các nhân viên của các công ty lên núi với ý định làm việc, họ đều tìm kiếm một thứ: dịch vụ Internet ổn định. Vì vậy, ông bàn với những khách sạn khác mà ông đã có mối hợp tác làm ăn lâu nay để tạo kết nối tốt hơn.

Làm việc giữa thiên nhiên. Ảnh: South China Morning Post

Các dịch vụ khác mà ông Mathawan cung cấp cho khách hàng là quảng bá các đơn vị lưu trú tham gia chương trình (12 khách sạn hiện đã đăng ký WFM); quảng bá về chương trình trên phương tiện truyền thông xã hội. Ông cũng nâng cấp cơ sở vật chất của khách sạn như mua sắm khăn trải giường và đồ nội thất mới.

Để hỗ trợ chi phí cho một số khách sạn nằm trong danh sách, ông Mathawan thuê lại những nơi đó, trả cho chủ sở hữu một khoản phí thường xuyên và trả lương cho nhân viên của họ.

Khi lần đầu đề xuất kế hoạch, ông gặp nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người dân địa phương lo sợ virus. Chủ sở hữu của một trong những khách sạn tham gia sáng kiến WFM sớm nhất đã bị tẩy chay khỏi cộng đồng Thung lũng Tirthan của mình.

Ông Mathawan nói: “Dân làng nghĩ rằng anh ta sẽ khiến virus lây lan khi chào đón những vị khách đến nghỉ tại khách sạn. Nhưng bây giờ mọi người đã thích nghi với trạng thái bình thường mới”. Người dân trong làng đã phải thay đổi suy nghĩ khi họ nhận ra rằng khách du lịch đến làm việc sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nơi đây.

Ông Mathawan đã tiếp đón hơn 500 nhóm khách du lịch làm việc – các cặp đôi, các gia đình, bạn bè, đồng nghiệp – và ngày càng nhiều khách sạn đang áp dụng ý tưởng này, với tư cách là một thành viên của WFM hoặc độc lập. Các trang Facebook như The Himalayan Travel Group ngày càng nhận được nhiều yêu cầu từ những nhân viên tìm kiếm một kỳ nghỉ trên núi, trong khi các chủ khách sạn nhiệt tình tham gia các trang mạng tương tự để giới thiệu về dịch vụ của họ.

Chuyến du lịch kéo dài hàng tháng

Arnav Mathur, một nhà sáng tạo nội dung du lịch kỹ thuật số đến từ thủ đô Delhi của Ấn Độ, đang dành tháng thứ hai ở Manali, cho biết: “Giờ đây xu thế này ngày càng phát triển. Mọi người chuyển sang thuê căn hộ và nhà để có thể ở lại lâu hơn. Sau những giờ làm việc, họ đến các quán cà phê và nhà hàng để giải trí”.

Chuyến đi kéo dài bốn hoặc năm ngày mỗi tháng là cần thiết để mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ảnh: South China Morning Post

Trong tháng đầu tiên sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng tại Himachal Pradesh, vào tháng 9 năm ngoái, Shimla đã đón hơn 21.000 khách du lịch và Manali là 15.000, theo báo cáo trên nhật báo tiếng Anh Hindustan Times.

Vào mùa lễ hội, vào tháng 12 năm ngoái và tháng Một năm nay, thành phố lớn nhất của bang – Shimla – đã chứng kiến ​​lượng khách tăng đột biến, với 500.000 lượt. Hầu hết là những du khách đi nghỉ thường xuyên, nhưng một số lượng đáng kể là nhóm gia đình hoặc nhóm khách đến các khu nghỉ dưỡng trên các vùng núi để làm việc dài ngày.

Theo ông Mathur, xu hướng này đang thay đổi bộ mặt du lịch ở dãy Himalaya. Trước đây, khách du lịch nội địa thích chọn những tour do các công ty du lịch tổ chức. Họ đến vùng núi trong vài ngày và tham quan theo lịch trình. Giờ đây, nhiều người chọn cách ở lại một nơi và biến nó thành “căn cứ địa”. Họ tham gia các cuộc gọi trên Zoom, kiểm tra email và thực hiện các công việc. Khi rảnh rỗi, họ sẽ khám phá khu vực đang ở.

Như một kiểu sống chậm

Đối với ông Mohit Gosewade, người làm tư vấn quản lý dự án có trụ sở tại Pune, chuyến đi kéo dài bốn hoặc năm ngày mỗi tháng là cần thiết để mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhưng khi đại dịch Covid-19 tấn công, ông và gia đình đã phải giam mình trong nhà.

Ông nói: “Chúng tôi cần phải thoát khỏi tình trạng này nếu không muốn phát khùng. Và thật may khi tôi nhìn thấy chương trình WFM trên Facebook. Khi nhận ra chúng tôi vẫn có thể làm việc khi ở gần những ngọn đồi hoặc tham gia một cuộc gọi Zoom khi ngồi bên sông, tôi đã nghĩ nên đến đó”.

Vào tháng 10, ông Gosewade và gia đình lái xe hơn ba ngày để đến cơ sở WFM đầu tiên ở Kullu. Họ ở trong căn nhà trọ của Brown Dipper House và sau đó là một địa điểm khác do cùng một chủ quản lý trong suốt 40 ngày. Chi phí ăn nghỉ (chỉ bao gồm bữa sáng) trong một tháng lên tới 55.000 rupee Ấn Độ (khoảng 17 triệu đồng).

“Khi làm việc tại nhà ở Pune, tôi chỉ mong cho công việc nhanh kết thúc. Tôi không yêu thích nó. Đơn giản nó chỉ là công việc, không mang lại chút cảm giác dễ chịu nào”, ông tâm sự. “Nhưng khi gần gũi với thiên nhiên, bạn cảm thấy tự do hơn. Gia đình bạn đang ở bên cạnh. Bạn biết rằng họ cũng đang tận hưởng những giây phút thư giãn. Bạn cảm thấy được đón nhận luồng sinh khí mới, hít thở bầu không khí trong lành và có hứng khởi làm việc”.

Mỗi ngày sau giờ làm việc, ông và gia đình cùng nhau đi dạo, thưởng thức bữa ăn ở nhà hàng hoặc đi bộ rèn luyện sức khỏe, gặp gỡ trò chuyện với những người khác cũng đang tận hưởng kỳ nghỉ tương tự trên dãy Himalaya.

Ông Goswade nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có thể đi du lịch đến một nơi và ở lại trong vòng 30 đến 40 ngày. Một việc không thể xảy ra trước đại dịch”.

Mô hình WFM đang hồi sinh các nhà khai thác du lịch nhỏ cũng như du khách. Ví dụ, Brown Dipper House đã tiếp đón khoảng 35 khách làm việc kể từ khi mở cửa trở lại sau 6 tháng đóng cửa do đại dịch, theo Hindustan Times. Trước đây, nơi này chưa bao giờ có du khách đến lưu trú để làm việc.

Thanh Thảo

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Về Phú Yên thăm hải đăng Gành Đèn

0
(SGTT) – Hải đăng Gành Đèn nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách danh thắng Gành Đá Đĩa chỉ hơn 1km về phía Bắc. Hành trình ‘săn’ bình minh ở Phú Yên Cảnh đẹp Phú Yên khi nhìn từ trên cao

Ngắm đồng cỏ tranh trắng xoá ở khu Đại học Quốc gia TPHCM

0
(SGTT) - Cánh đồng cỏ tranh ở làng đại học (khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM) đang bung nở trắng xóa, thu hút đông đảo các bạn trẻ đến chụp ảnh. Đầm hoa lục bình hút khách check-in ở Hà Nội Du khách đổ về bán đảo Sơn...

Nắng nóng gay gắt, công viên nước kín khách

0
(SGTT) - Trong ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, nhiều người đã vào các công viên nước để vui chơi và “giải nhiệt” cho ngày nắng nóng. Du khách đổ về núi Cấm vui lễ 30-4 Thảo Cầm Viên hút khách vui chơi...