Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Hoang sơ suối thác xứ Nghệ

Thu Hường

Nằm về phía tây đường mòn Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Nghệ An, những cánh rừng nguyên sinh cùng với hệ thống suối đá, thác nước hùng vĩ đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ thích khám phá và chinh phục thiên nhiên.

Từ Hà Nội, chúng tôi xuôi theo đường mòn Hồ Chí Minh đi hơn 300 km để đến Km số 0, thị trấn Tân Kỳ, bắt đầu hành trình khám phá núi rừng xứ Nghệ. Nghỉ một đêm ở nhà người bạn tại Tân Kỳ để lấy lại sức, sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục theo đường mòn xuôi xuống phía nam hơn 50 km nữa, rồi bắt đầu rẽ vào miền rừng núi bạt ngàn của huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Từ đường mòn Hồ Chí Minh rẽ vào, cung đường bắt đầu thử thách những tay lái chuyên nghiệp. Những huyện lộ dân sinh dẫn vào các bản vùng cao thuộc xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương hầu như chưa được xây dựng. Nhiều đoạn đường đất sau cơn mưa hôm trước trở nên trơn trượt, nhiều chỗ đọng nước ngập cả lốp xe. Càng vào sâu trong rừng, đường đi chỉ còn là một lối mòn vừa đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau, với nhiều suối nước cắt ngang.

Chốc chốc, người ngồi sau phải xuống xe để các tay lái bắt đầu ì ạch cho xe lội suối. Bù lại những mệt nhọc là niềm vui được ngắm cảnh sắc thiên nhiên thanh bình, hoang sơ. Không khí trong lành thuần khiết với tiếng chim hót khắp nơi khiến chúng tôi thực sự thích thú. Cả nhóm liên tục dừng xe mỗi khi bắt gặp nhưng khung cảnh đẹp để tranh thủ ghi lại những hình ảnh đáng nhớ.

Điểm đến hôm nay của chúng tôi là thác Mưa, nằm trên dãy núi cao thuộc bản Chà Luôn, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Sau gần một giờ đồng hồ đánh vật với cung đường khá xấu, hai bên hoang vắng, cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy những bản làng của đồng bào dân tộc Thái.

DL_5Bản người Thái với những mái nhà sàn lợp rơm rạ đơn sơ.

Cả nhóm gửi xe lại tại nhà một người dân trong bản rồi bắt đầu cuốc bộ men theo con suối. Đi được khoảng 1 km thì mọi người bắt gặp một tấm biển chỉ dẫn “Thác Mưa 300 m/Vành đai biên giới” đặt chơ vơ bên bãi đá cạn. Vậy là từ đây tới biên giới với nước Lào láng giềng không còn xa. Mọi người thích thú lội theo con suối mát lạnh để tới chân thác, nhưng suối đá trơn trượt vì có nhiều rong rêu cũng thực sự gây khó khăn, vất vả cho cả nhóm khi vượt qua. Hàng chuối rừng mọc hai bên bờ suối, gió thổi vi vu như vuốt ve tàu lá, tạo nên một khung cảnh nên thơ của vùng núi rừng miền tây xứ Nghệ này.

DL_4Mọi người lội theo con suối đá để đến thác.

Tiếng thác nước đổ bắt đầu nghe rõ và rồi ngọn thác hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ đỉnh núi cao gần 100 m, những khối nước trắng xóa ào ào đổ xuống các vách đá tạo thành nhiều tầng khác nhau. Cuối cùng dòng nước xuống tới chân thác tạo thành một vũng nước lớn trong xanh.

Vũng nước không sâu lắm, bước xuống nước chỉ ngập tới bụng nên những bạn trẻ khi đến đây thường dừng lại thư giãn, tắm táp, chơi đùa. Nước từ đây tiếp tục tỏa ra tứ phía, len lỏi qua những bãi đá tạo thành dòng suối mà đồng bào Thái ở đây vẫn gọi là suối Vàng.

Sau khi nghỉ dưới chân thác, nhóm chúng tôi bắt đầu men theo những bậc đường mòn hai bên thác để tiến lên những tầng trên. Từ các tầng thác cao, mọi người có thể nhìn ngắm khung cảnh tuyệt đẹp của núi rừng.

DL_7Cảm giác tuyệt vời khi đứng dưới chân thác.

Thắc mắc về cái tên gọi “thác Mưa”, tôi đã hỏi một anh bạn người Thái tên Vi Hắc Long, nhà ở gần thác, anh giải thích: “Với người Thái, thác như những cơn mưa suốt bốn mùa, cung cấp nước cho mọi gia đình sinh hoạt. Những tia nước đổ xuống từ mỏm núi cao liên tục như những giọt mưa”.

Thác Mưa còn được ví như dải lụa trắng thứ hai của đồng bào Thái ở miền tây xứ Nghệ, dải kia là thác Kèm ở rừng Pù Mát. Nhưng khác với thác Kèm, hiện nay thác Mưa vẫn còn nguyên sơ, chưa có bất cứ dịch vụ kinh doanh du lịch nào. Du khách từ xa đến đây phải chuẩn bị trước đồ ăn thức uống cho bữa trưa. Để có chuyến tham quan khám phá thú vị và an toàn, du khách có thể thông qua đồn biên phòng 559 đóng ở xã Ngọc Lâm để gửi xe và nhờ người dẫn đường.

Người dân địa phương ở đây hầu hết đều là đồng bào dân tộc Thái, vẫn sống trong những nếp nhà sàn, nhà lợp lá đơn sơ. Đây cũng chính là điểm thú vị để du khách lưu lại qua đêm, khám phá bản làng, thưởng thức những món ăn đặc sắc của vùng này như gà rừng, cá suối…

Nhiều người nghĩ rằng, cùng với khu đảo chè xã Thanh An thì thác Mưa và những cánh rừng nguyên sinh ở Ngọc Lâm thực sự là những điểm du lịch dã ngoại, sinh thái hấp dẫn tại Nghệ An. Tuy nhiên, do chưa có sự quản lý nên du khách đến đây vui chơi, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên cần có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu dọn rác thải, trả lại nguyên trạng ở những nơi du khách dừng lại nghỉ chân, ăn uống…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

0
(SGTT) – Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang...

Đến Gia Lai ngắm những ‘ô màu’ vàng xanh trên ruộng...

0
(SGTT) – Ngoài miền Bắc, thì ít ai nghĩ rằng đại ngàn Tây Nguyên cũng được “điểm xuyết” bởi những thửa ruộng bậc thang...

Bữa sáng Sài Gòn: Quán bún riêu 50 năm giữ vị...

0
(SGTT) - Từ gánh bún bán dạo ở khu vực chợ Bến Thành hơn 50 năm trước, bà Mai Thị Liên duy trì hương...

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Giải golf Lương Văn Can vun đắp ước mơ cho người...

0
(SGTT) - Ngày 3-5, Giải Golf Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất...

Kết nối