Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024

Cửa hàng giữa làn sóng online

Thái Hà

Cửa hàng trong tương lai sẽ như thế nào? Khách hàng sẽ được phục vụ bởi một dàn robot trắng bóng, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để điều chỉnh mỗi cuộc buôn bán dựa trên sắc thái khuôn mặt của khách hàng? Có hàng loạt câu hỏi, hình dung về cửa hàng trong tương lai trong bước tiến của công nghệ.

StoryCửa hàng tạo dáng, sắp đặt như một cuốn tạp chí với thiết kế nội thất, với thông điệp tiếp thị thay đổi sau mỗi 4 đến 8 tuần.

Cũng có thể trong nay mai, khách hàng sẽ được phục vụ bởi một trợ lý cá nhân trên smartphone, người sẽ luôn cho khách hàng biết họ hợp với kiểu cách, màu sắc quần áo nào. Cũng có thể đó là một cửa hàng có máy in 3D cho ra sản phẩm may đo tại chỗ. Đó cũng có thể là cửa hàng không cần nhân viên thu ngân khi khách rời đi. Biết đâu, đó sẽ là cửa hàng có hình ảnh nổi chiếu trên tường và biến mất khi khách ra khỏi cửa hàng.

Có lẽ khách hàng sẽ mua hàng từ nhà, dùng phòng thử quần áo ảo qua thiết bị hiện thực ảo (virtual reality). Sau đó, thiết bị bay không người lái sẽ vận chuyển hàng đến cửa nhà người đó. Tất cả những hình thái đó đã tồn tại, đang thử nghiệm, chứ không nằm trong trí tưởng tượng nữa. Nhưng liệu đó là những trải nghiệm mua sắm mà các khách hàng thực sự muốn?

Các nhà bán lẻ hàng đầu và các nhãn hàng thời trang trả lời rằng không phải thế. “Tôi luôn tin tưởng vào các cửa hàng hiện hữu. Nó không bao giờ biến mất, nó sẽ tồn tại giữa cuộc cách mạng về công nghệ trong bán lẻ hiện nay”, ông Jose Neves, người sáng lập Công ty Farfetch nói với tờ The New York Times. Tháng trước, Farfetch, nhà bán lẻ hàng hiệu xa xỉ mới ra dịch vụ giao hàng Gucci trong vòng 90 phút cho khách hàng đặt mua trực tuyến ở 10 thành phố lớn trên thế giới.

Bản báo cáo được Công ty Nghiên cứu thị trường bán lẻ Bain & Company ra sau đó ủng hộ ý kiến của Neves. Dù 70% các cuộc mua bán hàng cao cấp có sự ảnh hưởng bởi tương tác trực tuyến, nhưng 75% các cuộc mua bán vẫn diễn ra ở các cửa hàng hiện hữu, chứ không mua bán trực tuyến. Số liệu trên cũng chỉ ra xu hướng mua sắm hiện thời và trong tương lai gần sẽ là kết hợp giữa công nghệ và cửa hàng hiện hữu. Tức là tạo ra những công nghệ tư vấn thật mạnh để lôi kéo khách hàng đến với mình, và sau đó thì họ sẽ mua sắm tại cửa hàng của mình.

Holition là nhà cung cấp phần mềm tăng cường thực tế ảo (augmented-reality) ở London (Anh) đang làm việc với nhiều nhãn hàng cao cấp. Cuối năm ngoái, Holition cung cấp cho công ty mỹ phẩm Anh Charlotte Tilbury sản phẩm gọi là “gương ma thuật”, một công cụ trang điểm ảo cho phép người sử dụng thử các kiểu trang điểm với mỹ phẩm của Charlotte Tilbury. Bộ ảnh này sau đó được gửi vào e-mail của người sử dụng, cho phép họ chia sẻ lên các mạng xã hội… cùng với một loạt các động thái thúc giục họ mua mỹ phẩm.

MatchesFashion.com mới đầu là chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang ở Anh, nhưng giờ 95% sản phẩm của họ bán qua online. Năm 2016, họ đạt doanh thu 253 triệu đô la Mỹ. Nhưng Tom Chapman, người sáng lập công ty này không bao giờ phủ nhận vai trò của các cửa hàng, các sự kiện, hội thảo, lớp học… cho đó là những cơ hội tiếp thị, gắn kết với khách hàng.

“Phải luôn có cánh cửa mở để khách hàng vào nếu họ muốn tìm bạn, đó là các cửa hàng”, ông Chapman nói, “nhưng các cửa hàng không chỉ đơn thuần mở ra rồi để đấy, để sống sót, tự nó phải biết kể những câu chuyện mà khách hàng muốn nghe”.

Rachel Shechtman, nhà sáng lập Story, một cửa hàng ở New York đẩy khái niệm “câu chuyện” đi xa hơn. Cửa hàng mở năm 2011 tạo dáng như một cuốn tạp chí với thiết kế nội thất, cách sắp đặt sản phẩm và thông điệp tiếp thị thay đổi sau mỗi 4 đến 8 tuần. Doanh thu chính của Story không phải là bán hàng, mà từ các nhà tài trợ. Các công ty sử dụng Story như một cuốn tạp chí sống, nơi họ có thể mua không gian để tạo ra các chủ đề. Mỗi một chủ đề kéo dài 4 đến 8 tuần như vậy có giá từ 500.000 đô la Mỹ đến 1 triệu đô la Mỹ.

Nhà bán lẻ thời trang Mỹ Lord & Taylor đã khánh thành một cửa hàng rộng 3.000 m2 tập hợp các nhà tạo mẫu nổi tiếng, sắp đặt như một gallery nghệ thuật, công nghệ đóng vai trò lớn trong đó, các nhãn hàng được thay đổi trong 8 tuần, một khái niệm giống với Story. Cửa hàng truyền thống không “chết”, nhưng nó cần được sáng tạo, cần có sự trợ giúp của công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bao giờ đường Tân Kỳ Tân Quý hoàn thành?

0
(SGTT) - Sau hơn 1 năm thi công, dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TPHCM) đã đạt 50%...

Gắn kết vườn quốc gia với cộng đồng dân cư để...

0
(SGTT) - Nhiều du khách lựa chọn các vườn quốc gia để trải nghiệm thiên nhiên, đồng thời khám phá nét văn hóa của...

Tour nước ngoài ‘thắng thế’ trong mùa du lịch hè

0
(SGTT) – Đã bước vào mùa du lịch hè, tuy nhiên, vé máy bay nội địa vẫn còn cao, ảnh hưởng ít nhiều đến...

Dự án chống ngập 10.000 tỉ của TPHCM vẫn ‘bất động’...

0
(SGTT) - Không chỉ ngập do mưa, nhiều con đường ở TPHCM còn ngập kép do ảnh hưởng của triều cường dâng cao. Trong...

Ngôi chùa có tượng Quán Thế Âm làm bằng hoa bất...

0
(SGTT) - Chùa Linh Phước, còn được biết đến với tên chùa Ve Chai, là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi...

Ghé quán xôi duy nhất được Michelin đề xuất

0
(SGTT) - Từ ý tưởng của một nhóm bạn trẻ, thương hiệu Xôi Bát ra đời và mang đến cho thực khách TPHCM trải...

Kết nối