Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Lưu ý bệnh do “giải nhiệt” mùa nóng

Khánh Ngân –

Thời tiết đang diễn biến thất thường, ban ngày nắng nóng đổ lửa đến chiều tối lại có mưa khiến lượng người bệnh đến khám và nhập viện ở các bệnh viện đều tăng. Trung bình, mỗi ngày tại hai bệnh viện nhi của TPHCM có khoảng 12.000-14.000 lượt trẻ em đến khám. Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, lượng bệnh nhân cũng tăng đột biến so với thường ngày.  

Viêm tai do bơi

Tre-di-kham-benh-o-ND2Người thân đưa trẻ em đi khám bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 2.

Trời nắng nóng, nhiều người đều có nhu cầu giải nhiệt, giải tỏa cơn nóng bức bằng cách đi bơi hay nhốt mình ở phòng máy lạnh, uống nước đá… thế nhưng, việc giải nhiệt này dễ làm nhiều người rước bệnh. Trong đó, bệnh viêm tai khi đi bơi là phổ biến nhất. Tại phòng khám tai mũi họng của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, số lượng người bệnh đến khám bệnh viêm tai ngoài do đi bơi tăng đột biến, trung bình hơn 100 ca/ngày.

Điển hình là trường hợp của chị Nguyễn Thị D., 30 tuổi, ở quận 5. Chị đến khám trong tình trạng đau nhức tai, dẫn đến tình trạng nhức đầu và mất ngủ. Chị cho biết, do thời gian gần đây thời tiết quá nóng nên chị thường xuyên ghé hồ bơi gần nhà bơi 3 lần/tuần. Sau khi bơi được vài buổi, chị thấy tai ngứa và cảm giác đầy tai, ù tai gây khó chịu. Nghĩ mình đi bơi bị nước vào tai nên chị lấy tăm bông ngoáy tai, thế nhưng cơn ngứa chẳng những không giảm mà còn thêm đau nhức tai lan đến đau đầu nên chị đến bệnh viện khám. Bác sĩ xác định chị bị viêm ống tai do đi bơi và dùng tăm bông ngoáy tai khiến tình trạng tổn thương tai càng nặng hơn.

GS.BS. Phạm Kiên Hữu, Trưởng khoa Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, khi người bệnh sử dụng tăm bông ngoáy tai làm lớp da ngoài tổn thương sâu hơn, để càng lâu tình trạng tổn thương nhiều hơn, gây đau, tiết dịch. Sau đó dịch đặc lại làm tình trạng viêm tai kéo dài, nếu người bệnh vẫn tiếp tục ngoáy nữa thì sẽ bị nhầy mủ và bội nhiễm nhiều hơn.

Không chỉ người lớn, mà trẻ con cũng dễ mắc bệnh lý này khi đi bơi thường xuyên mà không được chăm sóc sức khỏe cẩn thận. Vì trẻ nhỏ vừa mê tắm hồ bơi, vừa không biết cách kiểm soát, nên hay để nước vào miệng, vào tai, vào mắt và có thể gây ra bệnh viêm tai, viêm hô hấp và viêm kết mạc.

BS. Hữu cho biết có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tai. Bên cạnh việc tích tụ nước trong tai, những nguyên nhân khác gây viêm tai ngoài bao gồm môi trường nóng, ẩm, thói quen làm sạch, lau chùi, móc ráy tai trong ống tai bằng các dụng cụ cứng; có các sang thương ống tai ngoài; da ống tai bị khô; vật lạ trong ống tai ngoài; ráy tai nhiều… trong đó thường gặp là bị nước vô tai khi đi bơi thường xuyên.

Viêm họng, sốt siêu vi vì… “mát”

Mùa nóng, nên cả người lớn và trẻ em đều có xu hướng ăn uống thực phẩm lạnh để mát và “đã khát”. Thế nhưng, cách giải nhiệt này rất dễ rước bệnh, nhất là với trẻ em. Vì thức ăn, đồ uống quá lạnh có thể làm phù nề niêm mạc vùng hầu họng và cũng là nguyên nhân làm cho siêu vi và vi khuẩn ở vùng hầu họng phát triển gây viêm hô hấp trên, sốt siêu vi… Và năm nào cũng vậy, cứ vào mùa nóng là lượng trẻ em bị bệnh lại tăng cao do cha mẹ làm mát, giải nhiệt cho trẻ không đúng cách.

Có bé đổ bệnh vì vừa chạy giỡn ngoài nắng, người đẫm mồ hôi đã ào ngay vào phòng máy lạnh hoặc cởi áo ngồi trước quạt rồi “tu” nước ngọt để trong tủ lạnh ừng ực nên ngay buổi tối đó đã bị ho và viêm họng. Có bé mê tắm mê nước, xuống hồ bơi là không chịu lên, nên chỉ sau vài buổi bơi bé đã ho, sổ mũi và sốt.

Vì thời tiết hiện nay nắng mưa thất thường, thêm sự chủ quan, cũng như cưng chiều con của các bậc cha mẹ, khi bé muốn tắm lâu hay uống nước đá, ăn kem… nên đã làm bệnh mùa nóng tuy chưa vào mùa cao điểm nhưng đã ở “đỉnh” của mọi năm.

Theo BS. Đặng Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, thông thường khoảng từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 mới là cao điểm của bệnh mùa nóng, nhưng hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 6.000-7.000 lượt trẻ đến khám vì  ho, sổ mũi, sốt, tiêu chảy… Trong đó,  có những  trường hợp trẻ mắc bệnh vì được cha mẹ giải nhiệt quá tay hoặc không đúng cách.

Để phòng bệnh vào mùa mưa nắng thất thường này, các bác sĩ nhi nhắc nhở:

  • Không cho trẻ đi ngoài nắng vô phòng máy lạnh ngay.
  • Không mở quạt thốc thẳng vào người trẻ, mà để quạt xoay.
  • Không ăn, uống thức ăn quá lạnh.
  • Không tắm hồ bơi vào buổi trưa nắng nóng, nên chọn hồ bơi có mái che và nước hồ được vệ sinh thường xuyên. Không được để nước tràn vào tai và cần hạn chế nước vào miệng, mũi, mắt. Sau khi tắm xong, cần tắm lại bằng nước sạch và cho trẻ súc miệng, nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý.
  • Đặc biệt, phải cung cấp đủ nước cho trẻ và nên cho trẻ uống thêm nước dừa, nước trái cây nhằm vừa bù nước hiệu quả, vừa cung cấp vitamin để tăng cường sức đề kháng.
  • Lưu ý, không nên cho trẻ dùng nhiều nước mát vì nước mát có thành phần chính là các chất lợi tiểu dễ làm trẻ mất nước và mệt mỏi, khó ngủ.
  • Mùa nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu, vi khuẩn xâm nhập nên phải bảo quản thực phẩm cẩn thận, không ăn thức ăn hâm đi hâm lại nhiều lần vì ăn vào dễ bị tiêu chảy, ngộ độc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa ngày lễ với cầu gai,...

0
(SGTT) – Do vẫn còn trong kỳ nghỉ lễ với những đêm tiệc tùng, nên buổi trưa của mọi người chỉ cần chọn món...

Về Phú Yên thăm hải đăng Gành Đèn

0
(SGTT) – Hải đăng Gành Đèn nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách danh thắng Gành Đá Đĩa...

Cấm ô tô, xe máy rẽ trái từ Mai Chí Thọ...

0
(SGTT) - Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cho biết,...

Ngắm đồng cỏ tranh trắng xoá ở khu Đại học Quốc...

0
(SGTT) - Cánh đồng cỏ tranh ở làng đại học (khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM) đang bung nở trắng xóa, thu hút...

Caravan 2030 lần 32 “Kon Tum ơi! Ta về” xuất phát

0
Hành trình trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và khám phá những cung đường hùng vĩ của đoàn doanh nhân...

Bỏ túi những ý tưởng phối đồ vi vu dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ 30-4 và 1-5 năm nay có nắng nóng gay gắt và oi bức, đôi khi sẽ khiến chúng ta khó chịu,...

Kết nối