Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024

Phát triển đô thị: Nén lại hay giãn ra?

Văn Nam – 

Vấn đề quy hoạch phát triển đô thị lại một lần nữa được xới lại với hai luồng ý kiến. Có chuyên gia đề xuất rằng để giải quyết nạn kẹt xe thì TPHCM cần phát triển đô thị nén, nâng mật độ cao tầng khu trung tâm và tập trung phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng. Lập luận này xem ra đang đi ngược với nhận định chung của nhiều người, rằng chỉ có cách giãn dân, phát triển đô thị vệ tinh mới giúp thành phố giảm bớt nạn kẹt xe.

Chọn hướng nào?

metroTuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đang trong quá trình xây dựng.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng lâu nay đô thị phát triển theo kiểu “trét bơ đều trên mặt bánh bì”, nghĩa là chỗ nào cũng tập trung xây nhà cao tầng, tăng dân số. Trong khi đó, địa chất thủy văn của TPHCM mỗi khu vực mỗi khác, có những vùng đất yếu, có khu vực đất cứng và cao ráo.

“Quan điểm của tôi là chọn phương án kết hợp cả hai, nén nhiều chỗ”, ông Hòa cho biết. Theo ông, những khu vực nào có nền đất tốt như Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, hướng Tây Bắc Sài Gòn thì chọn phát triển đô thị nén tập trung dân. Còn lại những vùng có nền đất yếu như Nhà Bè, Bình Chánh, một số nơi ở quận 9 thì giảm mật độ, giãn dân hoặc tìm cách nâng cao chất lượng sống số dân hiện hữu. Riêng khu vực trung tâm như quận 1 và quận 3 là khu đô thị lịch sử nên phát triển nén một cách cân nhắc.

The ông Hòa, việc phân vùng phát triển đô thị của thành phố trong những năm tới cũng cần theo xu hướng nén dựa trên địa chất thủy văn chứ không phải theo kiểu quận nào cũng kéo dự án về ồ ạt như hiện nay. Và để phát triển đô thị nén theo từng khu vực nói trên cần phải nghiên cứu kỹ về địa chất thủy văn kết hợp với quản lý theo quy hoạch.

Tại một hội thảo về phát triển đô thị tại TPHCM tuần trước, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, cho rằng TPHCM giờ đây không nhất thiết phải đi theo tâm lý chung của nhiều người là phải giãn dân và xây thêm đường mới kỳ vọng giải quyết nạn kẹt xe mà cần làm ngược lại. Đó là phát triển đô thị nén gắn với phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Ông Du dẫn ra nhiều thành phố phát triển theo xu hướng này, trong đó có Hồng Kông với diện tích 1.100 km2 nhưng chỉ phát triển đô thị trong giới hạn chưa tới 200 km2, Seoul (Hàn Quốc) có diện tích 605 km2 nhưng phần nén đô thị cũng rất nhỏ, Singapore rộng khoảng 700 km2 chỉ phát triển trong phạm vi 250 km2, còn Tokyo (Nhật Bản) rộng 600 km2 mà diện tích đô thị rất nhỏ. Các thành phố này có hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của đa số người dân.

Phát triển giao thông công cộng

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một cán bộ về quản lý hạ tầng kỹ thuật đang công tác tại Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, cho rằng quan điểm của thành phố là ủng hộ phương án phát triển đô thị nén xoay quanh hệ thống giao thông công cộng như metro, tuyến xe buýt nhanh.

“Trước mắt thành phố sẽ tập trung nén dân tại các đầu mối giao thông công cộng để người dân có thể sử dụng giao thông công cộng thuận lợi, khai thác tốt hạ tầng giao thông công cộng chứ không phát triển dàn trải sẽ khó đủ nguồn lực để đầu tư”, vị này cho biết. Theo ông, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, bởi hiện nay thành phố chưa có một hệ thống giao thông công cộng đủ lớn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Một số chuyên gia đô thị cho rằng, nếu thành phố phát triển đô thị nén tập trung vào những khu vực có nền đất cứng, cao ráo không chỉ tránh được những tác động biến đổi khí hậu như ngập lụt, lún nền mà còn giảm được chi phí đầu tư.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị thuộc Bộ Xây dựng, cho biết thời gian qua để giảm kẹt xe, TPHCM đã mở đường tại nhiều khu vực dẫn đến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, nhiều dự án phát triển đô thị chậm triển khai để lại “khoảng trống” cho bộ mặt đô thị thành phố. Đó là chưa kể thành phố đang phải đối mặt với sự gia tăng dân nhập cư (hàng năm dân số tăng khoảng 220.000 người), tác động của biến đổi khí hậu gây triều cường, ngập úng, ô nhiễm nguồn nước kênh rạch, sông.

Theo bà, đây là những thách thức mà chính quyền thành phố cần phân tích kỹ về mối quan hệ giữa đô thị hóa và điều kiện kinh tế xã hội (giá đất, giá nhà ở trên thị trường, phân bổ dân cư, hành vi giao thông) để có thể đưa ra những bài toán phát triển đô thị hợp lý trong tương lai.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, TPHCM có tổng diện tích khoảng 2.095 km2, trong đó diện tích đất nội thành khoảng 540 km2. Trong những năm gần đây, xu hướng dân cư thành phố có sự gia tăng ở các quận mới thành lập, vùng ven. Năm 1998, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020 với điểm nhấn là chia tách và thành lập thêm năm quận mới.  Thời điểm đó, quy hoạch nhấn mạnh đến vấn đề giãn dân nội thành nhằm giảm áp lực giao thông, quy hoạch xây dựng đa trung tâm.

Đến năm 2010 đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM lần thứ hai xác định mô hình phát triển thành phố theo hướng tập trung-đa cực. Trong đó, khái niệm “tập trung” là cả khu vực nội thành với bán kính 15 km, còn “đa cực” là phát triển bốn trung tâm cấp thành phố tại các quận 7, 9, Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Một cán bộ tại Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM nhận định, đến nay chiến lược phát triển đô thị “đa cực” theo quy hoạch chung nói trên đã đạt nhiều kết quả tốt, định hướng cho sự phát triển mở rộng ra các quận ven và các huyện ngoại thành, có thêm các khu đô thị mới như Nam Sài Gòn, Hiệp Phước, lấn biển Cần Giờ. Tuy nhiên, những bất cập trong quá trình phát triển đô thị đang dần bộc lộ, chẳng hạn như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Đây là những vấn đề chưa giải quyết rốt ráo, thậm chí có một số khu vực đang diễn biến có phần nghiêm trọng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dấu xưa – Hồn phố: Dạo quanh ‘chợ Thủ Đô’ giữa...

0
(SGTT) - Nằm trên địa bàn quận 5, chợ Phùng Hưng là một trong những ngôi chợ lâu đời, sầm uất tại khu vực...

Mâm tiệc vùng miền có gỏi, bánh khọt, nem nướng và...

0
(SGTT) – Một trưa cuối tuần lại đến, Trưa nay ăn gì chọn giới thiệu một mâm tiệc với những món ăn dân dã,...

Kinh doanh lưu trú qua ứng dụng tìm cách thích nghi...

0
(SGTT) -  Bước vào mùa hè 2024, giá vé máy bay nội địa ghi nhận vẫn còn mức cao ảnh hưởng nhiều đến kế...

Chi tiết giá vé các chương trình tại Festival nghệ thuật...

0
Giá vé các chương trình nghệ thuật, ẩm thực cung đình tại tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 dao động từ...

Bữa sáng Sài Gòn: Nhất vị món bún riêu anh Thái...

0
(SGTT) - Chọn phần nước dùng món bún riêu hầm từ giò heo và chả viên tôm, tiệm bún riêu anh Thái là điểm...

Bao giờ đường Tân Kỳ Tân Quý hoàn thành?

0
(SGTT) - Sau hơn 1 năm thi công, dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TPHCM) đã đạt 50%...

Kết nối