Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024

Tour Formosa và chuyện tiếp thị điểm đến

MINH DUY –   

Vài ngày trước, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững đã có buổi hội thảo giới thiệu ý tưởng tạo sản phẩm “Tour du lịch Formosa”, đưa du khách đến những điểm du lịch tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Trong đó, có nhiều điểm du lịch biển vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa môi trường Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) gây ra.

Theo thông tin từ một số cơ quan truyền thông, sẽ có bốn điểm du lịch chính trong tour, gồm đèo Con – khu công nghiệp Vũng Ánh tại Hà Tĩnh (nơi bắt nguồn của thảm họa môi trường – PV), bãi biển Hải Trạch của Quảng Bình, bãi biển Triệu An của Quảng Trị và bãi biển Lăng Cô ở Huế. Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ thu hút du khách quay trở lại sau khi sụt giảm bởi sự cố Formosa. Trong buổi giới thiệu tại Hà Nội, đại diện của một số cơ quan quản lý du lịch địa phương đã ủng hộ ý tưởng thiết kế sản phẩm.

Tuy nhiên, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, doanh nghiệp trong ngành du lịch, khách sạn cho rằng đây là một ý tưởng không thể triển khai vào thực tế và đi ngược với quy tắc tiếp thị nên không thể kéo khách đến.

“Việc dùng tên Formosa để gắn vào một sản phẩm du lịch với mong muốn tiếp thị, đưa khách đến là sai lầm. Mọi người đang rất sợ hãi với cái tên này, nay chúng ta lại gắn vào sản phẩm kỳ vọng thì sẽ phản tác dụng”, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, nói và cho rằng không thể vực dậy một điểm đến đang khủng hoảng bằng chính cái tên đã gây nên sự khủng hoảng đó.

Tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế nổi tiếng với bờ biển đẹp, hải sản phong phú và đang bắt đầu thu hút khách du lịch đến nhưng nay lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường do Formosa gây nên. Du khách không chỉ lo ngại về chuyện nước biển nhiễm độc, nhiều loại hải sản không thể ăn mà còn lo ngại những vấn đề liên quan khác như ô nhiễm nguồn nước, các loại rau, gia cầm để chế biến thực phẩm có an toàn hay không khi người dân vùng này dùng nguồn nước này để trồng, tỉa.

Với sự cố như thế này, những động thái phản ứng tức thì như kêu gọi du khách đến để ủng hộ du lịch biển, hay cố gắng chứng minh biển sạch, rau trái vẫn an toàn… là không có tác dụng bởi cơn khủng hoảng chưa qua, biển chưa thật sự sạch và tâm lý khách hàng chưa hết hoang mang.

Người đứng đầu một trong những công ty lữ hành lớn nhất Việt Nam (không muốn nêu tên) cho rằng sản phẩm gọi là “Tour du lịch Formosa” không thể bán được. “Người ta không thể vẫy vùng tuyệt vọng, bạ đâu vơ đó được”, ông nói.

Hồi tháng 5-2016, khoảng gần một tháng khi sự cố môi trường xảy ra, doanh nhân này đã đi Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, cùng làm việc với địa phương nhằm bàn cách thu hút du khách đến. Sau đó, các bên định phát động chương trình “Vì miền Trung” nhưng phải ngưng lại do biển vẫn không sạch, cá chết, du khách tẩy chay tour.

Theo ông, chắc chắn sản phẩm trên không thể giúp bốn tỉnh miền Trung vực dậy hình ảnh điểm đến ở thời điểm này và trong tương lai gần. Bản thân công ty ông cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường, không chỉ vì khách du lịch không mua tour mà khách sạn do công ty xây dựng ở đây cũng đang rất đìu hiu, lỗ nặng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà “làm đại” mọi chương trình có thể nghĩ ra.

Theo nhiều doanh nghiệp, vì những lý do trên sẽ không có bất cứ chương trình tiếp thị điểm đến nào có hiệu quả thực sự, có thể giúp khách hàng quên sự cố môi trường trầm trọng này để quay lại bốn điểm du lịch trên. Trong đó, du lịch biển sẽ là sản phẩm không nên nhắc đến trong giai đoạn hiện nay. “Cá nhân tôi chưa thấy chương trình nào có thể làm. Chúng ta không thể vội vã mà cần thời gian, chờ sự cố đi qua rồi mới có thể hành động”, ông Quỳnh của Furama nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng cần phải có những hành động khác, chuyển hướng phát triển dịch vụ, sản phẩm để có thể thu hút một số khách đến nhằm bù đắp phần nào sự sụt giảm của du lịch biển. Trong đó, sản phẩm hang động ở Quảng Bình, sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh ở Hà Tĩnh… là những sản phẩm đáng quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho rằng thay vì quảng bá du lịch biển thì những người làm du lịch nên hướng du khách sang sản phẩm khác. Chẳng hạn, Hà Tĩnh còn dải phía tây có thể thu hút du khách, có sản phẩm du lịch đường mòn Hồ Chí Minh, có rừng quốc gia Pù Mát… “Vấn đề là phải có một nhạc trưởng, thấy được những sản phẩm còn có thể khai thác ở địa phương này để đi đúng hướng và có cách tiếp thị bài bản, có quy mô. Tôi thấy, cách mà Quảng Bình đang hướng du khách trải nghiệm du lịch hang động, giới thiệu các loại thực phẩm an toàn để thay thế như gà, cá sông… là có hiệu quả, nhưng không nên thực hiện đơn lẻ mà phải có sự hợp tác rộng lớn hơn”, bà nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mời đăng ký tham dự Giao lưu đầu bếp chủ đề...

0
(SGTT) – Giao lưu đầu bếp là chương trình chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm món ăn theo các phong cách ẩm...

Thăm hang Pác Bó, ngắm suối Lê Nin

0
(SGTT) - Không chỉ là địa điểm để ngắm cảnh, thư giãn, mà hang Pác Bó, suối Lê Nin còn gợi nhắc cho du...

Dấu xưa – Hồn phố: Dạo quanh ‘chợ Thủ Đô’ giữa...

0
(SGTT) - Nằm trên địa bàn quận 5, chợ Phùng Hưng là một trong những ngôi chợ lâu đời, sầm uất tại khu vực...

Mâm tiệc vùng miền có gỏi, bánh khọt, nem nướng và...

0
(SGTT) – Một trưa cuối tuần lại đến, Trưa nay ăn gì chọn giới thiệu một mâm tiệc với những món ăn dân dã,...

Kinh doanh lưu trú qua ứng dụng tìm cách thích nghi...

0
(SGTT) -  Bước vào mùa hè 2024, giá vé máy bay nội địa ghi nhận vẫn còn mức cao ảnh hưởng nhiều đến kế...

Chi tiết giá vé các chương trình tại Festival nghệ thuật...

0
Giá vé các chương trình nghệ thuật, ẩm thực cung đình tại tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 dao động từ...

Kết nối