Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024

Đường trên cao nối sân bay nên đi hướng nào?

LÊ ANH –   

Mới đây Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đề xuất xây đường trên cao nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến phường 22, quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, hướng tuyến mà nhà đầu tư đang nghiên cứu được các chuyên gia cho là “đi lòng vòng” và nên nghiên cứu đi thẳng vào trung tâm thành phố.

Dự kiến khởi công năm 2017

anh-4Dự án đường trên cao sẽ giảm tải cho đường phía dưới. Trong ảnh, một đoạn đường trên cao được xây dựng để giải tỏa ùn tắc ở ngã ba Vũng Tàu.  Ảnh: Anh Quân

CII đã thành lập hẳn một công ty để nghiên cứu và xây dựng đường trên cao số 1 nói trên với tổng số vốn khoảng 15.000 tỉ đồng, bao gồm cả giải phóng mặt bằng. Hiện tại, hướng tuyến mà nhà đầu tư đang nghiên cứu được thực hiện theo Quyết định số 568/2013 của Thủ tướng về điều chỉnh, quy hoạch giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2030.

Cụ thể, hướng tuyến sẽ bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả đi theo đường Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long – Phan Xích Long nối dài. Từ đây sẽ xây dựng một nhánh xuống nút giao đường Điện Biên Phủ, nhánh còn lại sẽ đi theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc ở cầu Phú An (phường 22, quận Bình Thạnh). Toàn bộ chiều dài tuyến khoảng 9,5 km.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII, cho biết việc xây dựng đường trên cao có đặc điểm là trụ xây từ dưới đất lên nên việc chiếm dụng mặt bằng phía dưới ít. Do vậy, sẽ tận dụng dải phân cách giữa của các tuyến đường hiện hữu để xây dựng. Vì thế, việc giải phóng mặt bằng sẽ không nhiều.

Ông Bình cho biết, qua khảo sát sơ bộ đối với dự án đường trên cao số 1 nói trên, việc giải phóng mặt bằng chủ yếu là đoạn từ đường Phan Xích Long nối dài đến đường Điện Biên Phủ và đoạn Ngô Tất Tố kéo xuống cầu Phú An. Những đoạn còn lại do đi vào dải phân cách giữa đường nên không phải đền bù giải tỏa.

Ước tính, tổng kinh phí bồi thường, giải tỏa khoảng 6.000 tỉ đồng. CII đề xuất bỏ tiền ra để chi trả luôn phần giải phóng mặt bằng, sau đó sẽ hoàn vốn bằng việc thu phí.

Về thời gian khởi công dự án, ông Bình cho hay dự kiến năm 2017 sẽ khởi công và hoàn thành sau ba nãm xây dựng nếu có được mặt bằng sạch.

[box] Theo quy hoạch về giao thông vận tải ở TPHCM đã được điều chỉnh năm 2013, thành phố có 5 tuyến đường trên cao gồm:

– Tuyến số 1: điểm đầu ở nút giao Lăng Cha Cả và điểm cuối ở cầu Phú An dài 9,5 km.

– Tuyến số 2: điểm đầu giao với đường trên cao số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả – Bùi Thị Xuân – cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè – Bắc Hải – Thiên Phước – Âu Cơ – Công viên Đầm Sen – rạch Bàu Trâu – Chiến Lược – hương lộ 2 và kết thúc tại quốc lộ 1 (quận Bình Tân) dài gần 12 km.

– Tuyến số 3: điểm đầu giao với tuyến số 2 tại đường Thành Thái – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – rạch Ông Lớn – Nguyễn Văn Linh dài hơn 8 km.

– Tuyến số 4: bắt đầu từ quốc lộ 1 (giao với tuyến trên cao số 5) – Vườn Lài – vượt sông Vàm Thuật và đường sắt Bắc-Nam – Phan Chu Trinh – chung cư Mỹ Phước – Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1 dài 7,3 km.

– Tuyến số 5: bắt đầu từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Lạc dài khoảng 34 km.[/box]

Cân nhắc hướng tuyến

Sau khi CII đề xuất xây dựng tuyến đường này, một số chuyên gia giao thông đô thị ủng hộ, song cho rằng cần xem lại hướng tuyến để đi thẳng vào trung tâm.

Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Cảng TPHCM, dự án này sẽ giải quyết kẹt xe cho thành phố và đã được đưa vào quy hoạch. Khi có tuyến đường trên cao người dân có thêm lựa chọn khi đi qua những khu vực trên.

Ông Phạm Sanh, người từng điều hành xây dựng một số dự án giao thông lớn ở TPHCM, cho rằng việc xây dựng đường trên cao này là cần thiết. Cho dù mai sau có sân bay Long Thành nhưng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn là sân bay nội địa. Hơn nữa, đường trên cao này được quy hoạch nhằm giải quyết kẹt xe cho thành phố chứ không chỉ phục vụ cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Mặc dù ủng hộ xây đường trên cao nói trên nhưng ông Sanh lưu ý thêm về hướng tuyến. Trong đó, hướng tuyến mà nhà đầu tư sẽ thực hiện từ Lăng Cha Cả rồi “đi lòng vòng” ra Phan Xích Long – Điện Biên Phủ sẽ khó giải quyết kẹt xe cho sân bay.

“Nếu muốn giảm kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất thì nên nghiên cứu điểm đầu là khu vực sân bay chứ không phải Lăng Cha Cả, vì kẹt xe thường kéo dài suốt từ Lăng Cha Cả vào đường Trường Sơn, đường chính vào sân bay. Đường trên cao nên đi thẳng vào trung tâm thành phố theo hướng Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hoặc tuyến đường trên cao này phải đi qua đường Trường Sơn, thậm chí nối kết Phạm văn Đồng, khi đó mới giải quyết được kẹt xe ở sân bay”, ông nói.

Dù ủng hộ việc xây dựng đường trên cao nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo, TPHCM cần rà soát lại quy hoạch 5 tuyến đường trên cao vì hiện trạng đô thị và giao thông của thành phố đã thay đổi quá nhiều. Phải so sánh nhiều phương án tuyến cho từng đường, tích hợp cả hệ thống giao thông và kiến trúc mỹ quan đô thị vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm quy hoạch và thiết kế đường trên cao, nếu làm vội vã sau này sẽ lại lạc hậu.

Ông Phạm Sanh khuyến cáo, trước khi thực hiện dự án đường trên cao số 1, CII nên thi tuyển phương án kiến trúc và tổ chức nhiều đợt phản biện khoa học.

“Đường trên cao là công trình vĩnh cửu, quy mô lớn và tính chất phức tạp, không giống như làm một chiếc cầu vượt tạm bằng thép, vì vậy nếu không nghiên cứu kỹ về sau rất khó sửa chữa”, ông Sanh nói.

Trước ý kiến của một số chuyên gia nên nghiên cứu hướng tuyến đi thẳng vào trung tâm, một nguồn tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết hướng tuyến này trước đây cũng đã được tính toán tới, song hiện nay tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã được nâng cấp đang khai thác ổn định, nếu tiếp tục đào xới lên để làm đường trên cao sẽ rất khó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dấu xưa – Hồn phố: Dạo quanh ‘chợ Thủ Đô’ giữa...

0
(SGTT) - Nằm trên địa bàn quận 5, chợ Phùng Hưng là một trong những ngôi chợ lâu đời, sầm uất tại khu vực...

Mâm tiệc vùng miền có gỏi, bánh khọt, nem nướng và...

0
(SGTT) – Một trưa cuối tuần lại đến, Trưa nay ăn gì chọn giới thiệu một mâm tiệc với những món ăn dân dã,...

Kinh doanh lưu trú qua ứng dụng tìm cách thích nghi...

0
(SGTT) -  Bước vào mùa hè 2024, giá vé máy bay nội địa ghi nhận vẫn còn mức cao ảnh hưởng nhiều đến kế...

Chi tiết giá vé các chương trình tại Festival nghệ thuật...

0
Giá vé các chương trình nghệ thuật, ẩm thực cung đình tại tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 dao động từ...

Bữa sáng Sài Gòn: Nhất vị món bún riêu anh Thái...

0
(SGTT) - Chọn phần nước dùng món bún riêu hầm từ giò heo và chả viên tôm, tiệm bún riêu anh Thái là điểm...

Bao giờ đường Tân Kỳ Tân Quý hoàn thành?

0
(SGTT) - Sau hơn 1 năm thi công, dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TPHCM) đã đạt 50%...

Kết nối