Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024

Bố

HẢI AN –  

Có lần tới nhà bác chơi, ngồi nấu nướng với chị dâu con bác trong căn bếp mịt mùng khói, chị ấy nói với tôi: – Đêm qua chị ngủ mơ thấy ông Hùng chết. Tỉnh dậy giữa đêm, chị cứ khóc mãi rồi nghĩ về mày. Còn bố thì bố con lúc nào cũng tíu tít, đi xa về gần là có bố đón đưa. Không còn bố nữa, anh em kiến giả nhất phận, mày vẫn chưa chịu lập gia đình, bố chẳng còn nữa thì về nhà sẽ bơ vơ, tủi thân lắm.

Dad

Ông Hùng đấy chính là bố tôi, người rất được anh em trong họ mạc yêu quý. Nghe chị nói vậy, tôi giả vờ bực bội gắt ầm lên: – Ô hay, chị ngủ nhiều quá nên nói nhảm. Bố em sống còn lâu, không phải lo!

Tôi quay mặt đi chỗ khác để giấu những giọt nước mắt đang chảy ràn rụa trên mặt. Nước mắt không phải vì khói cay. Lấy cớ ra ngoài lấy thêm củi, tôi đã đứng sau nhà khóc nức nở như một đứa trẻ.

Sẽ ra sao khi một mai không còn bố nữa? Trái tim tôi như bị bóp nghẹt khi câu hỏi này vang lên trong đầu. Đã nhiều lần, khi đi trên những chặng đường dài, nghĩ ngợi xa xôi, tôi cũng tự hỏi mình như vậy và không cầm được nước mắt. Một đứa con gái có tính cách ương bướng, mạnh mẽ, hiếm khi khóc trước mặt người lạ như tôi nhưng lại rất mềm yếu khi nghĩ tới một ngày về tới nhà, cất tiếng gọi mà không còn nghe tiếng bố trả lời. Mà chỉ khi ở bên cạnh bố, tôi mới thực sự là mình với những cung bậc cảm xúc không cần phải giấu diếm.

Bố mẹ tôi ly hôn khi chúng tôi còn nhỏ, chị em tôi ở với bố. Bố vừa là người cha nhưng cũng là người mẹ hết lòng tận tụy. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến kỳ kinh nguyệt, tôi đã lo sợ đến phát khóc. Thấy tôi đứng nhăn nhó ôm bụng trong buồng, bố đã hỏi và giải thích cặn kẽ cho tôi biết mình cần phải vệ sinh, giữ sức khỏe thế nào trong những ngày “đèn đỏ”. Bố đã đọc rất nhiều sách về khoa học giới tính để trò chuyện cùng chị em tôi. Chúng tôi có thể trò chuyện, trao đổi với bố một cách thoải mái, thẳng thắn nhiều chuyện giới tính mà những đứa bạn khác còn hay ngượng ngùng hoặc không biết hỏi sao với bố mẹ.

Hồi học cấp 3, tôi rất nghịch ngợm, nên thường phải viết kiểm điểm. Tôi viết kiểm điểm nhiều đến mức thầy giáo phải ra “tối hậu thư” yêu cầu tôi mời bố đến nói chuyện thì mới cho phép tôi vào lớp. Tôi đã năn nỉ xin, hứa hẹn đủ điều để không phải mời bố nhưng thầy giáo không đồng ý. Cuộc hẹn với thầy đã gần kề mà tôi vẫn chưa dám nói với bố. Buổi sáng sớm, thấy bố dậy ngồi sưởi trong bếp, tôi rón rén đi tới, lấy hết can đảm nói “Bố ơi, con có chuyện cần nói với bố”. Nói xong, tôi sợ hãi òa khóc như một đứa trẻ, dù lúc đó tôi đã 16 tuổi. Bố tôi nhẹ nhàng bảo: – Con có chuyện gì cần nói thì cứ mạnh dạn nói đi, bố nghe đây. Tôi thút thít kể về lỗi lầm của mình và yêu cầu của thầy giáo. Nghe xong, bố không nổi giận mà chỉ nhẹ nhàng bảo: – Con biết nhận lỗi thế là tốt. Bố sẽ đi gặp thầy giáo của con. Con hãy học tính can đảm để sau này ra cuộc đời, dù có nguy nan thế nào cũng biết cách ứng phó.

Những lời nhẹ nhàng nhưng thấm thía ấy của bố là hành trang giúp tôi mạnh mẽ bước vào cuộc đời. Khi tôi thi đại học không đỗ, bố động viên tôi: “Không phải con học không được, mà do chữ con xấu. Thi khối C mà chữ xấu thì không được, con phải tập viết chữ cho đẹp đi”. Tôi đỗ đại học, học nửa chừng thì đòi bỏ vì không còn hứng thú. Tôi về nhà, xin bố cho nghỉ học. Tôi biết bố đã thức trắng một đêm để suy nghĩ về điều này. Bố vốn là thầy giáo dạy văn, đã học hành đỗ đạt bằng con đường tự thân vượt khó nên rất coi trọng chữ nghĩa. Sau một đêm suy nghĩ, buổi sáng sớm, hai bố con ngồi nói chuyện. Bố bình thản nói: – Nếu con không muốn đi học thì ép cũng chả được. Bố đồng ý cho con nghỉ học.

Bố không hề chiều tôi vô lối. Mà bố hiểu cá tính của tôi, khi đã dứt khoát điều gì thì sẽ làm tới cùng. Nghỉ học đại học, tôi đi theo con đường viết lách với niềm yêu thích văn chương được thừa hưởng từ bố. Hành trình phía trước của tôi còn nhiều gian nan, nhưng tôi vẫn luôn tin tưởng vào những điều mình làm – một tính cách quyết liệt mà bố đã truyền cho tôi.

Đến giờ, tôi vẫn chưa làm được gì nhiều cho bố. Chỉ thỉnh thoảng mua vé mời bố xuống Hà Nội xem vở kịch hay, tìm tòi mua những quyển sách mà bố thích, kể cho bố nghe về những hành trình của mình… Chỉ cần tôi mạnh khỏe, hài lòng với cuộc sống của mình, với bố, thế là đủ. Bố sẽ là người gọi điện cho tôi khi cơn mưa dông lớn vừa dứt chỉ để hỏi tôi có bị làm sao không. Bố sẽ để dành cho tôi những trái chín ngọt lành trong vườn. Bố sẽ chúc tôi có chuyến đi vui vẻ khi tôi tới vùng đất mới. Bố là điểm tựa vững chắc giúp tôi cảm thấy bình an trong cuộc sống nhiều biến động bất trắc này.

Đã đi qua rất nhiều vùng đất cách xa ngôi nhà bé nhỏ, nhưng mỗi khi về nhà, đứng đợi bố đến đón ở bến xe buýt, lòng tôi lại thấy tràn ngập sự bình an. Và có những khi bất chợt, để bố bất ngờ, tôi tự bắt xe về nhà, mở cánh cổng ra, cất tiếng gọi thật to “Bố ơi!”. Bố sẽ đón tôi bằng nụ cười và giọng nói ấm áp “Con đã về rồi đấy ư?!”.

Chốn bình yên của tôi là trở về nhà và thấy nụ cười của bố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bao giờ đường Tân Kỳ Tân Quý hoàn thành?

0
(SGTT) - Sau hơn 1 năm thi công, dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TPHCM) đã đạt 50%...

Gắn kết vườn quốc gia với cộng đồng dân cư để...

0
(SGTT) - Nhiều du khách lựa chọn các vườn quốc gia để trải nghiệm thiên nhiên, đồng thời khám phá nét văn hóa của...

Tour nước ngoài ‘thắng thế’ trong mùa du lịch hè

0
(SGTT) – Đã bước vào mùa du lịch hè, tuy nhiên, vé máy bay nội địa vẫn còn cao, ảnh hưởng ít nhiều đến...

Dự án chống ngập 10.000 tỉ của TPHCM vẫn ‘bất động’...

0
(SGTT) - Không chỉ ngập do mưa, nhiều con đường ở TPHCM còn ngập kép do ảnh hưởng của triều cường dâng cao. Trong...

Ngôi chùa có tượng Quán Thế Âm làm bằng hoa bất...

0
(SGTT) - Chùa Linh Phước, còn được biết đến với tên chùa Ve Chai, là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi...

Ghé quán xôi duy nhất được Michelin đề xuất

0
(SGTT) - Từ ý tưởng của một nhóm bạn trẻ, thương hiệu Xôi Bát ra đời và mang đến cho thực khách TPHCM trải...

Kết nối