Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Người bảo tồn những điểm đến yên tĩnh trên thế giới

(SGTTO) – Ông Gordon Hempton miêu tả ô nhiễm tiếng ồn như một gã sát nhân thầm lặng. Vì vậy, thông qua tổ chức phi lợi nhuận của mình, ông đã tiến hành xây dựng một bản đồ và danh sách những điểm đến yên tĩnh trên thế giới cần được bảo tồn.

Nhiệm vụ bảo tồn sự yên tĩnh

Năm 2003, ông Gordon Hempton mất đi thính giác và không còn nghe thấy bất cứ âm thanh nào. Đối với một nhà sinh thái học âm thanh như ông, điều này tương tự với việc một cầu thủ đá banh bị cụt chân. Đánh mất công việc, người đàn ông 67 tuổi cảm thấy cô độc và thất vọng về cuộc sống. Thế nhưng, sau 18 tháng, ông bắt đầu nghe lại được. Đây cũng là lúc Hempton quyết định bảo vệ những vùng đất yên lặng trên thế giới.

Ông Gordon Hempton. Ảnh: Shawn Parkin

Sau nhiều năm vận động, năm 2018, Hempton chính thức giới thiệu Quiet Parks International (QPI). Tổ chức phi lợi nhuận này có mục tiêu bảo vệ những không gian yên tĩnh trên toàn thế giới, từ khu vực sông Zabalo ở Ecuador – “công viên hoang dã yên tĩnh” đầu tiên của QPI – cho đến Công viên quốc gia Dương Minh Sơn tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan) – cũng là “công viên đô thị yên tĩnh” đầu tiên.

Ông Hempton chia sẻ: “Bằng một cách kỳ lạ, tôi đã sống trong một thế giới im lặng trong một thời gian dài và cũng vì thế, tôi hiểu được thế giới sẽ thế nào nếu sự yên lặng biến mất. Ngay khi lấy lại được thính giác của mình, tôi đã tự thề với bản thân rằng mình phải làm một điều gì đó khác biệt”.

Năm 2005, với dự án “One Square Inch of Silence – Một Inch vuông yên tĩnh” của Hempton, rừng Hoh – nằm bên trong Vườn quốc gia Olympic tại bang Washington (Mỹ) – từng được mệnh danh là nơi ít ô nhiễm tiếng ồn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, số lượng chuyến bay cất cánh từ sân bay Seattle gần đó đã tăng lên gấp ba đồng thời quân đội Mỹ cũng quyết định điều máy bay phản lực Growler tập trận ngay trên rừng Hoh dù nơi đây đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1981.

Rừng Hoh – nằm bên trong Vườn quốc gia Olympic tại bang Washington (Mỹ) – từng được mệnh danh là nơi ít ô nhiễm tiếng ồn nhất nước Mỹ. Ảnh: Getty Images

“Sự yên tĩnh bị phá hủy”, ông Hempton nói. “Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng tôi đã quay trở về với sự yên lặng để tìm kiếm lời khuyên cho những gì đang xảy ra ngoài kia. Và sự yên lặng đã đáp lời tôi ngay lập tức, rằng mỗi người chúng ta đều nên chọn cho mình sự yên tĩnh.” Đây cũng là lý do ra đời của QPI.

QPI sẽ tìm kiếm những địa điểm không có tiếng ồn nhân tạo và  chứng nhận chúng để bảo tồn. Hempton cùng hai nhân viên trắc địa được huấn luyện đã làm việc 24/7 trong suốt ba ngày với những chiếc máy đo độ ồn và thiết bị thu âm để đánh giá những khu vực họ tìm đến. Danh sách địa điểm yên tĩnh được chia thành 6 mục: công viên hoang dã, công viên đô thị, công viên đại dương, đường mòn, khu dân cư và cộng đồng, điểm lưu trú (khách sạn và khu nghỉ dưỡng).

Tính tới nay, QPI đã xác nhận được 262 không gian yên tĩnh trên thế giới cần được bảo vệ và 10 nơi – tại Mỹ, Ba Lan, Namibia, Peru, Nam Phi, Argentina, Ý, Canada – sắp được chứng nhận. “Trong 10 năm tới, chúng tôi muốn có thêm khoảng 50 điểm yên tĩnh nữa”, Hempton chia sẻ.

Tầm quan trọng của sự yên tĩnh

Tiếng ồn nhân tạo tựa như một kẻ giết người thầm lặng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người, bao gồm các bệnh liên quan tới tim mạch, suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ù tai và khó chịu.

Khu vực sông Zabalo ở Ecuador – “công viên hoang dã yên tĩnh” đầu tiên của QPI. Ảnh: South China Morning Post

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: “Những tác động của tiếng ồn môi trường lên sức khỏe là một vấn đề đang dần được nhiều người quan tâm. Mỗi năm, có ít nhất 1 triệu giờ khỏe mạnh của chúng ta bị mất đi vì tiếng ồn giao thông chỉ tính riêng tại khu vực phía Tây châu Âu”.

Hàng chục năm qua, ông Hempton đi khắp nơi để tìm hiểu về mối quan hệ giữa môi trường âm thanh và ảnh hưởng của nó lên xã hội, văn hóa và sinh thái. Những năm đầu tiên, ông gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ. Tuy nhiên, cho đến nay, ông đã đặt chân được đến mọi châu lục trừ Nam Cực dưới danh nghĩa cá nhân và tư vấn viên cho các đơn vị như Apple, Microsoft và viện Smithsonian.

Ông Hempton cho biết đối với mọi âm thanh tự nhiên áp dụng vào các sản phẩm hay tại bất cứ buổi triển lãm nào, nhà sản xuất cũng cần được cố vấn nên dùng âm thanh nào và lấy chúng ở đâu ra.

“Tôi cung cấp cả hai thứ đó cho họ. Dù đây là một lĩnh vực tỉ đô nhưng chỉ có hơn chục kỹ sư âm thanh trên thế giới có thể đáp ứng nhu cầu của các khách hàng. Sự thật rằng chúng tôi ngày càng bận rộn với công việc và giới khoa học phải công nhận: đối với con người và động vật hoang dã, âm thanh tự nhiên cũng quan trọng tựa như không khí và nước sạch”, ông nói.

Thu thập âm thanh để phục vụ công tác bảo tồn. Ảnh: Getty Images

Thực tế, các nhà khoa học đã nhận ra tầm quan trọng của sự yên tĩnh nhưng để tất cả mọi người trong xã hội quan tâm hơn tới nó là một chuyện hoàn toàn khác. Ông cho biết rằng nhiều người thường hỏi tại sao họ phải quan tâm đến sự yên tĩnh trong khi ở thế giới ngoài kia, nhiều vấn đề cấp bách hơn vẫn đang diễn ra như biến đổi khí hậu, môi trường sống suy giảm, nạn đói, động vật tuyệt chủng…? Và ông trả lời: “Bảo vệ sự yên tĩnh chính là bảo vệ được những thứ khác. Động vật hoang dã không thể nghe thấy nhau hoặc tiếng của động vật săn mồi trong môi trường ồn ào. Vì vậy, chúng sẽ tuyệt chủng hoặc di cư sang các khu vực khác”.

Ông Hempton cũng chỉ rõ giá trị tâm lý của sự yên tĩnh đối với con người: “Đến những địa điểm yên tĩnh đồng nghĩa với việc chúng ta đang ở tại nơi trong lành nhất trong tự nhiên, nhiều oxy nhất với một hệ sinh thái ổn định và có sự đa dạng sinh học cao nhất. Đó là nơi mà chúng ta có thể hít thở không khí trong lành và thả lỏng tâm trí, từ đó cảm thấy lạc quan hơn”.

Thuý An

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Loạt giải pháp kéo sếu đầu đỏ về Tràm Chim

0
(SGTT) – Vườn quốc gia Tràm Chim đang thực hiện nhiều biện pháp liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học,...

5 lý do thúc đẩy khách Việt chọn du lịch bền...

0
Các ưu đãi tài chính và trải nghiệm khi du lịch bền vững là hai yếu tố hàng đầu thúc đẩy khách Việt chọn...

Chuyện về anh họa sĩ ‘điên’ biến phế liệu thành tác...

0
(SGTT) - Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã...

Khám phá góc xanh nơi lăng Gia Long ở Huế

0
(SGTT) - Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) được thiết kế hài hòa với cảnh quan xung quanh, giúp du khách vừa có thể...

Trải nghiệm xanh tại vườn rau hữu cơ trên đảo Hòn...

0
(SGTT) - Marriott Resort and Spa Hon Tre Island vừa cho ra mắt M Valley - khu vườn rau hữu cơ mang đến cho...

Nâng cao vai trò của người thu gom ve chai trong...

0
(SGTT) - Sáng 8-3, tại thành phố Hội An, đã diễn ra cuộc họp tham vấn về sự đóng góp của lực lượng lao...

Kết nối