Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024

Canh cánh nỗi lo nguồn nước sạch

VĂN NAM –

Khó có thể hình dung một thành phố được hai con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai bao bọc như TPHCM lại đang canh cánh nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang khiến cho việc tìm nguồn nước cấp cho các nhà máy xử lý nước sinh hoạt khó hơn, nhất là trong mùa khô hạn này.

Nước thô ô nhiễm

hodautiengHiện nay, hồ Dầu Tiếng mới chỉ tích trữ được 76% lượng nước so với mức trung bình hàng năm.

Thông tin từ Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) ngày 4-3 cho thấy, thực trạng nguồn nước ô nhiễm cũng như tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Điều này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các nhà máy nước Tân Hiệp, Bình An, Thủ Đức tại TPHCM.

Theo Sawaco, không chỉ xu hướng nước sông nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng hơn, điều đáng lo hơn là hai hồ nước đầu nguồn lâu nay có thể xả nước giúp đẩy mặn cho sông Sài Gòn và Đồng Nai là hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An cũng như ổn định nguồn nước thô cho các nhà máy nước sạch cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nước.

Cụ thể, hiện hồ Dầu Tiếng hiện chỉ tích trữ được 76% và hồ Trị An chỉ đạt được khoảng 80% lượng nước so với mức trung bình hàng năm. Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều nhà máy nước như Tân Hiệp, Bình An, Thủ Đức, BOO Thủ Đức và Thủ Đức 3 đã có lần ngưng lấy nước thô hoặc khó khăn trong xử lý nước do độ mặn trong nước sông lên đến 250 mg/lít, thậm chí có thời điểm tăng vọt lên mức 600 mg/lít.

Theo một chuyên gia môi trường tại TPHCM, áp lực đến nguồn nước sạch cho hàng chục triệu dân TPHCM không chỉ đến từ biển (xâm nhập mặn) mà còn do chính bàn tay con người gây ra. Hiện nay, hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai đang phải gánh nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt, dẫn đến nguồn nước ô nhiễm hữu cơ, vi sinh.

Một đại diện của Sawaco dự báo, ít nhất xâm nhập mặn còn tiếp tục gây ra những tác động xấu trực tiếp đến hệ thống cấp nước của TPHCM đến tháng 4-2016. “Về lâu dài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát tốt dẫn tới những bất lợi như thiếu nước, suy giảm chất lượng nước nghiêm trọng hơn”, vị này nhận định.

Nước sạch lãng phí

Trong khi bài toán cho nguồn nước thô đầu vào của các nhà máy nước sạch đang cần phải gấp rút triển khai thực hiện thì sự lãng phí, thất thoát nước sạch vẫn diễn ra. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, bởi tỷ lệ thất thoát nước nhiều năm qua vẫn ở mức cao. Hiện nay, tỷ lệ thất thoát nước sạch trên địa bàn TPHCM khoảng 30%, nghĩa là xử lý được 100 m3 nước thì chỉ sử dụng được 70 m3.

Dưới góc nhìn của những người trong ngành, lâu nay sự lãng phí diễn ra không chỉ đối với nguồn nước đã xử lý mà còn đối với cả nguồn nước thô. Ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn, cho biết nhiều năm qua TPHCM đã lãng phí nguồn nước từ thượng nguồn đến hạ nguồn.

Ông Hoành giải thích, để đẩy mặn sông Sài Gòn giúp nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước thô an toàn công suất 300.000 m3/ngày thì trên thượng nguồn cách đó 60-70 km là hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa phải xả hàng triệu mét khối nước mỗi ngày. Theo ông, đây là sự lãng phí nguồn nước tự nhiên ở thượng nguồn. Mùa khô lấy được nước thô cho các nhà máy nước sạch khó khăn là vậy, nhưng đến khi làm ra nước sạch thì trong quá trình phân phối đến tay người dân sử dụng lại để thất thoát với tỷ lệ khá cao.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Bạch Vũ Hải, Phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết theo lộ trình đến năm 2025 tỷ lệ thất thoát nước sạch ở TPHCM sẽ được ngành cấp nước kéo giảm xuống 25%. “Song chúng tôi lên kế hoạch rút ngắn thời gian đến 2019 sẽ kéo giảm tỷ lệ này xuống dưới 25% bằng việc thay thế, nâng cấp đường ống, quản trị vận hệ thống cấp nước sạch từng địa bàn”, ông Hải cho biết.

Giải pháp dài hạn

Sawaco cho biết một trong những giải pháp dài hạn giúp ổn định nguồn nước sạch cho người dân thành phố là cải tiến công nghệ xử lý nước, tăng thời gian dự trữ nước, xây dựng thêm các bể chứa tại các nhà máy nước và bể chứa ngầm trên mạng lưới cấp nước. Trước mắt, trong năm 2016 này sẽ xây một bể chứa nước sạch 100.000 m3 cho các nhà máy nước Thủ Đức. Sawaco cũng tính đến giải pháp chuyển các công trình khai thác nước ngầm sang chế độ dự phòng để đảm bảo an toàn nguồn nước cho người dân trong tình huống khẩn cấp.

Hiện nay, ngành cấp nước ở TPHCM đang tính đến ba phương án để dự trữ đủ nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước sạch nếu có tình huống bất lợi xảy ra. Trong ngắn hạn, thành phố sẽ xây dựng hồ dự trữ có dung tích chứa đủ cung cấp cho nhà máy nước Tân Hiệp 1-3 ngày trong điều kiện sông Sài Gòn bị nhiễm mặn quá cao hoặc có sự cố ô nhiễm bất thường.

Về trung hạn, thành phố sẽ xây dựng hồ có dung tích chứa lớn hơn, đủ cung cấp nước sinh hoạt trong 15 ngày kết hợp với chức năng điều hòa chống ngập. Trong dài hạn, thành phố cũng đang nghiên cứu đến việc khai thác các nguồn nước mới từ các hồ đầu nguồn (Dầu Tiếng, Trị An).

Ông Hải của Sawaco cho rằng, để việc triển khai các giải pháp được khả thi, đạt hiệu quả, sắp tới Sawaco sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trong nước và nước ngoài cho các phương án xây hồ dự trữ nước thô cho TPHCM. Ông Hải cho biết chính quyền thành phố cũng đã lên các phương án lấy nước thô từ các hồ Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa thay thế cho nguồn nước sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Một trong những giải pháp bền vững được ông Hoành cho là khả thi đối với TPHCM trong tương lai là xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước thô từ Dầu Tiếng – Phước Hòa về cấp trực tiếp cho các nhà máy nước Tân Hiệp, Hóc Môn để thay thế nguồn nước thô lấy từ sông Sài Gòn. Còn các nhà máy nước sạch nằm phía đông thành phố như Thủ Đức, Bình An, BOO Thủ Đức thì cần xây một đường ống dẫn nước trực tiếp từ hồ Trị An về để thay thế nguồn nước thô lấy từ sông Đồng Nai.

Theo ông Hoành, với xu hướng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều khả năng 5-10 năm nữa thành phố sẽ phải tìm kiếm nguồn nước thay thế nguồn nước thô từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Thực tế cho thấy, điểm lấy nước thô từ sông Đồng Nai cho nhà máy nước Bình An có lúc phải vài giờ trong ngày do xâm nhập mặn. Biết đâu trong vài năm tới, thời gian dừng lấy nước không phải là vài giờ mà là vài ngày thì sao? “Do vậy, thành phố cần sớm tính đến giải pháp thay thế”, ông Hoành đề xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Giải golf Lương Văn Can vun đắp ước mơ cho người...

0
(SGTT) - Ngày 3-5, Giải Golf Lương Văn Can do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất...

Bộ GTVT đề nghị kiểm tra giá vé máy bay tăng...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Cục hàng không Việt Nam, vụ Vận tải rà soát,...

Đề nghị mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên...

0
(SGTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cần tính đến phương án đầu tư...

Ngắm Bãi Cạn ở đảo Phú Quý từ trên cao

0
(SGTT) – Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như đỉnh Cao Cát, vịnh Triều Dương, gành Hang… thì Bãi Cạn là điểm đến...

Kết nối