(SGTT) - Sáng nay, 2-11, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022 do UBND thành phố Cần Thơ tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ (Cantho Promotion Agency – CPA). Hội chợ thu hút 250 gian hàng đến từ 100 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước với hàng loạt sự kiện, kéo dài đến ngày 6-11-2022.
- Cần Thơ "tự tiếp thị" mình với các tập đoàn lớn tại Malaysia và Singapore
- Victoria Cần Thơ mở "gánh hàng rong" gần 30 món ăn đặc sắc miền Tây Nam bộ
- Về Cần Thơ chèo sup qua rạch nhỏ, ngắm chợ nổi buổi bình minh
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc CPA, hội chợ này nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu, tăng cường kết nối các đối tác kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Ban tổ chức cho biết, hội chợ có 250 gian hàng của 100 đơn vị, doanh nghiệp đến từ Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Bến Tre, Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang, Hà Nam, Lào Cai… và từ Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tổng lãnh sự quán tại TPHCM các nước Campuchia, Ấn Độ, Philippines, Indonesia tham gia gian hàng danh dự tại hội chợ.
Các đơn vị này trưng bày tại hội chợ nhiều loại máy móc, thiết bị nông nghiệp công nghệ cao, dây chuyền sản xuất, chế biến và các sản phẩm công nghiệp - nông nghiệp.
Họ cũng giới thiệu các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; các công nghệ hỗ trợ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch; các sản phẩm lâm nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chế biến từ nông sản, lâm sản, thủy sản.
Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm OCOP và sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP; giống cây trồng, sản phẩm trái cây chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; sản phẩm thương mại, hàng tiêu dùng phục vụ nông dân và nông thôn; các đặc sản vùng miền gắn với ẩm thực.
Trong 5 ngày hội chợ, có nhiều hoạt động thu hút khách tham quan. Tại lễ khai mạc sáng nay, ban tổ chức đã khai trương Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố Cần Thơ. Hàng ngày, còn diễn ra Chợ công nghệ, thiết bị chuyên ngành nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Techmart Nông nghiệp 2022), do Sở Khoa học - Công nghệ thành phố Cần Thơ và CPA tổ chức.
Sáng ngày 3-11, CPA phối hợp với Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Thành đoàn Cần Thơ tổ chức “Ngày hội lá”, nhằm quảng bá kiến trúc, ẩm thực, trình diễn nghệ thuật, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng các sản phẩm làm từ lá. Khách tham quan có thể giao lưu văn nghệ, học gói các loại bánh dân gian làm từ lá, thắt lá dừa, vẽ tranh từ chất liệu lá...
Suốt thời gian hội chợ, các doanh nghiệp sẽ tổ chức nhiều chương trình hoạt động xúc tiến thương mại để kết nối với nhà sản xuất và nhà phân phối. Khách tham quan hội chợ còn được thưởng thức và giao lưu văn nghệ hằng đêm với các nhóm nhạc của thành phố Cần Thơ và Câu lạc bộ Dance sport như Fox Band, Mộc Band, Thiên Nam Band…
Ngoài ra, còn có 5 hội nghị, hội thảo tại hội chợ lần này:
- Chiều ngày 2-11, có Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững” và Hội nghị sơ kết “Chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm nâng cao chất lượng nông, lâm thủy sản giao thương giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành phố năm 2022”.
- Chiều ngày 3-11, Tọa đàm “Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các sản phẩm, công nghệ và thiết bị từ các viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ”.
- Chiều ngày 4-11, có Hội thảo Dataconnect Cần Thơ 2022, chủ đề “Phát triển nguồn tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp” và Hội thảo “Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành phố Cần Thơ”.
- Trong hai ngày 5 và 6-11, Sở Khoa học - Công nghệ Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, Quỹ Dariu của Thụy Sỹ phối hợp CPA và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử".
Phát biểu khai mạc Hội chợ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh “Hội chợ lần này hết sức cần thiết cho ngành nông nghiệp Việt Nam và riêng vùng ĐBSCL, vì đây là cơ hội giúp ứng dụng và chuyển giao những công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ cơ giới, công nghệ sinh học, công nghệ tuần hoàn, công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào sản xuất hàng hóa lớn gắn với bảo vệ môi trường”.
Huỳnh Kim