Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Xe máy nội địa mất hút

Từng có một thời gian dài xe máy nội địa có mặt trên thị trường với một số thương hiệu được người tiêu dùng biết đến. Nhưng giờ đây, các thương hiệu xe máy Việt Nam đã dần mất hút hoặc chỉ tồn tại theo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Những cái tên gán ghép

Dạo quanh các chợ xe máy tại TPHCM như khu vực đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), An Dương Vương (quận 5), khu vực ngã tư An Sương (quận 12), không thiếu những sản phẩm xe máy giá rẻ được chào bán. Đây là những chiếc xe chưa qua sử dụng dù có chiếc đã được sản xuất hai năm về trước. Tất cả, đều được nhân viên bán hàng giới thiệu là xe có máy móc, linh kiện của Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan… và do doanh nghiệp Việt Nam lắp ráp. Những người bán hàng, không ai nói gì đến nguồn gốc Trung Quốc.

Sau khi nghe khách nói muốn mua một xe số Halim của công ty trong nước Hoa Lâm, anh nhân viên bán hàng cửa hàng xe máy Q. trên đường An Dương Vương cho biết, xe Halim của Công ty Hoa Lâm nhiều năm nay đã ngừng sản xuất và chuyển sang liên doanh với đối tác Kymco của Đài Loan. Do đó, khách mua xe tay ga của Hoa Lâm Kymko thì có, nhưng mua xe số Halim của Hoa Lâm thì không còn xe mới.

Xe máy na ná thương hiệu, kiểu dáng với các thương hiệu lớn được bày bán ở một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
Xe máy na ná thương hiệu, kiểu dáng với các thương hiệu lớn được bày bán ở một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Khi chúng tôi hỏi xe trong nước, anh nhân viên này giới thiệu các dòng xe máy 50 phân khối thương hiệu Savi. Theo lời anh, nhiều mẫu xe có kiểu dáng bên ngoài na ná xe của hãng Honda hoặc Yamaha nhưng có các tên gọi Boss city, Savi với giá bán trên dưới 13 triệu đồng/chiếc. Anh nhân viên này cho biết xe này được ráp tại Việt Nam nhưng máy móc, linh kiện nhập từ Đài Loan. Tuy nhiên, theo một đại diện kinh doanh của Công ty cổ phần Savina (huyện Bến Lức, Long An), đơn vị lắp ráp và phân phối các dòng xe mang thương hiệu Savi thì nhiều bộ phận máy móc được nhập từ Trung Quốc. Với dòng xe Max (trùng tên với một nhãn xe trước đây của hãng Kawasaki Nhật Bản) thì các chi tiết nhựa được nhập từ Thái Lan.

Tại các cửa hàng xe trên đường Hoàng Văn Thụ, những chiếc xe máy có những cái tên khá lạ, ví dụ như Cup Halim, Sirius Halim. Trong khi đó, Cup là tên của một dòng xe khá nổi tiếng của Honda trước đây và Sirius là một dòng xe của hãng Yamaha. Tại một cửa hàng trên đường này, các dòng xe trên được chào bán khoảng hơn 12 triệu đồng/chiếc. Nhân viên bán hàng quảng cáo rằng, xe này được ráp từ doanh nghiệp trong nước nhưng toàn bộ linh kiện là từ Hàn Quốc. Khi chúng tôi hỏi làm thế nào để biết thì anh này nói rằng… “cửa hàng đảm bảo”.

Đóng cửa hàng loạt

Các nhà sản xuất xe máy nước ngoài tuy gặp khó khăn, nhưng doanh nghiệp nội địa lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Một số doanh nghiệp do không đủ khả năng hoạt động đã phải đóng cửa, một số chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.

Từ năm 2010, theo thông tin từ Bộ Công Thương thì chỉ còn lại 10 doanh nghiệp lắp ráp xe máy nội địa từ con số 50 doanh nghiệp được cấp phép lắp ráp xe máy. Và cho đến thời điểm hiện tại, dù chưa có một báo cáo cụ thể nhưng ước tính số lượng doanh nghiệp còn trụ được chỉ có thể đếm trên một bàn tay!

Tại các tỉnh miền Nam, Công ty Shinhanco ở Vũng Tàu, Công ty Tây Đô ở Cần Thơ… một thời lừng lẫy về xe máy đã phải giải thể, đóng cửa nhà máy. Hiện thời, chỉ còn một vài doanh nghiệp ở phía Bắc vẫn đang duy trì dây chuyền lắp ráp xe máy và cũng đang ở tình trạng “sống dở, chết dở”. Bản thân Công ty Hoa Lâm một thời là nhà phân phối xe máy với một số nhãn hiệu xe máy uy tín như Kymco, Daelim… cũng phải thoái vốn ra khỏi liên doanh Hoa Lâm-Kymco. Hoa Lâm đã chuyển hướng sang đầu tư vào khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm-Shangrila và bệnh viện quốc tế Thành Đô. Hoa Lâm cũng sở hữu nhãn hiệu xe máy Halim (chuyển giao công nghệ động cơ Daelim Hàn Quốc) được lắp ráp trong nước trước đó.

Vào đầu năm 2014, Công ty Sufat Việt Nam, vẫn cố gắng ra mắt mẫu xe máy mới Win Indo với sự hợp tác của tập đoàn xe máy Indonesia PT Astra. Tuy nhiên, sau khi thông báo sẽ công bố mẫu xe máy mới vào đầu năm 2014, đến nay mẫu xe này vẫn chưa thể đưa ra thị trường. Theo bộ phận kinh doanh của Công ty Sufat Việt Nam thì mẫu xe Win Indo chỉ mới là dự án dự định triển khai của công ty. Hiện tại, công ty đang kinh doanh các mẫu xe máy lẫn xe đạp điện.

Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lắp ráp xe máy vẫn đang bán xe máy do công ty lắp ráp nhưng chủ yếu tập trung ở các vùng ven, tỉnh thành xa xôi ở khu vực phía Nam và một số thành phố ở khu vực phía Bắc. Ở các khu vực “nóng” như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng thì hầu như các loại xe máy nội địa không đủ sức cạnh tranh với dòng xe máy phổ thông của các hãng liên doanh với nước ngoài.

Chuyển hướng tìm đường thoát

Lĩnh vực xe máy không còn là miếng bánh dễ ăn, một số doanh nghiệp đã phải tìm cách triển khai các dự án lắp ráp xe hơi, xe tải, xe đạp điện… Lần lượt, các công ty như Đức Phương, Sufat Việt Nam đã chuyển qua lắp ráp các dòng sản phẩm khác. Ông Lại Minh Đạo, đại diện ban lãnh đạo Tập đoàn ô tô Đức Phương cho biết, giai đoạn 2006-2007 Đức Phương đã ngừng sản xuất xe máy và chuyển qua đầu tư sản xuất xe hơi, xe bốn bánh gắn động cơ thay thế xe công nông ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, số lượng xe hơi do Đức Phương lắp ráp hiện đang tồn kho khá nhiều, doanh nghiệp bán với giá thanh lý, giảm giá 1/2-1/3 giá vẫn không thể tiêu thụ được.

Đại diện một công ty lắp ráp xe máy ở khu vực phía Bắc cho biết, hiện tại các doanh nghiệp lắp ráp xe máy trong nước buộc lòng chuyển qua lắp ráp xe đạp điện để “kiếm sống”. Tuy nhiên, nguồn thu từ lắp ráp xe đạp điện hiện tại cũng chỉ tạm đủ để xoay xở nuôi sống đội ngũ cán bộ, công nhân viên.

Bản thân Tập đoàn Đức Phương khi chuyển qua lắp ráp xe đạp điện vào năm 2008 cũng không thể bán được xe. Vào thời điểm đó, người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen sử dụng xe đạp điện. Tại Công ty Sunfat Việt Nam, dự án mang tính “lối thoát” của họ là nhà máy sản xuất xe tải nhỏ và xe bán tải (khu công nghiệp Hưng Yên) đã “chấm dứt” vào giữa năm nay. Tình hình sản xuất, tiêu thụ xe máy vẫn liên tiếp gặp khó, Sufat Việt Nam đã bổ sung dây chuyền lắp ráp xe đạp điện.

Vào năm 2007, đại diện Hiệp hội Xe đạp, xe máy Việt Nam lúc đó đã tuyên bố rằng xe máy nội địa sẽ không chết yểu! Tuy nhiên, sau bảy năm, hầu hết các doanh nghiệp đã từng sản xuất, lắp ráp xe máy nội địa đã giương “cờ trắng” đầu hàng.

Thái Ngọc-Chí Thịnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mối lo từ việc sử dụng xe điện, xe xăng trong...

0
(SGTT) - Ngày 20-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội thông báo nguyên nhân gây cháy tại chung cư mini...

Điểm danh những thói quen gây hại khi đi xe tay...

0
(SGTT) - Xe tay ga ngày càng phổ biến vì tính tiện lợi, kiểu dáng thời trang, đặc biệt phù hợp với nữ giới....

Xe điện được quan tâm giữa mùa ‘bão giá’ xăng dầu

0
Hiện nay, nhiều người dân tại TPHCM đã và đang dần lựa chọn xe điện là phương tiện đi làm chính nhằm tiết kiệm...

Nhà cung cấp bugi hàng đầu Việt Nam có dịch vụ...

0
(SGTT) – Sáng 11-12, Công ty NGK Việt Nam tổ chức chương trình hướng dẫn xử lý bugi khi xe bị ngập nước và...

Nhiều vướng mắc về quy định thu hồi, tái chế xe...

0
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy kêu khó với quy định về tỷ lệ phải tái chế xe thải, trong khi...

Thị trường xe gắn máy ở Việt Nam đã bão hoà?

0
Lượng tiêu thụ xe máy ở Việt Nam giảm gần 17% trong năm 2020.Theo giới kinh doanh, sự sụt giảm này một phần do...

Kết nối