Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Xe điện ngoại lấn lướt xe điện nội

Thuỳ Dung-

Ghi nhận thực tế cho thấy, thị trường xe điện (xe đạp điện và xe máy điện) đang bị áp đảo bởi các thương hiệu nước ngoài với nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau. Những người trong ngành cho rằng sau một thời gian phát triển nóng, nhu cầu sử dụng xe điện sẽ giảm xuống do người dùng mất lòng tin vào các dòng xe điện nhập lậu giá rẻ, kém chất lượng.

xedien2Theo quy định, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký trước khi lăn bánh trên đường. Ảnh: Thùy Dung

Chủ yếu xe ngoại

Khác với thị trường xe gắn máy, nơi tập trung các hãng xe đến từ Nhật Bản hoặc các hãng xe lắp ráp trong nước, phân khúc xe điện lại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ghi nhận thực tế cho thấy, các dòng xe điện đang bán trên thị trường chủ yếu của các hãng xe như Giant, Xmen, Aima, Zoomer, Nijia… Bên cạnh đó còn có các mẫu xe do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nhưng chủ yếu dưới dạng nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp.

Một số chủ cửa hàng và doanh nghiệp cho biết, đối tượng khách hàng chính của họ là học sinh, sinh viên có độ tuổi từ 11 đến 18. Theo con số thống kê không chính thức của doanh nghiệp trong ngành, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 500.000 chiếc xe đạp điện. Đây là phân khúc thị trường còn nhiều tiềm năng, song lúc này nó gần như đang thuộc về tay các hãng xe nước ngoài.

Về mặt giá cả, xe lắp ráp trong nước có phần đắt hơn từ 2-3 triệu đồng/chiếc so với xe Trung Quốc, ngược lại có chế độ bảo hành tốt hơn. Nếu như xe Trung Quốc chỉ được bảo hành tối đa một năm thì xe Việt Nam bảo hành lên tới ba năm với nhiều chính sách hậu mãi tốt hơn so với xe Trung Quốc.

Hàng năm, cứ đến thời điểm học sinh đi học là các cửa hàng bán xe điện bước vào mùa cao điểm. Ở một số nơi, các cửa hàng xe đạp và xe máy điện đồng loạt giảm giá bán từ 1-2 triệu đồng/chiếc hoặc khuyến mãi mũ bảo hiểm, miễn phí vận chuyển nội thành dưới 30 km.

Chẳng hạn, tại cửa hàng xe điện Việt Thanh ở Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội, các loại xe máy điện đều giảm từ 1-2 triệu đồng/chiếc, tùy kiểu dáng. Giá xe máy điện của hãng Giant dao động từ 6,8 đến 15 triệu đồng/chiếc, còn xe máy điện Xmen có giá từ 12-15 triệu đồng/chiếc.

Riêng xe máy điện Aima có thiết kế khá giống với các loại xe chạy xăng như Vespa, Honda. Do vậy, dòng xe này phù hợp với tuổi “teen”. Những mẫu xe của hãng này có giá bán từ 12-16 triệu đồng/chiếc. Còn các dòng xe khác như Zoomer, Nijia có giá bán dao động trong khoảng 12-16 triệu đồng/chiếc.

Tại chuỗi cửa hàng Thế giới xe điện (có một cửa hàng tại quận Gò Vấp, TP HCM), các mẫu xe đạp điện thường có giá thấp hơn khoảng 2-5 triệu đồng so với xe máy điện. Với mỗi hãng xe, giá bán khác nhau tùy vào độ bền của bình ắc quy và kiểu dáng thiết kế. Xe đạp điện tại cửa hàng này có giá bán bình quân 10 triệu đồng/chiếc, còn xe máy điện có giá từ 13-16 triệu đồng/chiếc.

Pega là một trong số ít thương hiệu xe điện được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, thương hiệu này cho ra thị trường bốn mẫu xe mới gồm Zinger Color 3, Cap-A 3, Crazy Bull 2 và Trans với giá bán dao động trong khoảng 10-14 triệu đồng đối với xe đạp điện và từ 14-17 triệu đồng đối với xe máy điện. Nếu so về giá, xe điện của Pega đắt hơn xe điện của Trung Quốc từ 2-3 triệu đồng/chiếc, nhưng đổi lại công ty này đặt trọng tâm vào khâu hậu mãi và chất lượng sản phẩm với chế độ bảo hành bình ắc quy lên đến ba năm.

Ông Lê Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe điện toàn cầu Pega LTT, trong năm 2017 này, Pega sẽ cho ra thị trường các dòng xe made in Vietnam với tỷ lệ nội địa hoá khoảng 35% tính theo số lượng linh kiện hay 85% tính theo giá trị linh kiện. Các đối tác sản xuất linh kiện nội địa của Pega là các nhà sản xuất linh kiện của Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan.

Hiện nay, Pega đang nghiên cứu và sẽ ra mắt dòng sản phẩm hướng tới đối tượng khách hàng là nữ nhân viên văn phòng. Thiết kế của dòng xe này sẽ có cốp xe rộng, kiểu dáng bắt mắt. Sản phẩm mới này sẽ được tích hợp khoảng 30 tính năng thông minh như định vị, theo dõi tình trạng xe thông qua smartphone… Dự kiến đến đầu năm 2018, Pega sẽ chính thức tung ra thị trường loại xe điện này.

 [box] “Thị trường xe điện sẽ giảm mạnh trước thực trạng xe điện nhập lậu có chất lượng kém khiến người tiêu dùng mất lòng tin. Tuy nhiên, dự kiến trong 3-5 năm tới, thị trường xe điện sẽ khởi sắc trở lại khi thị trường đã sàng lọc bớt những sản phẩm kém chất lượng, thay vào đó là những chiếc xe ứng dụng công nghệ và có chế độ hậu mãi tốt”. Ông Lê Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe điện toàn cầu Pega LTT [/box]  

Nhu cầu sẽ giảm

Theo những người làm trong ngành xe điện, ưu điểm của xe điện là tiết kiệm nhiên liệu hơn gấp nhiều lần so với xe chạy xăng, không gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn, qua đó bảo vệ sức khoẻ của người sử dụng như không trực tiếp tiếp xúc với mùi xăng độc hại…

Tuy nhiên, dùng xe điện cũng có bất cập, chẳng hạn như không phù hợp với những người cần di chuyển nhiều, thời gian sạc điện khá dài, từ 6-8 tiếng. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa phổ biến các trạm sạc điện công cộng.

Một bất tiện nữa đối với những người ở chung cư là sạc bình điện nếu dưới hầm gửi xe không có ổ cắm điện. Việc tháo và lắp bình ắc quy khá phức tạp, đặc biệt với xe máy điện. Hơn nữa, bình ắc quy các loại xe này rất nặng nên việc mang lên nhà để sạc là không khả thi, nhất là đối với nữ.

Với xe đạp điện, người dùng không cần phải đăng ký biển số và không cần đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đối với xe máy điện, người dùng phải đăng ký như xe máy chạy xăng bình thường, với phí làm biển số khoảng 1,5 triệu đồng/chiếc.

Những người trong ngành cho biết, hiện nay, các sản phẩm xe đạp điện Việt Nam đang phải cạnh tranh với những dòng xe điện kém chất lượng từ Trung Quốc. Nhiều xe có chất lượng kém, cộng với xe nhập lậu đang kéo giá xe điện kéo xuống thấp, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến những doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, do xe điện mới bắt đầu phát triển nên Chính phủ chưa có những động thái hỗ trợ các doanh nghiệp muốn phát triển dòng xe này.

Nói về nhu cầu xe điện trong thời gian tới, ông Long của Pega dự báo thị trường xe điện có sẽ giảm mạnh trước thực trạng xe điện nhập lậu có chất lượng kém khiến người tiêu dùng mất lòng tin. Tuy nhiên, dự kiến trong 3-5 năm tới, thị trường xe điện sẽ khởi sắc trở lại khi thị trường đã sàng lọc bớt những sản phẩm kém chất lượng, thay vào đó là những chiếc xe ứng dụng công nghệ và có chế độ hậu mãi tốt.

1E2A7536Khách hàng chính của xe điện là học sinh, sinh viên và những người lớn tuổi.  Ảnh: Thành Hoa

[box] Xe máy điện phải đăng ký

Nghị định 46/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1-8-2016, quy định xe đạp điện là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không vượt quá 25 km/giờ và khi tắt máy thì đạp xe đi được. Xe đạp điện không phải thực hiện đăng ký xe, không phải đăng ký biển số.

Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) bắt buộc phải đăng ký trước khi lăn bánh trên đường.

Về thủ tục khi đi đăng ký biển số xe máy-mô tô điện, người dân có thể đến các đội quản lý xe tại công an quận, huyện nơi cư trú để làm thủ tục.

Các giấy tờ khi đi đăng ký gồm: giấy khai đăng ký xe máy-mô tô điện (theo mẫu); bản photocopy sổ hộ khẩu (đối với trường hợp chủ xe là cá nhân); giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức (đối với trường hợp chủ xe là cơ quan, tổ chức). Người đi đăng ký cần xuất trình chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của người đến đăng ký xe; trường hợp chủ xe là cá nhân phải xuất trình thêm bản chính sổ hộ khẩu để đối chiếu.

Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe sẽ giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ xe.

Người sử dụng xe máy điện và mô tô điện nếu không đăng ký, không đeo biển số khi đi trên đường sẽ bị xử phạt từ 300.000-400.000 đồng/lần vi phạm.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong số những xe chạy điện đang được sử dụng hiện nay, xe máy điện chiếm 70%, còn xe đạp điện chiếm 30%.

Số xe máy điện tăng là do loại xe này không tốn tiền mua xăng, không cần giấy phép lái xe. Với số tiền trên dưới 10 triệu đồng, một người có thể mua một chiếc xe điện với tốc độ chạy tương đương với một chiếc xe máy. Vài năm trở lại đây, xe máy điện trở thành phương tiện phổ biến của học sinh phổ thông và người lớn tuổi ở các thành phố.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, loại xe này đang bộc lộ những hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do trọng lượng xe nhẹ, khi chạy trên đường bằng phẳng như đường đô thị có thể đạt vận tốc 40-45 km/giờ nên rất dễ gây tai nạn khi va chạm nhẹ.

Trong khi đó, người sử dụng loại xe này chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh. Tâm sinh lý của lứa tuổi này là thích mạo hiểm, tìm kiếm sự phấn khích, cảm giác mạnh, trong khi nhận thức về luật giao thông còn hạn chế, chưa hình thành được thói quen chấp hành giao thông. Trên thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe máy điện. Anh Quân [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối