Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Vẫn khó đòi quyền lợi người tiêu dùng

Vũ Yến –

Ngày 15-3 hàng năm là Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng theo nhiều người, việc có một ngày như thế cũng chỉ mang ý nghĩa biểu trưng. Điều họ quan tâm là thực tế hiện nay quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng vẫn còn bị xâm phạm.

Khiếu nại cũng chẳng được gì

IMG_1706 Người tiêu dùng cần được bảo vệ quyền sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng. Trong ảnh, người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở TPHCM.

Chị Nguyễn Mai ở quận Thủ Đức, TPHCM kể rằng khoảng cuối năm 2016 chị gặp sự cố với gói nui của một nhà sản xuất trong nước được mua tại cửa hàng thực phẩm gần nhà. Mặc dù hạn sử dụng vẫn còn nhưng sau khi nấu lên, ăn thử thì thấy rất chua.

Theo chị Mai, sau khi biết thông tin đại diện nhà sản xuất và nhà phân phối đã tới gặp chị. “Họ giải thích, cho tôi xem mọi giấy tờ xác nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Họ cũng khẳng định họ không làm sai, việc nui tôi nấu bị chua cũng có thể chỉ là cảm nhận mà thôi chứ không thực hiện xét nghiệm, kiểm tra. Tất nhiên, họ có đền bù cho tôi bằng những sản phẩm khác nhưng sau đó niềm tin của tôi về sản phẩm, về cửa hàng thực phẩm tiện lợi đó cũng không còn như ban đầu”, chị Mai nói.

Chị Hà Linh, cũng ở quận Thủ Đức, cho biết chị từng mua phải sản phẩm kim chi có mùi thối ở một siêu thị. Theo chị, có thể do nguyên liệu làm kim chi không được lựa chọn kỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi có khiếu nại, phản ánh với siêu thị hay một tổ chức nào không thì chị Hà Linh cho rằng phản ánh cũng không giải quyết được gì, lại tốn thời gian, nên thôi.

Chị Nguyễn Mai, người được nhắc đến ở trên, cho biết, cũng tại cửa hàng thực phẩm tiện lợi đã mua phải gói nui có mùi chua, mới đây chị chứng kiến cảnh nhân viên bóc tem niêm yết cũ trên gói thực phẩm tươi sống và dán chồng lên đó tem mới có hạn sử dụng sản phẩm của ngày hôm sau. Và lần này, chị đã từ chối gặp đại diện phía cửa hàng thực phẩm để trao đổi thông tin. Chị cho rằng, gặp cũng không giải quyết được vấn đề, tốn thời gian. Sau hai sự việc này, chị đã quyết định không làm khách hàng thân thiết của cửa hàng đó nữa.

“Mong muốn lớn nhất của người tiêu dùng với sản phẩm chính là chất lượng. Nếu có sự cố xảy ra thì mong đợi nhà sản xuất, nhà phân phối đối thoại một cách thành thật, có thiện chí, có lời xin lỗi. Khi niềm tin vào chất lượng sản phẩm không còn, tất yếu tôi sẽ không mua hàng ở dịa chỉ đó nữa”, chị Mai nói.

Trên thực tế, câu chuyện của chị Mai, chị Linh không phải là cá biệt về việc quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm. Rất nhiều người gặp trường hợp tương tự nhưng vì không muốn tốn thời gian, vì nghĩ giá trị món hàng không lớn, có phản ánh cũng không giải quyết được gì, nên bỏ qua.

[box type=”info”] Báo cáo về công tác tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trong năm 2016 của Cục Quản lý cạnh tranh mới đây cho biết, năm 2016 ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục Quản lý cạnh tranh nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (237 trường hợp, chiếm khoảng 19,86%); nhóm điện thoại, viễn thông (166 trường hợp, chiếm 13,91%) đứng thứ hai; nhóm đồ điện tử gia dụng (136 trường hợp, chiếm 11,4%) đứng thứ ba.[/box]

Chế tài chưa đủ mạnh

Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho biết hiện nay quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm phổ biến, và ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng.

Theo ông Phong, các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực tế vẫn diễn ra, các biện pháp xử lý về mặt pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn được thi hành, tuy nhiên, kết quả vẫn không như mong đợi.

“Theo tôi, các biện pháp xử lý, xử phạt, chế tài đối với các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng chưa đủ mạnh”, ông Phong nói.

Đề cập tới vai trò của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Phong cho rằng gọi tên tưởng to tát nhưng thực ra hội cũng chỉ là một tổ chức xã hội. Nhiệm vụ, vai trò của hội chỉ là vận động, tuyên truyền cho người tiêu dùng; góp ý với các cơ quan nhà nước để việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn. Hội cũng có thể đại diện pháp luật cho người tiêu dùng để tham gia quá trình khởi kiện nếu người tiêu dùng yêu cầu…

Tuy nhiên, ông Phong nói, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của hội gặp khó khăn do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực… Vì vậy, thông thường, trong trường hợp người tiêu dùng gặp vấn đề với sản phẩm, họ phản ánh với hội, hội sẽ tiếp nhận, lắng nghe người tiêu dùng trình bày sự việc, ghi nhận thông tin. Sau đó, tùy theo yêu cầu của người tiêu dùng, hội sẽ mời đại diện doanh nghiệp sản xuất hoặc cơ sở đã bán sản phẩm tới để hai bên gặp gỡ, trao đổi cụ thể về biện pháp đền bù, giải quyết thiệt hại cho người tiêu dùng.

Hội có vai trò làm cầu nối, hòa giải giữa hai bên. Nếu cuộc hòa giải không thành, hội có thể gửi văn bản tới các cơ quan chức năng, chẳng hạn như Sở Công Thương để xin ý kiến. Với những sản phẩm có giá trị lớn, hội sẽ tư vấn hay đại diện cho người tiêu dùng nộp đơn khởi kiện.

“Để quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo thì cần sự chung tay của cơ quan như Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và chính người tiêu dùng. Hỏi đến khi nào quyền lợi của người tiêu dùng không bị xâm phạm là một câu hỏi khó và để đạt được điều đó phải có một quá trình rất lâu dài”, ông Phong nói thêm.

Đứng ở góc độ nhà sản xuất, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food (Saigon Food), cho rằng thực tế không ít doanh nghiệp đã vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ quên, thậm chí vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Theo bà, phải hiểu rằng sự sống còn, phát triển của doanh nghiệp nằm trong tay người tiêu dùng. Chỉ khi người tiêu dùng tin cậy, tin dùng sản phẩm thì doanh nghiệp ấy mới tồn tại và phát triển. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng chính là bảo vệ, giữ vững sự phát triển của doanh nghiệp.

Bà Lâm cũng cho rằng, ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm sản xuất, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng còn thể hiện ở công tác chăm sóc khách hàng, hậu mãi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối