Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Ươm mầm sự tử tế

Trung Chánh

Xu hướng nông nghiệp sạch, thông qua mô hình chứng nhận hữu cơ đảm bảo các bên cùng tham gia (PGS – Participatory Guarantee Systems), đã đưa cô gái người Nhật Bản Indo Mayu đến Việt Nam. Tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, Indo Mayu — người sáng lập Tổ chức Từ hạt giống đến bàn ăn (from seed to table) — đã làm việc với một nhóm hộ nông dân, giúp họ sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường, với cuộc sống của những người xung quanh.

Xua tan những nghi ngại

Dưới góc nhìn của một người bi quan, nhịp sống hiện đại sao khác xưa nhiều quá. Nó ngổn ngang nhiều chuyện, đầy rẫy sự vô cảm, thậm chí là tàn ác trong lối sống ích kỷ của nhiều người. Vì lợi ích cá nhân, người ta sẵn sàng hủy hoại môi trường, chẳng ngại chặt phá rừng và cũng vô tư khi lấn sông chiếm đất. Có người còn xem nhẹ tính mạng của người khác, sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, nếu không muốn nói là độc hại.

Song nếu bình tâm hơn, nhìn lại xung quanh thấy cuộc sống vẫn đẹp, vẫn có nhiều người sống dấn thân vì công đồng và môi trường. Sự tử tế vẫn len lỏi đâu đó trong ngóc ngách của đời sống thông qua những hành động tưởng chừng rất bình thường. Chẳng hạn như công việc của cô gái Nhật Indo Mayu đang làm.

Mayu kể, chị đến Việt Nam với kế hoạch sẽ thực hiện ba dự án, bao gồm giáo dục môi trường, phát triển nông nghiệp hữu cơ và chương trình cải thiện sinh kế cho hộ nghèo. Trong khuôn khổ trang báo xuân, bài viết này chỉ đề cập đến câu chuyện phát triển nông nghiệp hữu cơ theo mô hình PGS.

Những nông dân như bà Hồng ở Bình Đại, Bến Tre, đã áp dụng mô hình PGS để làm ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn. Ảnh: Lư Thế Nhã

Hiểu một cách đơn giản, PGS là công cụ quản lý, giám sát chất lượng và cấp chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp do những nhóm hộ nông dân sản xuất ra, mà cụ thể ở đây là nông dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Cả hệ thống (gồm nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng, ban điều hành PGS) sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn từ sản xuất đến người tiêu dùng.

Chị Mayu cho biết, hiện nay ở Việt Nam có nhiều phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ và cũng có nhiều đơn vị cấp chứng nhận với chi phí có thể đến cả ngàn đô la Mỹ. Nhưng với PGS, nông dân sẽ không mất quá nhiều tiền để được chứng nhận, tất cả chỉ là đóng góp tượng trưng, khoảng 100 đồng/10 kg sản phẩm nông dân sản xuất và bán ra. Khoản đóng góp này giúp vận hành ban quản lý PGS.

“Ở đây, chúng tôi không đặt nặng vấn đề thu tiền chứng nhận, mà trọng tâm là làm sao phát huy được tính cộng đồng, tức là tất cả mọi người, không chỉ là doanh nghiệp, nông dân, mà có thể có cả chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ cùng tham gia để cùng nhau xây dựng một chuỗi giá trị tử tế, từ sản xuất đến tiêu dùng”, chị Mayu chia sẻ.

Một khi có nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể cùng tham gia, giám sát trong quá trình sản xuất, sản phẩm làm ra có sự khác biệt. Khi đưa ra thị trường, mức độ tin tưởng của người tiêu dùng vào sản phẩm đó cũng cao hơn các loại khác. Theo chị Mayu, đây cũng là cách hóa giải những nghi ngại trong lòng người tiêu dùng khi các chứng nhận về an toàn sản phẩm có thể được cấp rất dễ dàng.

Nhân rộng mô hình

Khi được hỏi về quy trình chứng nhận hữu cơ trong PGS, chị Mayu cho biết, một khi đã tham gia, bà con nông dân sẽ được huấn luyện cách ghi chép nhật ký như thế nào, phải tuân thủ quy trình kỹ thuật ra sao. Và khi có đủ 5-6 hộ nông dân quan tâm, họ sẽ thành lập một nhóm và đăng ký tại hệ thống PGS.

Sau bước đăng ký thành lập nhóm, tức nông dân đã cam kết thực hiện, dự án sẽ hỗ trợ xét nghiệm mẫu đất và nguồn nước tưới nhằm xác định điều kiện sản xuất có bảo đảm hay không, chỗ nào nông dân cần phải cải tiến. Sau đó, ban quản lý PGS sẽ tập huấn cho nhóm. Thông thường sẽ có khoảng 17 lớp nói về nhiều vấn đề, từ nông nghiệp hữu cơ là gì? hệ sinh thái như thế nào? nuôi côn trùng vòng đời phát triển ra sao? tại sao lại cần nông nghiệp hữu cơ? can thiệp hay quản lý vườn hài hòa với thiên nhiên như thế nào cộng thêm các kỹ thuật trồng rau hữu cơ…

“Sau khi bà con đi vào thực hiện trên thực tế khoảng sáu tháng, hệ thống PGS sẽ tiến hành thanh tra. Nếu nhóm tuân thủ theo tiêu chuẩn của PGS đưa ra thì đồng ý cho chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn PGS”, chị Mayu cho biết.

Từ thời điểm ban quản lý PGS quyết định cho chuyển đổi, sản phẩm sản xuất ra sẽ được mang logo PGS trên bao bì với nội dung “rau chuyển đổi của hệ thống PGS”. Theo định kỳ sáu tháng một lần, ban quan lý hệ thống sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu vườn rau vẫn tuân thủ theo tiêu chuẩn PGS, vẫn làm tốt thì được cấp chứng nhận hữu cơ.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, nếu thời tiết có diễn biến bất lợi, nguy cơ sâu bệnh cao, ban quản lý hệ thống PGS sẽ giám sát đột xuất. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy trình kỹ thuật của PGS, sản phẩm đó sẽ bị loại.

“Như đã nói, hệ thống có cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức cùng tham gia nên khi đến thăm vườn họ không chỉ xem cách ủ phân thế nào, chăm sóc ra sao, đóng gói sơ chế như thế nào… mà kiểm tra, giám sát luôn”, chị Mayu cho biết.

Đối tượng mà dự án hướng tới là nông dân nghèo, những người có quy mô sản xuất nhỏ. Theo chị Mayu, những người này cần được hỗ trợ nhiều thứ, chứ không phải chỉ mỗi vốn. “Họ cần được nâng cao năng lực, được tiếp cận nhiều thông tin để có thể thay đổi suy nghĩ trong cách làm và có thể phát hiện ra chỗ cần phải thay đổi, nhưng họ lại không có cơ hội học hỏi để thay đổi”, chị Mayu giải thích.

Điều quan trọng nhất thông qua dự án này, theo chị Mayu, là mong muốn đóng góp một cái gì “nhỏ nhỏ” cho xã hội Việt Nam, muốn nhân rộng mô hình ra trong cộng đồng để mọi người chú ý hơn, quan tâm hơn một chút về sản xuất sạch, có trách nhiệm với môi trường, với xã hội và với chính bản thân người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm.

Thực ra, mô hình PGS được hình thành và phát triển tại Brazil chứ không phải Nhật Bản. Hiện nay, mô hình này đang được áp dụng tại Ấn Độ và Việt Nam. Chị Mayu cho biết, ở Nhật, người sản xuất làm quen với nhóm người tiêu dùng, họ lo cho sức khỏe, sở thích của người tiêu dùng. Còn người tiêu dùng thì không đòi hỏi, tức nhà sản xuất cung cấp cho họ rau gì, củ gì, thì họ chấp nhận, miễn là đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng. Nói cách khác, một khi người sản xuất tạo được niềm tin ở người tiêu dùng thông qua chất lượng sản phẩm thì không cần thiết phải có chứng nhận này, chứng nhận kia.

Chị Mayu cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, khi người nông dân đã thật sự làm tử tế, dám cam kết chất lượng sản phẩm làm ra và được người tiêu dùng tin tưởng thì có lẽ sẽ chẳng cần bất cứ một loại giấy tờ chứng nhận nào. “Tại Việt Nam, hy vọng trong vài năm tới, những người đang hy sinh làm việc tử tế sẽ gặt hái được thành quả. Lúc đó, hình thức sản xuất dựa trên sự tin cậy sẽ được phổ biến hơn”, chị Mayu nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối