Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Từ mơ ước của một cậu học trò

BA HARIN –

Tuần qua, trong màn tự giới thiệu của chương trình Đường lên đỉnh Olympia trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV), có cậu học trò ở Hà Tĩnh nói về ước mơ của mình rằng: được sống trong một môi trường tốt đẹp, có vợ đẹp con ngoan. Nhiều khán giả ồ lên cười khi ý tưởng đó được đưa ra từ một cậu học trò lớp 12…

Người dẫn chương trình hỏi, môi trường tốt đẹp là gì? Cậu học trò giải thích, đó là môi trường trong lành, đem lại bình an cho con người. Người dẫn chương trình lại hỏi, vợ đẹp là gì? Tác giả ước mơ kia cười thật thà giải thích, đại ý là đẹp cả tâm hồn lẫn ngoại hình; là người yêu thương ta và được ta yêu thương, để cùng ta đi suốt cuộc đời.

Cả hội trường lại cười ồ lên. Có lẽ lần đầu tiên có ước mơ về một gia đình tương lai được diễn giải rõ ràng như thế ở một cuộc thi kiến thức dành cho học trò phổ thông trung học, được coi là sân chơi trí tuệ và nghiêm túc cho học sinh Việt Nam, nơi mà những ước mơ của người chơi thường được gói gọn quen thuộc trong chuyện học hành, thành đạt, trở thành ông nọ bà kia, làm người có ích hay chí ít là thoát khỏi cái nghèo.

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.

Thế mà có một cậu học trò lại đưa ra viễn cảnh về một mái ấm lý tưởng trong tương lai. Tại sao không, khi điều đó hoàn toàn chính đáng và thành thật, cứu cánh mà ai cũng hướng tới! Điều thú vị là VTV đã không biên tập, lược bỏ đoạn này, cho thấy sự nghiêm túc của những người làm một chương trình mang tính giải trí và khoa giáo đúng nghĩa.

Thật vậy, trong điều kiện sống mà rất nhiều vấn đề thân thuộc của con người cứ bị đưa vào “thể loại nhạy cảm”, trong khi thực tế đôi khi lại “trật đường ray” đến khó lòng xử lý, thì rất cần đến những điều kiện để bộc bạch và đối thoại chân thành.

Chuyện tuổi yêu học trò ngày càng sớm hơn trước đang bị lên án một cách nặng nề. Nhiều cha mẹ xót lòng khi thấy con cái mình mới bước vào cấp 2 đã dò hỏi chuyện yêu đương thế nào, làm sao để chinh phục bạn gái hay thậm chí, làm sao để không bị có bầu… thì bối rối, choáng váng, lo âu và chỉ vì không giải thích được mọi chuyện với con một cách công khai, đầy đủ, đúng đắn, đã đi đến cấm đoán, thậm chí quy chụp con là hư hỏng, là thiếu nghiêm túc.

Ở nhà trường, tri thức về giới, tâm lý học hay tình dục học không được phổ biến một cách chính thức để giúp người học vào đời một cách chủ động. Sự giáo điều ở người lớn đang khiến cho rất nhiều học sinh ngày nay chơi vơi, nhiều em phải trả giá quá đắt cho những trải nghiệm hay khám phá đầu đời của mình. Trong đó, có cả những chuyện hành xử trong đời sống tình cảm, nếu không được người lớn có hiểu biết và từng trải “cố vấn”, rất nhiều hệ lụy xấu có thể xảy ra. Chuyện thất tình thì đi đoạt mạng người để trả thù, bị từ chối tình cảm thì tung hình ảnh riêng tư bí mật của nhau lên mạng như một hình thức khủng bố, chuyện người trẻ lệch lạc, thiếu vắng kỹ năng và bản lĩnh đối diện với những vết thương tình cảm… đã diễn ra khá nhiều trong thời gian qua. Mấu chốt một phần nằm ở đạo đức xã hội, nhưng phần lớn hơn, là nằm ở văn hóa gia đình hay môi trường giáo dục nói chung.

Một khi mọi chuyện được đối thoại công khai, được trang bị và hướng dẫn rõ ràng, không bị coi là “nhạy cảm”, không bị giấu dưới lớp vỏ mờ ám “nan giải”, không bị bỏ mặc, thì sẽ tránh được rất nhiều hệ lụy về sau.

Sự thiếu sẻ chia đang diễn ra ở nhiều cấp độ, ở nhà trường, gia đình, xã hội, truyền thông… Những tiếng nói đầy lúng túng hay hoang mang được đưa ra và không tìm thấy những phản hồi. Nên việc chia sẻ, đặc biệt là chia sẻ từ phía những người thân trong gia đình về đời sống tình cảm đang cần thiết biết bao.

Hãy tưởng tượng rằng, cha mẹ cậu học trò lớp 12 ở Hà Tĩnh khi nghe con mình nói về mơ ước trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia sẽ nghĩ gì? Theo thói thường, thì hoặc là phì cười vì đó là chuyện con nít, không nghiêm túc, hoặc là sẽ lấy lời đạo mạo quen thuộc mà khuyên: Thôi, lo học hành đi, yêu đương vợ con gì cho khổ thân.

Nhưng điều thú vị là, ở đâu đó, những điều ước như thế vẫn có sức sống, nếu không được nói ra, thì cũng tiềm ẩn thật mạnh mẽ trong thâm tâm những con người đang lớn, đang trưởng thành. Cái cơ chế tâm lý tự nhiên đó đã đến lúc phải được hiểu và được coi trọng để vun đắp một cách tốt đẹp nhất. Một khát vọng, động lực sống tốt đẹp sẽ giúp người ta mạnh mẽ bước vào đời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Cối xay gió’ của một thầy giáo dạy văn

0
(SGTT) -  Bộ phim “Thầy dạy thay” cho thấy cuộc chiến đơn độc của một thầy giáo dạy văn trong thời hiện đại. Cuộc...

Khởi động chương trình thể thao vì cộng đồng cho thanh...

0
(SGTT) – Để khuyến khích học sinh, sinh viên, người yếu thế xây dựng thói quen vận động, tập luyện và tiếp cận được...

Rối ren ngay từ phụ huynh!

0
(SGTT) - Năm học mới bắt đầu. Cuộc họp phụ huynh bao giờ cũng đầy kịch tính. Nhưng kịch tính dù có cao trào...

Thế giới riêng: Nhiều kết nối, nhiều ảo tưởng

0
(SGTT) - Ngày nay, khung cảnh sum vầy của bữa ăn gia đình Việt Nam đã bị công nghệ tước đi một cách dễ...

TPHCM: Học sinh tiểu học thay đổi giờ đến lớp, sớm...

0
Trong năm học 2023-2024, đối với các lớp học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, thời gian vào tiết đầu tiên của buổi sáng...

Trao 1.000 phần quà trị giá 400 triệu đồng cho học...

0
(SGTT) - Nhân dịp chào đón năm học mới 2023-2024, Chi hội Doanh nhân trẻ TP Dĩ An thuộc Hội Doanh nhân trẻ Bình...

Kết nối