Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Người nuôi nhỏ lúng túng chuyện đeo vòng

Vũ Yến – 

Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã triển khai được bốn tháng nhưng phần lớn người chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện suôn sẻ, và tạm thời Sở Công Thương TPHCM đồng ý để thương lái đeo vòng nhận diện cho heo. Hiện xảy ra tình trạng thương lái đeo vòng một cách đối phó, thậm chí ép người chăn nuôi chịu chi phí mua vòng nhận diện với giá cao.

Người chăn nuôi nhỏ kêu khó

IMG_2741Việc đeo vòng nhận diện cho heo giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm thịt này.  Ảnh: Thành Hoa

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn thì việc triển khai đeo vòng nhận diện cho heo để truy xuất nguồn gốc khá suôn sẻ. Tuy nhiên, với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc này gặp khó khăn. Họ hầu như không tự đeo vòng nhận diện cho heo, mặc dù đã được Sở Công Thương TPHCM hỗ trợ 50% chi phí.

Những khó khăn gặp phải là người dân chỉ chăn nuôi quy mô khoảng 20 con/hộ; mỗi tháng chỉ xuất bán một lần; lại phải trang bị thiết bị, điện thoại thông minh; khả năng, trình độ tiếp cận kỹ thuật để cập nhật thông tin bị hạn chế…

Do vậy, để bán được heo có đeo vòng nhận diện vào TPHCM người chăn nuôi để thương lái tự đeo vòng nhận diện sau khi thỏa thuận giá bán. Tuy nhiên, tại Long An, chi phí đeo vòng nhận diện cho mỗi con heo (bao gồm chi phí vòng nhận diện và công đeo) mà thương lái yêu cầu người chăn nuôi phải trả khá cao. Giá thấp nhất là 20.000 đồng/con. Thậm chí, có nơi thương lái yêu cầu người chăn nuôi phải chịu chi phí 50.000 đồng/con. Trong khi đó, giá mỗi vòng nhận diện của đề án chỉ 3.000 đồng.

“Đó là chưa kể việc thương lái đeo vòng cho heo không đúng, khiến chân heo bị bầm tím, bị hư, không thể xuất bán. Lúc này thương lái cắt bỏ phần chân heo đó, tính ra ký lô, trả lại cho người chăn nuôi và trừ trực tiếp vào tiền mua heo”, bà Khanh nói.

Tại buổi làm việc giữa Sở Công Thương TPHCM và Sở Công Thương Đồng Nai vào ngày 9-5, bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, cho biết ngoài các trang trại có quy mô lớn, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, thì chủ yếu lượng heo được nuôi nhỏ lẻ trong dân. Tại tỉnh này, người chăn nuôi muốn bán heo cho thương lái thì phải chịu thêm chi phí 10.000 đồng/con để thương lái đeo vòng nhận diện. Chi phí 10.000 đồng này bao gồm tiền vòng nhận diện 6.000 đồng/con cộng thêm 4.000 đồng công đeo.

“Mặc dù TPHCM có hỗ trợ 50% chi phí đeo vòng nhận diện cho người chăn nuôi nhưng số lượng hộ được hưởng rất ít. Bà con chăn nuôi muốn bán thì phải chấp nhận chi phí đeo vòng nhận diện do thương lái đưa ra. Giá này là do thương lái tự quyết. Ngoài ra, theo phản ánh của người chăn nuôi có tình trạng thương lái đeo vòng nhận diện của trại này cho heo của trại khác nên việc truy xuất nguồn gốc sẽ không chính xác”, bà Hằng nói thêm.

Trước đó, tại buổi sơ kết đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại TPHCM diễn ra hôm 5-5, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM, cho biết sau bốn tháng triển khai thực tế chỉ có 45% số heo đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin, hơn 50% số heo còn lại đeo vòng chỉ để đối phó.

Theo ông Phát, hiện Chi cục Thú y mới chỉ lập biên bản, nhắc nhở chứ không thể xử phạt hành chính bởi đề án chưa có quy định về xử phạt. Về cơ bản, khi thương lái hay người bán đưa ra giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật thì dù heo không đeo vòng nhận diện Chi cục Thú y cũng không thể không cho vào chợ.

Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Hóc Môn, cho biết khi triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo ở chợ, 100% tiểu thương đều tuân thủ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở thương lái. Ban quản lý chợ không quản lý thương lái. Tình trạng thương lái đối phó, mua và đeo vòng nhận diện cho heo nhưng không kích hoạt, không nhập thông tin thường xuyên xảy ra.

“Hiện tại, mỗi ngày có 5.500-5.700 con heo về chợ, tăng 500-700 con so với trước đây. Chỉ có khoảng 49-50% trong số này đeo vòng và chỉ có 20% vòng có kích hoạt”, ông Tiển cho biết.

Sẽ tập huấn  cho người chăn nuôi

Tại cuộc họp báo quí 1 do Sở Công Thương TPHCM tổ chức hồi tháng 4, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại của sở, cho biết, mặc dù theo kế hoạch ban đầu của đề án, người chăn nuôi phải là người thực hiện đeo vòng nhận diện khi xuất bán heo, tuy nhiên, ở thời điểm này, các thương lái được quyền đeo vòng nhận diện cho heo. Sở dĩ Sở Công Thương TPHCM có sự thay đổi là bởi việc truy xuất hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, người chăn nuôi chưa biết cách hoặc chưa tự truy xuất đeo vòng nên phải chấp nhận để thương lái đeo vòng nhận diện cho heo. Điều kiện bắt buộc đối với thương lái là phải khai thông tin mua heo từ trại nào.

Cũng theo ông Phương, khi nào hệ thống quản lý hoàn thiện, người chăn nuôi đã được phổ biến, hướng dẫn mọi cách thức cũng như quy trình kích hoạt vòng đeo, họ sẽ phải là người thực hiện khâu đeo vòng nhận diện cho heo chứ không phải để thương lái đeo như hiện nay.

Để tránh tình trạng thương lái đeo vòng nhận diện nhưng không có thông tin, Sở Công Thương đã kiến nghị với UBND TPHCM và thống nhất với các tỉnh áp dụng đồng bộ quy định cơ quan thú y kiên quyết không cho xuất heo mảnh không có thông tin truy xuất nguồn gốc trên vòng nhận diện/vòng niêm phong xe để đưa vào thành phố. Đồng thời áp dụng quy định này tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn cũng như các chợ lẻ, tức không cho nhập vào chợ.

“Để đạt được những kết quả tốt hơn cần sự kiên trì, dần dần từng bước. Trong tình trạng giá heo giảm, lượng heo tồn nhiều như hiện nay mà siết chặt quá thì người thiệt hại đầu tiên chính là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ”, ông Phương nói.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết sắp tới sở sẽ mở 11 lớp để huấn luyện, tập huấn cho người chăn nuôi, trang trại giết mổ và cả thương lái kiến thức về truy xuất nguồn gốc, quy trình thực hiện.

Từ thực tế hiện nay, Sở Công Thương TPHCM hy vọng người chăn nuôi, thương lái sẽ hiểu hơn tầm quan trọng của việc gắn vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo và thực hiện nó một cách thực chất, có hiệu quả.

“Người chăn nuôi, thương lái nên hiểu rằng nếu sản phẩm làm ra không được truy xuất nguồn gốc thì rất khó tiêu thụ, thậm chí sẽ không được tiêu thụ tại thị trường TPHCM. Không chỉ có thịt heo mà còn tất cả các sản phẩm thực phẩm khác”, bà Trang nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Kết nối