Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Trong ma trận hàng giả

Vũ Yến –

LTS: Trong nhiều năm qua công tác chống hàng giả được cơ quan quản lý rất chú trọng. Nhưng những nỗ lực này dường như không đi đến đâu khi hàng giả ngày càng chiếm lĩnh thị trường, từ phân khúc cấp thấp đến cấp cao. Dù khó, nhưng nếu không có những biện pháp cứng rắn mà chỉ đứng im nhìn hàng giả hoành hành thì mức độ nguy hại trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn cho cả người tiêu dùng và nền kinh tế. Sài Gòn Tiếp Thị xin chuyển đến bạn đọc loạt bài ghi nhận thực trạng hàng giả và những ứng xử của cơ quan quản lý bắt đầu từ số báo này.

Người tiêu dùng còn mua, hàng giả còn tràn lan

Theo cán bộ quản lý thị trường TPHCM, dù cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý nhưng hiện nay hàng giả, hàng nhái bằng nhiều cách thức vẫn được sản xuất và bày bán tràn lan trên thị trường.

Hàng giả từ bình dân đến cao cấp

Screenshot-(55)Trang web bán hàng giới thiệu túi xách, giày thời trang nhái các thương hiệu nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết trong số các loại hàng giả, hàng nhái đã được cơ quan chức năng phát hiện, chiếm số lượng lớn là hàng giả các nhãn hiệu nước ngoài nổi tiếng, bao gồm nhiều mặt hàng từ quần áo thời trang đến đồ dùng, trang sức cá nhân…

Ông Bách dẫn số liệu, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra 93 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, tịch thu tổng cộng gần 11.000 đơn vị sản phẩm các mặt hàng quần áo, mắt kính, túi xách, giày dép, đồng hồ đeo tay, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả mạo các nhãn hiệu Chanel, Nike, Adidas, Louis Vuitton, Rolex, Hublot, Tommy, Rayban, Gucci…

Theo phóng viên ghi nhận thực tế, hàng giả, hàng nhái loại bình dân thường được bán tại các chợ nhỏ, trên vỉa hè, những khu bán hàng tiêu dùng với khách hàng là công nhân, sinh viên… Loại hàng này chủ yếu từ Trung Quốc nhập về; quần áo gắn nhãn mác nổi tiếng như Tommy, Mango, Lacoste nhưng chỉ có giá từ 50.000 đồng; túi xách Chanel, LV, Prada có giá từ 100.000 đồng/chiếc…

Hàng giả, hàng nhái được xem là có chất lượng cao hơn loại hàng bình dân nói trên thì đã len vào được một số trung tâm thương mại, các chợ loại 1, loại 2… Theo các tiểu thương, loại hàng này do các nhà sản xuất trong nước gia công nhưng gắn nhãn hiệu nổi tiếng. Giá một chiếc áo, váy khoảng vài trăm ngàn đồng; giày dép, túi xách có mức dao động từ vài trăm ngàn đồng tới cả triệu đồng.

Ngoài ra, thị trường còn có sản phẩm hàng giả, hàng nhái cao cấp hơn nữa, thường được giới kinh doanh gọi là hàng hiệu fake (giả mạo). Hàng hiệu fake cũng được chia làm các cấp độ khác nhau như fake 1, fake 2, super fake, tức sản phẩm nhái, giả thương hiệu nước ngoài được làm tinh xảo, chất liệu tốt. Các sản phẩm này có xuất xứ từ Đài Loan, Hồng Kông… và cả sản xuất trong nước. Chúng được nhái, giả tinh vi tới mức người tiêu dùng bình thường, thậm chí người có kinh nghiệm mua sắm cũng khó nhận biết. Các mặt hàng thời trang nhái, giả này có loại có giá đến 4-5 triệu đồng/sản phẩm.

Hiện nay, ngoài các trung tâm, cửa hàng thì các sản phẩm hàng hiệu giả mạo còn được bán trên mạng.

Biết hàng giả vẫn mua

Hinh-3-4Nhãn mác mang thương hiệu nổi tiếng được bán tại trung tâm thương mại Đại Quang Minh, quận 5, TPHCM.

Chị L., nhà có hai xưởng may quần áo thời trang tại quận Bình Tân, TPHCM, cho biết gia đình chị mở xưởng đã được hơn 5 năm. Thời gian đầu với mong muốn tạo dựng tên tuổi, nên sản phẩm làm ra được gắn nhãn hiệu riêng. Tuy nhiên, sản phẩm không bán được.

Chị L. kể, những đầu mối lấy hàng đều khẳng định chất liệu, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm của gia đình chị tốt, tuy nhiên do thương hiệu lạ nên người tiêu dùng không mua. Mặc dù cố gắng nhưng chỉ trụ được khoảng một năm với thương hiệu riêng. Sau này, chiều theo nhu cầu thị trường, sản phẩm của chị L. gắn nhãn mác mang thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

“Những loại nhãn mác mà khách hàng yêu cầu, người sản xuất chỉ cần ra trung tâm thương mại Đại Quang Minh mua và may dập hay khâu vào. Người sản xuất cần nhãn mác của thương hiệu nào, loại chất liệu nào, số lượng bao nhiêu cũng có”, chị L. nói.

Ông Bách của Quản lý thị trường TPHCM cho rằng tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Với kỹ thuật công nghệ ngày nay, hình thức bao bì, tem nhãn giả giống hàng thật hơn, tem chống hàng giả phản quang có đặc điểm riêng cũng bị làm giả. Đối tượng sản xuất hàng giả phần lớn là các cá nhân hoạt động riêng lẻ, kín đáo. Hàng giả được sản xuất từ các nước xung quanh sau đó tuồn vào thị trường Việt Nam, giả đủ loại từ các nhãn hiệu phổ biến được ưa chuộng của Việt Nam cho đến các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Hàng giả đồng thời cũng là hàng nhập lậu vào Việt Nam dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện, bao bì rời. Còn hàng giả sản xuất trong nước sẽ do các đối tượng thuê nhà, mặt bằng tại nơi hẻo lánh, khu vực nông thôn đang đô thị hóa, vừa để ở vừa làm hàng giả, thời gian thuê ngắn rồi đổi địa điểm khác để tránh bị phát hiện.

Phương thức vận chuyển, giao nhận, mua bán hàng giả linh hoạt theo loại hàng hóa, bằng nhiều đường đi gồm đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển. Có những đường dây buôn bán hàng giả đặt hàng với nhà sản xuất hàng giả tại Trung Quốc qua điện thoại, giao hàng tại thành phố, nhận thanh toán sau.

[box type=”download”] Tại trung tâm thương mại dịch vụ Đại Quang Minh (quận 5), nơi được cho là một trong những ngôi chợ nguyên phụ liệu lớn của TPHCM, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các loại nhãn mác mang thương hiệu nổi tiếng. Chúng được sản xuất bằng đủ các loại chất liệu như vải, da, inox…, có thể gắn vào quần áo thời trang, túi xách, ví, giày dép… Giá từ 50.000 đồng/100 nhãn mác bằng vải, 230.000 đồng trở lên nhãn mác bằng inox. Theo những người kinh doanh tại đây, hàng chủ yếu được bán sỉ, số lượng lớn cho những cơ sở sản xuất quần áo thời trang, túi xách…[/box]

Nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại và ngày càng phức tạp, theo ông Bách, là do hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả mang lại siêu lợi nhuận; mặt khác hiện nay nhận thức xã hội về tác hại của hàng giả đối với nền kinh tế còn hạn chế, một bộ phận đáng kể người tiêu dùng vẫn xem hàng giả là bình thường.

“Nếu người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng nhái, kiên quyết không mua thì các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái sẽ sản xuất, sẽ bán cho ai”, ông Bách nói.

Về phía người tiêu dùng, chị Thủy ở quận Tân Bình cho biết chị mới mua hai chiếc đầm hiệu Zara, đôi giày hiệu Cross và một chiếc túi Hermes mà tổng số tiền chỉ gần 1,5 triệu đồng. Chị nói, đối với quần áo, giày dép, túi xách thì chị thường chọn hàng nhái thương hiệu nước ngoài. Theo chị, đơn giản vì thói quen, vì giá cả khá hợp lý và dùng cũng thấy đạt chất lượng, có khi tốt hơn hàng sản xuất trong nước, mặc dù chị hiểu rõ chẳng có đầm Zara chính hãng nào giá 150.000-200.000 đồng, chẳng có đôi giày Cross xịn nào giá 400.000-500.000 đồng và chẳng thể có chiếc túi Hermes nào giá 750.000 đồng.

Đón đọc bài 2: “Doanh nghiệp loay hoay chống hàng giả”, trong số báo ra ngày 29-3.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối