Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Trồng dâu nuôi tằm bên bờ sông Ba

Mạnh Hoài Nam – 

Xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) là nơi có làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Nhiều năm qua với bao biến cố thiên nhiên, giá tơ tằm bấp bênh, người dân làng nghề vẫn “sống chết” với nghề này.

Nuôi tằm… trong phòng khách

nongtamNhiều người dân ở thôn Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong) nuôi tằm trong phòng khách.

Thôn Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong) nằm bên bờ sông Ba. Người dân ở đây gắn bó lâu đời với nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Một điều khác lạ trong các gia đình ở làng quê này là phòng khách không để tiếp khách mà dành riêng nuôi tằm, còn khách đến nhà thì để bộ bình trà ngồi xếp bằng ở ngoài hàng ba trò chuyện.

Giải thích về chuyện “nuôi tằm ở chỗ sang trọng”, còn “tiếp khách ngoài hàng ba”, ông Ngô Đình Nhân, một nông dân nuôi tằm, cho biết con tằm nhìn vậy chớ “khó chịu” lắm. Chỗ nuôi phải tách riêng ra chứ nuôi dưới bếp khi nấu nướng bay mùi dầu mỡ tằm bỏ ăn, còn nuôi ngoài sân lỡ có mùi phân heo, phân bò tằm cũng biếng ăn. Không những thế, phòng khách dành riêng nuôi tằm đòi hỏi không gian thoáng mát, không được kín gió thì mới phù hợp.

Những người nuôi tằm như ông Nhân kiêng đủ thứ vì cho rằng: con tằm rất “nhẹ” hơi. Người trong nhà đi viếng đám tang trong xóm về phải ra thẳng ngoài giếng cởi quần áo tắm giặt liền. Nếu lỡ bước chân vô nhà, tằm bắt hơi sẽ bỏ ăn rồi lăn ra chết. Thậm chí, phụ nữ sinh con ở trạm xá hoặc bệnh viện về nhà cũng không được lên nhà trên, ít nhất phải một tháng sau mới bước lên chỗ nong tằm. Ông Nhân bảo, nuôi tằm lâu năm, “hiểu ý” nó, nên ai cũng phải kiêng cữ mấy việc này.

Không chỉ kiêng cữ với con tằm, người nuôi còn rất kỹ các khâu như chân giá đỡ cho các nong tằm phải đặt trên 4 cái chén đựng nước để kiến không leo lên nong tằm được. Còn phía trên thì giăng mùng đề phòng thằn lằn (thạch sùng), rắn mối trên trần nhà rớt xuống “lót ổ” trong nong dâu ăn con tằm.

Trước đây, người dân nuôi tằm mạnh ai nấy bán kén tơ cho những người đi mua dạo. Thời gian gần đây, Hợp tác xã nông nghiệp – kinh doanh – dịch vụ Hòa Phong (đơn vị quản lý làng nghề) đứng ra ký hợp đồng với đối tác bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Công đoạn nuôi tằm từ bao đời nay vẫn theo cách truyền thống. Đó là sau khi nhận trứng ủ cho trứng nở, hái lá dâu non cho tằm ăn. Thông thường để nuôi 6 gram trứng, người dân trồng 1 sào (Trung bộ 1 sào = 500 m²) dâu là đủ tằm ăn trọn vòng đời. Một gram trứng nếu nuôi đạt cho ra 3 kg tơ (trung bình một con tằm nhả ra 1.000 m sợi tơ). Vòng đời nuôi, từ ngày thả trứng đến 20 ngày là thành kén. Lựa kén bỏ ra né (một dụng cụ đan bằng tre) cho tằm quay tơ. Hiện nay, 1 kg tơ có giá 120.000 đồng.

Bà Trương Thị Lánh cho biết, lứa vừa rồi nhà bà nuôi 10 gram trứng. Trong quá trình nuôi hao hụt (tỷ lệ trứng nở ra tằm thấp) nhưng cũng thu được 24,5 kg tơ, bán được khoảng 3 triệu đồng.

Cây “ăn nói” của xã

Ông Phan Xuân Mai, nguyên phó chủ nhiệm (nay là phó giám đốc) Hợp tác xã nông nghiệp – kinh doanh – dịch vụ Hòa Phong, cho biết cây dâu là cây “ăn nói” của xã. Mỗi lần đi họp, hội nghị từ tỉnh đến Trung ương đều báo cáo thành tích làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm.

Nuôi tằm thì phải trồng dâu. Soi (cồn đất) dâu ven bờ sông Ba mùa mưa bị ngập lụt, đứng bên bờ sông phía thôn Mỹ Thạnh Tây nhìn ra nước sông lênh láng, chỉ còn ló mấy đọt dâu. Khi lũ rút, dòng sông cạn dần “trả” đất lại cho soi dâu. Người dân làng nghề ra bờ sông trồng dặm những cây đã chết, cuốc cỏ. Qua tháng Giêng, soi dâu ra lá non, làng nghề bên bờ sông Ba bắt đầu nhộn nhịp. Giai đoạn tằm ăn lên, người ra sông hái lá dâu đi đụng đầu.

Theo nhiều người dân địa phương, câu dân gian “ăn như tằm ăn lên” đó là nói về sức ăn của con tằm chứ không phải tằm ăn tạp. Ngược lại, tằm rất kén ăn, nên khi hái lá dâu lựa lá xanh non, lá già rách nát thì tằm không ăn.

Soi dâu mấy năm nay do đầu nguồn sông Ba (bắt nguồn từ tỉnh Kon Tum, chảy qua tỉnh Gia Lai rồi đổ về Phú Yên), nhiều công trình thủy điện chặn dòng, ngăn phù sa từ thượng nguồn đổ về nên soi đất dâu ven sông Ba phù sa bồi đắp màu mỡ ngày nào nay giống như đất thổ (đất nghèo dinh dưỡng). Vì thế, để trồng dâu xanh tốt, các hộ phải đầu tư phân bón, cải tạo đất.

Ông Trần Đình Bá, người gắn bó hơn 30 năm với nghề trồng dâu nuôi tằm, cho hay giá tơ thì bấp bênh, có lúc khoảng 120.000 đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm rớt xuống còn 100.000 đồng/kg nên nhiều người “hăm” bỏ nghề để tìm việc khác mưu sinh.

“Nói vậy chứ đến đầu mùa, ai cũng ra sông Ba củng cố lại soi dâu, trồng lại những cây bị nước lụt bứng gốc, cây lâu năm già cỗi. Trong thời gian chờ dâu ra lá non, ai cũng tranh thủ chẻ tre đan nong, bện né vì đã “sống chết” với nghề này rồi”, ông Bá nói.

Ông Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết bao năm qua, bà con xã viên của hợp tác xã gắn bó phát triển làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Hiện nay, diện tích cây dâu ven sông Ba khoảng 12 ha, số gia đình tham gia làng nghề 58 hộ, với hơn 100 nhân khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giá vé máy bay tăng nhưng doanh nghiệp hàng không vẫn...

0
(SGTT) - Theo Bộ Tài chính, giá vé máy bay tăng nhưng các công ty kinh doanh dịch vụ hàng không vẫn lỗ. Hiện...

Khung cảnh suối Tía lọt top 10 bức ảnh đẹp nhất...

0
(SGTT) - Bức ảnh chụp từ trên cao tại Suối Tía, thành phố Đà Lạt, của tác giả Nguyễn Khánh Vũ Khoa được chọn...

Nghiên cứu mở rộng cao tốc TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận theo...

Lịch khởi hành, giá vé tàu du lịch Huế – Đà...

0
Từ 26-3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức 2 đôi tàu/ngày giữa Huế - Đà Nẵng với tên gọi “Kết...

Trưa nay ăn gì: Ức vịt áp chảo sốt cam –...

0
(SGTT) – Một trưa lành mạnh lại đến, Trưa nay ăn gì giới thiệu một món salad là sự kết hợp giữa thịt vịt...

Ngắm đảo Phú Quý từ đỉnh Cao Cát

0
(SGTT) – Từ đỉnh Cao Cát cao trên 105m, du khách sẽ có dịp ngắm bao quát phía Bắc đảo Phú Quý với những...

Kết nối