Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Trăm người bán nhưng… vài người mua

Vĩnh Thụy –

Trung Quốc có quá nhiều trung tâm mua sắm vắng vẻ, tỷ lệ cửa hàng trống tăng ở nhiều thành phố vì người thuê gian hàng giảm trong khi thương mại điện tử phát triển.

bn-rk052_cshopp_m_20161228160525

Tờ The Wall Street Journal cho biết, theo nhà môi giới bất động sản Jones Lang LaSalle, thành phố Trùng Khánh của nước này có 30 triệu dân và tính ra cứ mỗi người tiêu dùng có hơn hai mét vuông không gian mua sắm hồi năm 2015. Trong khi đó, ở các thành phố hạng nhất Trung Quốc gồm Bắc Kinh và Thượng Hải-tỷ lệ này là chưa tới 0,5 m2/người. Trùng Khánh hiện có nhiều trung tâm mua sắm nhất thế giới. Một không gian mua sắm 3,7 triệu m2 đã được xây hồi năm 2015, theo nhà môi giới bất động sản CBRE.

Đó là một dấu hiệu sống động về sự tính toán đang làm khổ ngành kinh doanh bán lẻ Trung Quốc. Năm năm qua, các nhà phát triển lao vào cung cấp các trung tâm mua sắm, với nhận định tầng lớp trung lưu khá giả sẽ kích cầu mua sắm và khiến các nhà bán lẻ tìm không gian mở tiệm. Hơn nữa, nguồn cầu mới không mạnh như dự đoán, vì nhiều người mua sắm Trung Quốc bỏ rơi các tiệm sạp, mua sắm trực tiếp trên mạng. Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc “qua mặt” Mỹ từ hai năm trước và dự kiến đạt 899 tỉ đô la trong năm 2016, tức chiếm gần một nửa tổng doanh số bán lẻ trực tuyến của thế giới. Năm 2015, thương mại điện tử ở quốc gia này chiếm 12-13% tổng chi bán lẻ và có thể đạt đến 18,5% trong năm 2016. Nếu đến tỷ lệ này, Trung Quốc sẽ có tỷ lệ phần trăm người mua sắm trực tuyến đông nhất thế giới.

Từ đầu thập niên 1990, những trung tâm mua sắm, siêu thị kiểu phương Tây đã bắt đầu mọc lên ở Trung Quốc, khi các nhà phát triển như Hang Lung Properties (Hồng Kông) bắt đầu ra tay. Nhà phát triển CapitaLand (Singapore) cũng là một “tay chơi” lớn trong việc xây các trung tâm mua sắm mang thương hiệu Raffles City ở Trung Quốc. Họ hưởng lợi lớn vào lúc mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang lên cao. Nhưng bây giờ, họ phải thừa nhận những nguy cơ bắt đầu xuất hiện ở thị trường bán lẻ. Ví dụ Hang Lung Properties nói các trung tâm mua sắm ở Trung Quốc đang ở một giai đoạn đặc biệt khó khăn khi số người thuê tiệm-sạp giảm 2% trong 6 tháng kết thúc hồi tháng 6-2016.

Pacific Department Store là một điểm đến nổi tiếng ở quận Xujiahui (Thượng Hải) suốt 20 năm nhưng vừa phải đóng cửa. Trong khi đó, Tập đoàn bán lẻ Parkson đã phải đóng cửa ở MixC (Trùng Khánh) và New World Department Store China đã phải báo lỗ nặng trong năm qua. New World nêu trong báo cáo tài chính năm 2016 rằng họ phải chật vật cạnh tranh với lĩnh vực mua sắm trên mạng, ngay vào lúc sẽ ồ ạt xuất hiện những trung tâm mua sắm mới trong các năm tới.

Một ngày sau dịp Giáng sinh 2016, trung tâm mua sắm hạng sang MixC ở quận Jiulongpo (thành phố Trùng Khánh) không có nhiều khách, một dãy dài các tiệm sạp dán biển chữ đỏ “sớm mở cửa”. Zou Ying, một trong số ít khách, nói cô chỉ muốn đi dạo xem hàng hóa ở đây, vì cô mua giày, trang phục, thậm chí bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân mới trên mạng Internet, thường là trên Taobao, một thương hiệu thương mại điện tử lớn giống Amazon. “Nếu sự khác biệt về giá lớn thì tôi mua hàng trên mạng”, cô nói.

Dấu hiệu chật vật của lĩnh vực bán lẻ có rất nhiều ở Trùng Khánh, nơi mà nền kinh tế địa phương được thúc đẩy bởi công nghiệp nặng và mở rộng lĩnh vực điện tử. Tại trung tâm thành phố, nhà phát triển Wharf Holdings (Hồng Kông) phải lùi kế hoạch khai trương trung tâm mua sắm International Finance Square, một phần vì gặp phải khó khăn trong việc cho thuê, theo nhà môi giới bất động sản Savills. Nhưng người phát ngôn của Wharf  nói tòa nhà cao tầng này sẽ mở cửa trong tháng 9-2017 và họ hài lòng về tiến trình cho thuê.

Nhiều nhà phát triển nhắm vào vùng ngoại ô Trùng Khánh, đánh cược rằng các trung tâm mua sắm mới sẽ là chốn “náu thân” khỏi trung tâm thành phố bị ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ví dụ hồi tháng 10-2016, trung tâm mua sắm Aegean Place 120.000 m2 được mở ở phía bắc thành phố, thu hút nhiều người dân đến xem các sản phẩm của những thương hiệu quốc tế như Zara, Uniqlo. Nhưng cách đó vài bước, một trung tâm mua sắm 60.000 m2 đang được xây là Rose Walking Street, dự kiến khai trương vào tháng 3-2017. Hiện chỉ có vài tiệm bán điện thoại di động, một chi nhánh ngân hàng địa phương và hai nhà hàng ăn thuê mặt bằng ở đây.

Nhà phát triển hai trung tâm mua sắm trên là Red Star Macalline Group Co (ở Thượng Hải) đã quyết bán các tiệm-sạp ở Rose Walking Street thay vì cho thuê, theo Giám đốc kế hoạch Luo Xiaoqiao của Red Star. Ông cho biết đã bán được 90% mặt bằng: “Nếu chúng tôi không bán thì chúng tôi sẽ không thể có tiền để nhanh chóng đầu tư vào các dự án khác”, ông nói.

Trong khi đó ở nhiều khu vực khác tại Trùng Khánh, các nhà phát triển ráng trụ ở vị trí đầu của cuộc cạnh tranh, bằng cách đầu tư vào mảng giải trí và mua sắm. Khu công viên bờ sông (một liên doanh giữa Hongkong Land với China Merchants Shekou Holdings) mở cửa hồi tháng 9-2016 và đầu năm 2017 sẽ mở cửa thủy cung có tên Đời sống biển. Ở vùng ngoại ô đông bắc Trùng Khánh, một nửa diện tích công viên Jihua là các tiệm ăn, tiệm mua sắm. Một nửa còn lại là tổ hợp thể thao giải trí gồm leo núi đá, lướt sóng trong nhà, đã mở cửa được ba tháng nhưng rất ít khách. “Chúng tôi không lo, mở các tiệm, trung tâm thể thao và khách sạn để người tiêu dùng trải nghiệm và thư giãn ở các vùng ngoại ô. Chúng tôi đang bán dịch vụ, không bán sản phẩm”, Li Xuecheng, Chủ tịch Tập đoàn Jihua nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối