Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Tìm cách khơi lại dòng chảy của kênh rạch

VĂN NAM –

Chính quyền TPHCM bắt đầu có những động thái mạnh tay hơn để xử lý các điểm lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn thành phố. Nhiều người kỳ vọng việc khơi thông những dòng chảy đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng ngập úng sau mỗi cơn mưa hiện nay.

Xử lý chỗ này, lòi chỗ kia!

rach-ba-tiengRạch Xuyên Tâm, một trong những con rạch bị nhà dân lấn chiếm bít dòng chảy.

Con số thống kê từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho thấy, hiện nay toàn thành phố có 51 vị trí lấn chiếm cửa xả, 104 vị trí lấn chiếm hầm ga, 88 tuyến đường có cống thoát nước bị người dân xây dựng nhà lấn chiếm và 61 vị trí lấn chiếm kênh rạch.

Thực tế cho thấy, bao năm qua tình trạng lấn chiếm kênh rạch tựa như “căn bệnh” khó chữa trị dứt điểm. Nhiều điểm lấn chiếm vừa được xử lý xong thì lại xuất hiện điểm mới. Cụ thể, theo thống kê của trung tâm chống ngập thành phố, trước đây có 44 vị trí lấn chiếm kênh rạch, mới xử lý được hai điểm thì từ năm ngoái đến nay đã phát sinh 19 điểm mới.

Trong chuyến khảo sát các vị trí cửa xả, kênh rạch bị lấn chiếm hồi tuấn trước tại huyện Nhà Bè, một lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng chỉ cần có giải pháp mạnh tay, quyết liệt để trả lại cho tự nhiên diện tích kênh rạch vốn có của nó, khi đó chắc sẽ giảm được đến 50% điểm ngập hiện nay, không cần phải làm dự án gì cho xa xôi.

Ghi nhận thực tế từ chuyến khảo sát của lãnh đạo thành phố tại gần 20 tuyến kênh rạch tại nhiều quận, huyện trong hai tuần qua cho thấy, nhiều tuyến kênh rạch, cửa xả vốn là nơi thoát nước từ các khu dân cư đổ ra sông hiện đã bị lấn chiếm nghiêm trọng.

Chẳng hạn, tuyến kênh A41 tại quận Tân Bình giúp thoát nước từ sân bay Tân Sơn Nhất theo đường Út Tịch-Cộng Hòa thoát ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hơn chục năm trước rộng đến 6-8 m, sâu hơn 3,5 m. Nhưng nay đoạn kênh này đã bị nhà dân hai bên xây dựng chèn ép, có đoạn chỉ còn là một khe nước hẹp khoảng 0,5 m, nhiều chỗ rác rưởi chất đầy lấp kín dòng chảy. Giải pháp mới nhất được UBND quận Tân Bình thực hiện là sẽ phải giải tỏa hàng trăm nhà xây lấn chiếm đoạn kênh này để đào sâu, mở rộng lòng kênh.

Một trường hợp khác là con rạch Mỏ Neo ở huyện Nhà Bè. Trước đây, con rạch dài khoảng 2 km này là tuyến thoát nước và tạo cảnh quan tự nhiên với hàng dừa nước rợp bóng mát. Mới đây, chủ đầu tư một dự án khu dân cư đã đổ đất san lấp gần 150 m, cắt đứt mạch chảy của con rạch này khiến nước thải từ các khu dân cư đổ ra, cộng với nước mưa trên trời dội xuống gây ứ đọng nước. Hệ quả là mùi hôi phát sinh khiến các hộ dân trong khu vực khổ sở.

Tương tự, tuyến kênh Bà Tiếng dài hơn 5 km ở quận Bình Tân thoát nước cho khu vực dân cư hai bên đường Kinh Dương Vương vừa mới được nạo vét, vớt rác hồi tháng 7 vừa qua, nhưng đến cuối tuần rồi rác đã phủ kín mặt kênh, dòng nước đen ngòm, có nơi nhà dân còn xây cống chắn hẹp dòng chảy.

[box] Theo thống kê của trung tâm chống ngập thành phố, danh sách các kênh rạch có cửa xả hoặc lòng kênh bị san lấp, lấn chiếm trên địa bàn toàn thành phố ngày càng dài thêm. Trong số đó có rạch Ông Đội, rạch Nỏ, rạch Bà Bướm, rạch Xuyên Tâm, rạch Sông Tân, rạch Tam Đệ, rạch Cây Me, rạch Bần Đôn, rạch Bến Ngựa, rạch Thầy Tiêu, rạch Cả Cấm, rạch Du, rạch Nhỏ, rạch Bà Lựu nối dài, rạch Bà Dơi, rạch Lân 2, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Bông, rạch Bến Bồi 1, Bến Bồi 2, rạch Tam Vàm Tắc, rạch Lăng, rạch Bà Láng, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Dĩa, rạch Ông Dầu, rạch Cao Su Việt Hưng, rạch Môn, rạch Dừa, rạch Bà Ty nhánh 1, rạch Bà Miên, rạch Trường Đai nhánh 1, rạch Cầu Cụt, rạch Chín Xiểng, rạch Phú Lộc, rạch Bồ Đề, rạch Tắc Thầy Cai, rạch Ông Búp, kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ và kênh Liên Xã.[/box]

Giải pháp nào?

Nhìn chung, những giải pháp hạn chế lấn chiếm kênh rạch, giảm bớt các điểm ngập úng được các cơ quan chức năng đề xuất mới đây chủ yếu tập trung vào các phương án như giải tỏa nhà dân, lắp đặt bơm, xây cống ngăn triều, tăng tần suất nạo vét kênh rạch, lắp thêm cống hộp, lắp đặt camera kết hợp giám sát an ninh và quan sát hành vi xả rác xuống kênh rạch, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về văn minh đô thị…

Song nhiều người băn khoăn với bài học cũ, cho rằng thành phố có thể bỏ ngân sách ra để giải tỏa, mở rộng các kênh rạch bị lấn chiếm, nhưng nếu không kèm theo chính sách “thưởng phạt nghiêm minh” thì khả năng tái lấn chiếm kênh rạch là điều khó tránh khỏi.

Chẳng hạn, ngay trong tuần này, để ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi xuống kênh rạch ở quận Bình Thạnh, lãnh đạo quận này cho biết đến cuối tháng 10-2016 sẽ hoàn thành việc lắp đặt camera tại các tuyến kênh rạch để quan sát và quản lý việc xả rác. Đi kèm với đó là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về tác hại của việc xả, vứt rác xuống kênh rạch. Việc lắp camera quan sát hành vi xả rác có thể là biện pháp hay nhưng nếu chỉ ghi hình biết ai xả rác, sau đó chỉ gọi người đó lên nhắc nhở cho qua mà không có biện pháp xử phạt nghiêm để răn đe thì e rằng sẽ khó cải thiện được tình hình.

Đó mới chỉ là ý thức người dân. Về mặt quản lý nhà nước cũng cần làm rõ trách nhiệm của cấp quản lý địa phương còn buông lỏng, thiếu quyết liệt dẫn đến nhiều đoạn kênh rạch bị lấn chiếm. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, trong chuyến khảo sát các vị trí lấn chiếm cửa xả-kênh rạch tại quận 12 và Gò Vấp tuần rồi, cho rằng nguyên nhân dẫn đến chuyện kênh rạch bị lấn chiếm một phần do công tác quản lý các địa phương còn yếu kém, chưa quyết liệt.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc trường Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng chuyện kênh rạch bị lấn chiếm gây ngập không mới, đã được nói đến nhiều mấy năm nay nhưng rồi đâu lại vào đấy, không thấy chuyển biến gì. “Có lẽ biện pháp xử lý tình trạng lấn chiếm kênh rạch của chính quyền chưa đủ quyết liệt, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã phường nơi nắm rõ địa bàn bị lấn chiếm. Tới nay tôi chưa thấy người dân lấn chiếm kênh rạch bị xử phạt hoặc cán bộ quản lý nào bị kỷ luật do buông lỏng quản lý cả”, ông Phi nói.

Theo ông, để tuyến kênh A41 bị lấn chiếm nghiêm trọng như vậy nhưng cấp quản lý quận Tân Bình vẫn không hề hấn gì, không làm rõ trách nhiệm, giải pháp không quyết liệt thì rất khó ngăn được tình trạng lấn chiếm.

“Hiện nay, họ cứ lơi lỏng trong quản lý, chưa kể có phần nào tiêu cực thì để tình trạng lấn chiếm kênh rạch vẫn xảy ra và cuối cùng nhà nước lại bỏ tiền ngân sách ra gánh phần giải tỏa, giải quyết hậu quả là điều bất hợp lý”, ông Phi phát biểu. Bên cạnh các dự án cải tạo kênh rạch, dự án chống ngập cần được triển khai khẩn trương hơn. Theo ông Phi, mấu chốt vấn đề là phải lập lại kỷ cương, gắn trách nhiệm quản lý nhà nước địa bàn rõ ràng, thưởng phạt nghiêm minh cả hành vi lấn chiếm lẫn trách nhiệm cán bộ quản lý địa phương thì mới mong hết tình trạng xử lý xong chỗ này lòi ra chỗ khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút...

0
(SGTT) – Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến...

Trưa nay ăn gì: Giòn sần sật món đậu que xào...

0
(SGTT) – Đậu que giòn sần sật xào cùng thịt tôm ngọt thanh mang đến bữa cơm trưa thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho...

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Kết nối