Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Tìm cách chen chân vào thị trường mỹ phẩm

Hùng Lê –

Hiện nay, nhiều thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài đang nhắm đến thị trường Việt Nam, nơi được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển. Giống như nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, thị trường mỹ phẩm đang hướng về những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, hay còn gọi là sản phẩm organic (hữu cơ).

Thị trường tiềm năng

Tuần rồi, khoảng 30 doanh nghiệp Nhật Bản đã đến TPHCM để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Những tưởng sẽ có những đề xuất về đầu tư sản xuất kinh doanh như mọi khi, nhưng không phải vậy. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra quan tâm đến mảng dịch vụ, gia công chế biến thực phẩm và mỹ phẩm.

Đại diện một doanh nghiệp hoạt đồng trong ngành làm đẹp và mỹ phẩm trong đoàn đã ngỏ ý nhờ lãnh đạo thành phố kết nối với các doanh nghiệp trong nước để thâm nhập vào thị trường có hơn 90 triệu dân này. Theo vị doanh nhân này, số liệu nghiên cứu cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ mỹ phẩm và làm đẹp đang tăng mạnh.

Thị trường mỹ phẩm đang hướng về những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Ảnh: Hùng Lê

Nói về doanh nghiệp mỹ phẩm của đất nước mặt trời mọc, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội mỹ phẩm, hương liệu và tinh dầu Việt Nam, cho rằng Nhật Bản có khá nhiều thương hiệu mạnh nhưng chưa thâm nhập nhiều vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng nhanh của thị trường mỹ phẩm trong những năm gần đây, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn trong mắt các thương hiệu mỹ phẩm của nhiều quốc gia.

Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có thế mạnh về lĩnh vực này, và nhiều sản phẩm đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước. Vào giữa năm ngoái, khoảng 80 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mỹ phẩm và làm đẹp của Hàn Quốc tham gia triển lãm về chuyên ngành này ở TPHCM, qua đó muốn tìm nhà nhập khẩu và cơ hội kinh doanh ở thị trường Việt Nam.

Ông Dominic Oh, Tổng giám đốc Kintex, một doanh nghiệp của Hàn Quốc phối hợp với Informa và Công ty Vinexad tổ chức triển lãm về mỹ phẩm và làm đẹp tại TPHCM, cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm và đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực.

Tăng trưởng mạnh

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng thị trường mỹ phẩm Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn những gì họ dự báo. Đại diện Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn, một doanh nghiệp mỹ phẩm lớn trong nước, cho biết thị trường mỹ phẩm Việt Nam đạt tổng doanh thu 26.000 tỉ đồng vào năm 2015 và tăng trưởng hai con số trong nhiều năm liên tục.

Ông Minh của Hiệp hội mỹ phẩm, hương liệu và tinh dầu Việt Nam, cho biết thị trường mỹ phẩm trong nước đang tăng trưởng khá nhanh và đã đạt doanh thu khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, một kết quả mà trước đây hiệp hội dự báo phải đến năm 2020 mới đạt được. Những gì đang diễn ra cho thấy, thị trường này tiếp tục có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới.

Theo ông Minh, thị trường mỹ phẩm trong nước chủ yếu là hàng nhập khẩu, trong khi sản phẩm của doanh nghiệp trong nước chiếm một tỷ lệ khá nhỏ và chủ yếu ở phân khúc thấp hay bình dân. Lý giải điều này, ông Minh cho rằng nhiều doanh nghiệp trong nước sở hữu những sản phẩm có chất lượng cao, song chưa biết quảng bá thương hiệu. Hơn nữa, các thương hiệu nội địa hiện chỉ tập trung vào dòng sản phẩm chăm sóc da mặt và tay chân. Ở các dòng mỹ phẩm khác, hầu như người tiêu dùng chỉ có thể mua được từ các nhãn nước ngoài.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường đã kéo theo sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, mức thuế nhập khẩu loại hàng hóa được kéo xuống thấp, càng khiến cho thị trường này trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại, theo ông Minh.

Ông Minh cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng mỹ phẩm trong năm qua đạt gần 6 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2016. Trong số này, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 500 triệu đô la, nghĩa là đã nhập siêu mặt hàng này hơn 5 tỉ đô la. “Việt Nam là một thị trường mới nổi về tiêu thụ sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân, với mức tăng trưởng hàng năm vào khoảng 30% trong vài năm qua”, ông Minh nhận định.

Theo ông Minh, so với một số nước trong khu vực châu Á như Thái Lan hay Hàn Quốc, số tiền chi cho mỹ phẩm của người Việt Nam còn khá khiêm tốn. Nhưng khi điều kiện kinh tế khá lên sẽ tỷ lệ thuận với mức chi đầu tư chăm sóc sắc đẹp của người dân. Theo các nhà kinh doanh mặt hàng này, mức chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam dành cho mỹ phẩm đang thấp hơn 4-5 lần so với các nước khác trong khu vực. Tầng lớp trung lưu là những đối tượng có nhu cầu làm đẹp cao đang tăng nhanh và dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên đến 33 triệu người vào năm 2020.

Xu hướng mỹ phẩm thiên nhiên

Tại một hội thảo bàn về phát triển ngành mỹ phẩm diễn ra ở TPHCM mới đây, các diễn giả và giới phân tích thị trường cho rằng, nhu cầu sử dụng sản phẩm cao cấp của người tiêu dùng trong nước ngày càng tăng cao, đáng chú ý là những mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, hay organic (hữu cơ).

Tại cuộc hội thảo, bà Claudia Bonfiglioli, Tổng giám đốc Information Beauty, cho rằng Việt Nam không chỉ có thị trường tiềm năng về tiêu thụ mỹ phẩm organic mà còn hấp dẫn bởi nguồn nguyên liệu thiên nhiên dồi dào. Giới tiêu dùng trẻ hiện nay đang có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp hữu cơ và an toàn cho sức khỏe.

Tuy nhiên, hiện nay những tiêu chuẩn ISO và các định nghĩa về mỹ phẩm thiên nhiên, mỹ phẩm organic và các thành phần của chúng vẫn chưa được xác định tại Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp thương hiệu làm đẹp toàn cầu đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nội địa nói riêng đã bắt đầu đầu tư cho những nghiên cứu để tạo ra mỹ phẩm thiên nhiên.

Ông Minh cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam có khá nhiều nguồn nguyên liệu thiên nhiên để chế biến mỹ phẩm như rong biển, nghệ, mủ trôm, lô hội… được doanh nghiệp hoạt động trong ngành của các nước tìm đến khai thác, trong khi doanh nghiệp trong nước chưa khai thác tốt nguồn nguyên liệu này. Theo ông, doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu ứng dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất, phát triển dòng sản phẩm thân thiện với sức khoẻ người tiêu dùng để tăng thị phần ở thị trường trong nước.

Bà Claudia Bonfiglioli cho rằng, sản phẩm làm đẹp tự nhiên và hữu cơ sẽ là xu hướng chính của năm 2018. Vì thế, Mekong Beauty Show 2018 – một triển lãm về làm đẹp, mỹ phẩm, thiết bị chăm sóc sắc đẹp và spa dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 6-2018 tại TPHCM – sẽ xây dựng khu vực đặc biệt cho dòng sản phẩm này. Triển lãm dự kiến thu hút khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất xuất mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan, Thái Lan và Singapore tham gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Hợp tác chiến lược ‘song kiếm hợp bích’: KDI Holdings và...

0
Ngày 22-4-2024, thành phố Nha Trang sôi động hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự kiện ký kết hợp tác phân phối chiến...

Tổ chức ngày Chung tay gói quà trước thềm Caravan lần...

0
CLB Doanh nhân 2030 tổ chức Ngày Chung tay ráp 200 xe đạp, gói quà, dán decal… chuẩn bị cho hành trình về Kon...

Buýt vi vu: 4 địa điểm nên dừng chân khám phá...

0
(SGTT) - Đình Đông Phú, hội quán Sùng Chính, chùa Sùng Quang hay công viên Đầm Sen… là những điểm du khách có thể...

Kết nối