Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Thuốc từ cây cỏ, thận trọng khi dùng

DS. LÊ KIM PHỤNG (*) –

LTS: Thời gian gần đây trên mạng xã hội Facebook rộ lên thông tin một số thầy thuốc đã dùng thuốc Nam, thuốc Đông y hay thuốc gia truyền chữa khá nhiều loại bệnh nan y, thậm chí là bệnh ung thư. Để hiểu rõ hơn các thuốc Nam, thuốc Đông y hay thuốc gia truyền có thể chữa trị được bá bệnh hay không, tòa soạn giới thiệu bài viết của dược sĩ Lê Kim Phụng dưới đây:

hinhthuoc_1Khi nhu cầu khám và chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng tăng cao thì chất lượng dược liệu lại có chiều hướng đi xuống và không đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng, từ đó trở thành nỗi lo cho người bệnh.

Việc sử dụng cây cỏ thiên nhiên được đánh giá là “y học êm dịu” vì nó lành tính không pha trộn hóa chất. Nhưng cũng cần có bằng chứng khoa học có độ chính xác cao qua các công trình nghiên cứu được thực hiện kỹ lưỡng và khách quan trên thực nghiệm và lâm sàng để xác định độc tính cấp, trường diễn và tác dụng chữa bệnh. Hẳn chúng ta không quên cách đây vài thập kỷ một loại thuốc ngừa thai tên là Thalidomide của một hãng dược uy tín trên thế giới mặc dù đã được nghiên cứu nhiều năm trước khi cấp phép đưa ra thị trường nhưng hậu quả để lại là các thai phụ đã sử dụng loại thuốc này trong nhiều năm trước dù đã ngưng thuốc một thời gian dài vẫn sinh ra quái thai.

Đó là nói ở bên Tây, còn bên ta thì đôi khi chỉ mới nghiên cứu thực nghiệm (in vitro) nhưng đã công bố rầm rộ là chữa được bệnh hiểm nghèo nhất là bệnh ung thư, lao, AIDS, liệt dương… Thế là tiếp tay cho những người cơ hội bắt đầu thổi phồng lên và nâng giá các cây cỏ tầm thường bỗng trở nên “quý như vàng” như cây xáo tam phân, dây máu người, kim cương máu, cây “uống vào nhớ vợ”…

Hiện nay, nhan nhản ngoài đường nhiều người vẫn rao bán nhiều loài cây thuốc chữa bệnh mà bản thân họ cũng không biết có kết quả hay không như cây thần kỳ, cây bá bệnh, cây nở ngày đất… Chúng được dùng với từ “thần dược” và càng được phát tán một cách chóng mặt nhờ sự hỗ trợ của các mạng xã hội như Facebook, thư điện tử, các trang web không chuyên môn. Bên cạnh “thần dược” thì một số địa phương cũng xuất hiện các “thần y” chữa bệnh ung thư bằng các bài thuốc gia truyền, các phương pháp như chích lể, châm, hơ, đốt, thậm chí “giẫm đạp”… nhưng vẫn có người tin và khắp nơi đổ xô về để được khám và cấp thuốc. Nhưng kết quả thì không rõ.

Cách đây không lâu, một bạn đọc gọi điện và xin được tư vấn vì bị ngộ độc do tin tưởng cây nở ngày đất chữa được bệnh gout, tiểu đường và đã tự ý mua uống, hậu quả là có dấu hiệu ngộ độc như run cơ, choáng váng, mất phương hướng nhận định, trầm cảm, sợ ánh sáng, người trở nên suy sụp tinh thần. Thực ra theo tài liệu cây này được xếp vào nhóm cây cỏ có độc theo hai tác giả Parsons và Cuthbertson trong “Poisonous Plants of Australia”, 1999.

Cho dù là thuốc Nam hay thuốc Bắc thì tác dụng chữa bệnh của cây thuốc đều do thành phần hoạt chất chứa trong đó, nhưng các nhóm hoạt chất này còn có thể xảy ra sự tương tác lẫn nhau khi phối hợp trong một bài thuốc. Nếu thực hiện đầy đủ các công đoạn nghiên cứu một bài thuốc theo phương pháp “mù đôi” (double blind) thì không chỉ mất thời gian mà còn tốn kém rất nhiều, do đó mà nhiều bài thuốc mượn danh từ “thực phẩm chức năng” ra đời ngày càng nhiều và đối với loại này không cần kê toa, ai cũng có thể sử dụng nếu phù hợp chứng bệnh của mình. Hậu quả là “tiền mất tật mang”, nhất là với những người mang bệnh thầm kín, khó nói… Hiện nay báo chí vẫn thường đăng tải những trường hợp nhập viện cấp cứu ngộ độc do dùng thuốc cây cỏ, và tất cả tội đều đổ cho thuốc Đông Nam dược.

Vậy thì chúng ta có nên tin tưởng những bài thuốc chữa bệnh cứu người phát tán trên mạng xã hội mà không có chứng cớ khoa học? Các nhóm hoạt chất thiên nhiên phytochemicals như alkaloid, saponin, flavonoid, tannin, coumarin, tinh dầu, vitamin… được xem là các nhóm hoạt chất có tác dụng hỗ trợ tăng cường chức năng chống ô xy hóa tế bào, ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do gây hại cho tế bào, giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, nhằm giúp cơ thể phòng chống bệnh tật. Nếu nói thuốc Đông y hay cây cỏ mà hoàn toàn có tác dụng chữa dứt điểm bệnh ung thư hoặc các bệnh hiểm nghèo khác thì chỉ là đồn thổi. Ví dụ, bài thuốc Nam chữa ung thư gồm bán chi liên, bạch hoa xà thiệt thảo thực ra cũng chỉ là kinh nghiệm dân gian nên chưa có cơ sở để tin cậy tuyệt đối.

Tin hay không tin những tin đồn là do quan điểm của từng người, nhưng theo tôi thì nên tin vào bản thân lắng nghe cơ thể của mình và cần tin một điều rằng sức khỏe là tài sản vô giá của mỗi con người, có bệnh thì chữa. Về phương diện chuyên môn, tôi xin có lời khuyên mọi người chú ý 5 điều “đúng” khi dùng thuốc Đông Nam dược.

Đúng thầy: người bệnh cần chọn đúng thầy thuốc chuyên khoa để được khám và cho toa thuốc hợp lý, tránh tự ý đi mua và sử dụng. Lý do là trong thành phần hoạt chất của cây cỏ có những nhóm chất có tác dụng rất mạnh nếu dùng không đúng cách sẽ dẫn đến những tai hại khó lường. Những dẫn chứng đăng tải trên báo chí là do sử dụng sai tác dụng và công dụng của cây cỏ.

Đúng bệnh: do bệnh lý của mỗi người mỗi khác vì vậy không nghe truyền miệng từ người khác mà đem thuốc đó áp dụng lên bản thân mình. Đôi khi bị những phản ứng phụ xảy ra do sự tương tác thuốc.

Đúng thuốc: để tránh việc mua nhầm các vị thuốc khác, vì hiện nay chưa ai có thể kiểm tra được tất cả các mặt hàng thuốc Đông Nam dược trôi nổi trên thị trường, trong đó “vàng, thau lẫn lộn, thật, giả khó lường”, có khi thay vì mua thuốc thì lại mua nhầm “rác dược liệu” và mối đe dọa cho sức khỏe chính là chỗ này. Nên mua ở những nơi đảm bảo uy tín chất lượng để tránh thuốc giả mạo.

Đúng cách bào chế: vì thuốc Nam khác với thuốc Tây nhờ các quy trình sao tẩm chế biến để thuốc phát huy hết công năng chủ trị và giảm bớt các tác dụng phụ độc hại. Các cơ sở chuyên môn cần hướng dẫn người bệnh sắc thuốc sao cho đúng để lấy được hết hoạt chất trong bài thuốc.

Đúng liều: chỉ dùng thuốc khi cần thiết, hết bệnh thì ngưng, không nên kéo dài hoặc tự ý tăng liều vì có những cây cỏ tuy không độc nhưng việc lạm dụng thuốc hoặc dùng sai liều có thể dẫn đến những tác hại thậm chí tử vong.

——————————————————–

(*) Nguyên giảng viên Đại học Y dược TPHCM.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bản tin 360 độ sống khoẻ: Cảnh báo các hệ luỵ...

0
(SGTT) - Với suy nghĩ thuốc nam là lành tính nên không ít người bệnh chỉ vừa nghe lời mách bảo, truyền miệng đã...

Nghỉ lễ dài ngày: Làm gì để giữ gìn sức khoẻ,...

0
Dịp nghỉ lễ (30-4 và 1-5) năm nay rơi vào đúng thời điểm số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng cao trở lại...

Các nhà thuốc, bệnh viện tại TPHCM gặp khó khi triển...

0
(SGTT) - Các nhà thuốc và bệnh viện trên địa bàn TPHCM vẫn gặp khó khăn khi kết nối liên thông dữ liệu thuốc...

Bộ Y tế cho rằng thiếu thuốc, vật tư y tế...

0
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ...

Sở Y tế TPHCM khẳng định các cơ sở, trung tâm...

0
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, hai tháng trước đây, hiện tượng thiếu thuốc cục bộ...

Thực hư tác dụng bài thuốc “giảm khó thở hậu Covid-19”...

0
(SGTT) - Đa số mọi người đều tin rằng các bài thuốc đang lan truyền trên mạng xã hội gần đây có tác dụng...

Kết nối