Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Thu gom rác thải điện tử: Đường còn rất dài

Chính Phong –  

Theo bản báo cáo của chương trình Việt Nam Tái Chế (Vietnam Recycles), năm 2016 chương trình này thu được 4.884 kg, tức là gần 5 tấn rác thải điện tử từ 4 điểm đặt thùng thu gom thí điểm trên địa bàn nội thành TPHCM và 5 điểm tại Hà Nội. Đây là số rác thải điện tử như máy tính bàn, máy in, fax, scaner, server, điện thoại, ti vi, đầu đĩa… hỏng người dân tự mang đến bỏ.

Viet-Nam-Tai-Che

Năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ tính toán trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1 kg rác thải điện tử mỗi năm, nghĩa là hàng năm chúng ta có đến gần 100.000 tấn rác thải điện tử. Nhìn hai con số mới thấy nỗ lực của Việt Nam Tái Chế quả như “muối bỏ biển”. Nhưng không thể so sánh như vậy vì Việt Nam Tái Chế là chương trình mang nặng tính tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người dân về rác thải điện tử, và các điểm thu gom thí điểm của họ còn ít.

“Lúc mới đặt các điểm thu gom vào năm 2015, đúng là các thùng rác thải điện tử thường ở vào tình trạng trống trơn. Nhưng gần đây, chúng tôi thường xuyên kiểm tra các điểm thu gom và thu gom rác theo lịch trình mỗi tháng một lần. Trong trường hợp thùng chứa đầy sớm hơn, các giám sát tại những điểm thu gom có thể yêu cầu chúng tôi đến thu gom sớm hơn”, ông Vũ Huy, thành viên của chương trình cho biết.

Hiện tại, Việt Nam Tái Chế là chương trình duy nhất vận động thu gom các sản phẩm điện tử từ hộ gia đình tại TPHCM và Hà Nội, họ hợp tác với chính quyền các cấp nhằm gia tăng sự nhận biết về tầm quan trọng của việc tái chế rác thải điện tử một cách chuyên nghiệp. Họ được điều hành bởi công ty Reverse Logistics Việt Nam, nhà cung cấp các giải pháp thu hồi sản phẩm độc hại như rác thải điện tử và các giải pháp tái chế một cách chuyên nghiệp. Chương trình được thành lập bởi hai công ty là HP và Apple từ năm 2015 và đến năm ngoái có thêm Microsoft. Các trung tâm tái chế được đặt trong các khu công nghiệp gần TPHCM và Hà Nội. Khi các công ty sản xuất, kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử có lượng rác thải điện tử trên 1 m3 và có một sản phẩm của các thành viên trong chương trình, Việt Nam Tái Chế có thể hỗ trợ thu gom tận nơi miễn phí.

Sau khi tổ chức các sự kiện ngày hội tái chế vào một số ngày đơn lẻ, năm 2016, Việt Nam Tái Chế thực hiện chiến dịch dài hơi hơn khi tổ chức chương trình diễu hành tuyên truyền trên đường phố kết hợp với việc đến từng nhà dân vận động, thu gom rác thải 5 tuần ở TPHCM và 5 tuần ở Hà Nội trong thời gian từ tháng 10-2016 đến tháng 1-2017. Trong chiến dịch này, họ thu được 537 thiết bị thải bỏ, phát ra 7.623 phiếu thăm dò ý kiến các hộ dân.

Tổng hợp kết quả thăm dò các hộ dân cho thấy, hiện tại phần lớn người dân vứt đồ điện tử thải bỏ vào bất kỳ thùng rác nào họ thấy hoặc bán cho những người mua phế liệu (và những người này không gửi đến những nơi tái sinh rác chuyên nghiệp) chiếm trên 80%. Lượng đồ bỏ trả lại cho nhà sản xuất, gửi đến trung tâm xử lý rác chuyên nghiệp rất ít, còn lại là giữ đồ bỏ ở nhà và chưa làm gì với chúng. Người dân cũng chỉ biết lờ mờ về sự độc hại của rác thải điện tử khi trả lời câu hỏi khảo sát “Những hóa chất độc nào có trong rác thải điện tử?” Song đa số đều biết những lý do để rác thải điện tử cần được phân loại và tái chế một cách chuyên nghiệp: bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, bảo tồn các tài nguyên (từ rác thải điện tử lấy lại được nhiều kim loại như vàng, bạc để tái sử dụng).

Anh-cua-VN-tai-che

Có điều đáng mừng với Việt Nam Tái Chế là trên 50% số người được hỏi đã trả lời là biết đến chương trình này trước đó qua nhiều kênh khác nhau. Và gần 3/4 số người khẳng định sẽ bỏ rác thải điện tử ở các điểm thu gom của chương trình. Kế hoạch năm 2017 của chương trình sẽ là tái khởi động chiến dịch thu gom tận nhà tại TPHCM và Hà Nội, tiếp tục quảng bá chương trình cũng như tầm quan trọng của tái chế chuyên nghiệp và khuyến khích nhiều nhà sản xuất tham gia vào chương trình để phát triển và mở rộng chương trình hơn nữa.

Báo cáo của Việt Nam Tái Chế năm 2016 thừa nhận lượng rác thải thu được không được như kỳ vọng vì thói quen bán phế liệu từ nhiều năm qua. Chương trình có thể đáp ứng được việc đến từng hộ dân để thu rác nhưng phần lớn người dân muốn có chút tiền nhỏ cho những vật vứt đi của họ. Sự phát triển của chương trình còn chậm lại do thiếu chính sách đặt các nhà sản xuất điện tử phải có nghĩa vụ thu hồi lại sản phẩm thải bỏ, vì thế các nhà sản xuất vẫn do dự khi tham gia vào chương trình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Kết nối