Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Thăm các “lão thụ” vùng biên

CÚC TẦN –  

Tỉnh An Giang, mảnh đất đầu nguồn sông Hậu, là nơi có đồi, có núi, có rừng, và giáp biên giới nước láng giềng Campuchia. Tất nhiên, mảnh đất bán sơn địa này có khá nhiều cây cổ thụ. Trong số đó, có năm cây cổ thụ được Hội đồng Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây di sản (Việt Nam Heritage Tree). Đó là hai cây vải thiều trên 300 tuổi, cây dầu rái trên 700 tuổi, cây me chua trên 500 tuổi và cây dầu rái trên 300 tuổi.

3Cây dầu cổ thụ với cành nhánh trên ngọn do loài chùm gởi tạo thành.

Đến An Giang, khách du lịch, nhất là khách hành hương thường vãn cảnh chùa vùng “năm non bảy núi” – Thất Sơn. Xã Núi Tô thuộc huyện Tri Tôn là nơi khuất nẻo nên có cây dầu rái hiếm người biết tới. Dù ở nơi “sơn cùng thủy kiệt” nhưng xã vùng sâu của An Giang này có cây dầu rái tàn lá xanh um phủ mát một khoảng trời, cao chừng 30 m. Gốc đại thụ này muốn ôm trọn cần phải có từ 8 đến 10 người vòng tay nối. Vì cây sống gần 700 năm nên bà con, nhất là đồng bào dân tộc Khmer địa phương đều đồng thanh cho rằng đó là một “linh thụ”. Chính vì vậy mà quanh gốc cây là nơi bà con thường sinh hoạt, cúng kiếng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt quanh năm.

1Cây đa trên 300 tuổi ở Khánh An.

Xã Núi Tô còn là nơi lớn lên cùng thời gian dài 500 năm của cây me chua. Cây có bề ngang hơn 6 m, cao trên 20 m, tán rất rộng che mát cả một khu vực. Đây là nơi người dân tụ họp vui chơi trong những lúc nông nhàn. Được coi là báu vật, cổ thụ này được người địa phương hết lòng chăm sóc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vải thiều được coi là đặc sản miền Bắc, Nam bộ không có. Nếu có cũng chẳng đơm bông kết trái. Vậy mà ở chùa Svay Ta Hon tại xã An Tức, huyện Tịnh Biên lại có hai cây vải thiều trên 300 tuổi. Bề ngang cây 3-4 người vòng tay ôm, cao trên 50 m, tán rộng hơn 50 m che mát cả một khoảng sân chùa. Hai cây vải thiều ở chùa Svay Ta Hon cho trái, mà là trái rất ngon ngọt. Tuy nhiên không phải năm nào cây cũng cho trái. Theo kinh nghiệm thực tế của bà con, hễ năm nào cây kết trái thì năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đến Tịnh Biên tham quan hai cây vải thiều, bạn đừng quên ghé thăm cây dầu con rái trên 300 tuổi ở xã An Cư. Cây cao khoảng 20 m, thân khỏe, phát triển tốt. Những vị cao niên địa phương cho biết khi họ còn nhỏ đã thấy cây lớn xộn, rồi đoán chừng cây có mặt từ thời khai hoang lập đất.

Rời Tịnh Biên, rẽ sang Tri Tôn thăm chùa Tam Bửu, Phi Lai, nhà mồ Ba Chúc. Ngay đầu đường vào Khu di tích lịch sử – văn hóa nhà mồ Ba Chúc, khách hành hương đều lạ lùng thích thú khi ngắm một thân cây tuy ốm nhưng tàn lá xanh tươi. Đó là cây dầu 300 tuổi, đứng sừng sững giữa đường. Nơi cây mọc trước kia là con đường đất nhỏ. Năm 2001, đường được mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu, quý cây cổ thụ, người ta không đốn mà tráng nhựa quanh sát gốc. Vì không đủ dưỡng khí cũng như đất sống, cây héo chết, nhưng vỏ cây còn tươi nên người ta chỉ đốn ngọn. Thời gian sau, cây dầu sống lại với thân cây chùm gởi bao quanh, thu hút mắt nhìn lạ lẫm của khách phương xa.

Rời vùng đất bán sơn địa huyền bí, du khách đi về thành phố Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên trên 30 km là đến Búng Bình Thiên hoang sơ. Đi thêm khoảng 8 km, khách sẽ đặt chân đến giồng Cây Da (ấp 1, xã Khánh An, huyện An Phú). Tên gọi như vậy vì trên mảnh đất cát cao giáp biên giới này có một cây da cổ thụ tỏa bóng mát cả một vùng quanh năm.

Theo người địa phương, cây này sống trên 300 năm, bề ngang khoảng 24 m, 18 người lớn vòng tay ôm mới giáp. Một năm, một nhánh cây khô rụng, người chủ hàng nước bên gốc cây, nhặt, cưa lấy gỗ, đóng được bộ bàn ghế phục vụ khách nhàn du. Mấy năm sau, cây bị mối xông, chính quyền địa phương mời các chuyên gia về côn trùng và thảo mộc đến quan sát, tìm cách khắc phục. Cây sống khỏe đến bây giờ.

2Gốc cây bằng lăng bộng, là nơi trẻ con thường chui vào ngồi chơi.

Ở An Phú còn có hồ sen rộng 10 ha, đến mùa, hoa sen nở thật đẹp. Khách vừa thưởng thức những hạt sen non ngon ngọt, rồi bắp nấu, bắp nướng và trái cây đặc sản địa phương, vừa đón ngọn gió mát lồng lộng thổi.

Ngược về Châu Đốc, qua phà Châu Giang, qua thị xã Tân Châu chừng vài chục cây số là bạn đặt chân đến Chợ Vàm (huyện Phú Tân). Đây là nơi có miếu Bằng Lăng. Miếu thờ Bà Thượng Đồng Cố Hỷ. Ông Lý Ngọc Ẩn (sinh năm 1928), phó ban quản miếu, cho biết miếu này có từ lâu đời, đầu tiên thờ Thiên Y A Na (ở Phú An, Phú Lâm, An Giang), sau dời về đây thờ vị thánh nữ này với tên gọi Thiên Nương. Miếu thờ Bà Thiên Y A Na có lẽ là chính xác. Bởi ngang miếu là Bãi Chàm – nơi có đông người dân tộc Chăm cư trú.

Theo nhà nghiên cứu Toan Ánh đã viết trong “Nếp cũ” phần “Hội hè – Đình đám”, quyển thượng, khi mới dời về đây, “miếu lúc đầu lập sơ sài lợp lá. Đến năm 1926, ngôi miếu này được tái thiết thật đồ sộ bằng gạch. Lợp ngói, cột căm xe, nền đúc cao ráo (dù nước lụt cũng không ngập) và sừng sững đứng yên lặng trong đồng xa vắng, cách lộ 200 thước ngoài có cổng lợp ngói, cột danh mộc rất uy nghiêm. Đi vào miếu có con lộ cao ráo, xe hơi có thể ra vào thong thả. Lưỡng biên con lộ này trồng hai hàng sao suôn đuột ngó trật ót”.

Ngày nay, trước sân miếu có hàng dương cao vút. Vài cây bị sét đánh gãy cụt ngọn. Bên phải miếu có vài cây đa cổ thụ, cành lá sum suê. Bên trái có ít cây lâm vồ, tàn to che khuất một góc miếu. Phía sau là ba cây bằng lăng. Theo lời mấy bô lão thì ba cây bằng lăng này không biết do ai trồng hay mọc từ hồi nào. Cả ba cây tàn lá sum suê, to lớn như nhau, giao cành và đứng dang dang rất đều khoảng, sang xuân bông trổ đỏ ối, xa trông lầm tưởng là bông phượng vĩ.

Cạnh miếu, một cái đầm khá lớn trồng sen. Những buổi chiều êm ả, người ta thường thấy le le, vịt nước, bồng bồng bập bềnh trên mặt đầm,  cảnh trí trông thật nên thơ. Đầm hình chữ nhật, khá sâu. Diện tích non ba mẫu tây. Nơi đây có nhiều loại cá như rô, trê, lóc…, là thực phẩm dành cho người xóm miếu.

Miếu Bằng Lăng tọa lạc trên diện tích khoảng 1.000 thước vuông, đã được trùng tu vào năm 1964. Hiện nay, hầu như ngày nào miếu Bằng Lăng cũng có khá nhiều khách thập phương cúng viếng. Hàng năm, miếu tổ chức lễ cúng Bà trong hai ngày 15 và 16 tháng 3 âm lịch với nhiều nghi thức cùng đám rước long trọng, đêm tối phục vụ hát bội cho bà con thưởng lãm.

Đi vòng ra sau miếu là nơi có ba cây bằng lăng cổ thụ, vì quá cỗi nên cây nào cũng bộng ruột nơi gốc. Có cây bộng rộng tới mức 5-7 người có thể chui vào ngồi chơi được.

Đâu đã hết, An Giang còn có cây bồ đề ở thành phố Châu Đốc, cây lâm vồ ở xã Thới Sơn (Tịnh Biên), cây ngọc lan trên đỉnh núi Cấm… Các cây này đều là các đại thụ, thu hút khách tham quan mỗi khi đến đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Đang lắp đặt trạm dừng chân tạm trên tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Theo ghi nhận Kinh tế Sài Gòn Online, trên tuyến cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang đang có nhiều điểm thi...

Bộ Xây dựng đề nghị xử lý hành vi ‘thổi giá’...

0
(SGTT) - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá và...

Kết nối