Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Tấm lòng của chợ

Ánh Tuyết

Ngày còn bé, đường đến trường của tôi phải qua một cái chợ. Đó chỉ là vài chục cái lều lụp xụp lợp rạ mỏng tựa lưng vào hai dãy phố, inh ỏi tiếng rao bán, mặc cả, chào mời và bốc mùi khăm khẳm từ sáng tới tối khuya. Ồn ào hôi hám nhưng lần nào đi qua, tôi cũng phải chậm bước, bởi không cưỡng lại được sức quyến rũ của cái chợ.

Như một cuộc triển lãm rộn rã sắc màu, tràn ngập âm thanh, mỗi ngày mỗi mới bày ra trước mắt. Nào thịt cá, cua ốc, ghẹ mực; nào rau đậu, bánh rán, bún riêu; nào quần áo vải vóc; nào nến mã, củi gỗ, dao kéo; lại còn có cả đèn dầu, lốp xe. Đủ mọi nhu yếu phẩm hàng ngày, mọi sản vật địa phương, thậm chí mớ rau tự trồng, buồng chuối vườn nhà, con cá vừa đánh bắt, cái rổ mới đan… Tất cả đều mộc mạc trong rổ rá, thúng mủng, có khi phơi luôn trên nền đất.

Sung sướng nhất là vào Chủ nhật cuối tháng, bác tôi thường ở quê lên chơi, vác theo một bao khoai lang và dăm quả mít thơm nức mũi; tôi được phụ bác ngồi chợ bán những thứ nông sản này. Những lúc ấy, tôi vẫn hay lẻn xuống cuối chợ xem chó mèo, ngan vịt nhao nhác trong lồng; xem hoạn lợn, thiến gà. Đầu chợ thường có bà lang bán thuốc, dắt theo hai chú khỉ già, thêm một hàng nặn tò he lô xô chục que hình nhân xanh đỏ, và một ông cụ mù gảy đàn bầu. Ở đó, đủ để họp thành một “sân khấu” rộn rã thu hút bao nhiêu đứa trẻ tò mò.

SGTT_Tap-but-cho-copy

Rồi đến cuối năm là chợ tết. Những đào quất, những chim cá… đủ thứ đổ về đây; từ hàng khô đến tươi sống, hàng từ nông thôn đến thị thành, từ mạn ngược hay miền xuôi. Ngay cả hàng cắt tóc, nhuộm quần áo, mài dao kéo; hay quán nước, bàn cờ đầu chợ cũng thêm phần rôm rả. Chen chúc, đông đúc, lộn xộn, ồn ào mà ấm áp, mà xao xuyến biết bao. Người đi chợ lủng củng gánh gồng, vai chạm vai, mắt nhìn mắt, tíu tít hỏi han, chào mời mặc cả; mùi vị thơm thảo của chợ lan tỏa khắp không gian.

Vào cấp 3, tôi chuyển trường nên không còn qua chợ mỗi ngày, nhưng ngày nào cũng được ăn quà chợ, hóng chuyện chợ từ bên mâm cơm của bà, của mẹ. Chợ vừa có thêm một xưởng đậu mơ ngon, cô hàng đúng người làng Mai Động. Xôi bà Vân nghỉ bán mấy hôm nay, bà ấy vào Sài Gòn làm đám cưới cho cô con gái út. Ông Sửu gánh nước thuê bị xe tông ngay đầu chợ, đặt thùng quyên góp có một ngày cũng đã đủ tiền phẫu thuật cho ông ấy rồi…

Cái chợ, con tàu chở biết bao hàng hóa đến tay bao nhiêu gia đình, chứng nhân ngàn vạn nỗi vui buồn, sướng khổ, thành bại… của biết bao đời người, cũng đến lúc trở nên ọp ẹp qua thời gian. Những mái lá đơn sơ mộc mạc dần được thay bằng những dãy nhà lợp ngói rộng thênh thang, nền xi măng thay cho nền đất bụi mù ngày nắng, nhớp bẩn ngày mưa. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, người ta dồn dập mở rộng, xây mới, thêm công năng “trung tâm thương mại” cho chợ; với lý do phát triển, quy hoạch đô thị thời kỳ mới. Cái chợ thân quen bỗng dưng lọt thỏm trong tòa nhà trung tâm thương mại mười mấy tầng, muốn mua mớ rau, con cá, phải thuộc giờ mở cửa, phải biết dò cầu thang mà lên lên, xuống xuống.

Vậy nhưng vẫn còn lắm lắm những ngôi chợ trăm tuổi ngày đêm tấp nập bán mua. Chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai), Ðồng Xuân (Hà Nội), Đông Ba (Huế), chợ Hàn (Ðà Nẵng), chợ Ðầm (Nha Trang), chợ Bến Thành (TPHCM), chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang)…; thậm chí trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch bởi sức sống mãnh liệt, sắc thái địa phương, và hồn cốt vùng đất mà nó đang lưu giữ.

Khi mua năm trái xoài ở chợ Bến Thành, Kim Kye Jin, một chuyên gia Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam rất ngạc nhiên, bởi sau khi mặc cả ráo riết và bớt vài ngàn đồng cho chẵn tiền, cô Kim được bà bán hàng hỏi han đến từ đâu, quen với cái nắng Việt Nam chưa, rồi còn được tặng một trái ổi đầu mùa. Cô ngạc nhiên trước tấm chân tình của một bà hàng, trong một cái chợ du lịch rộng hơn 13.000 m2, đón khoảng 10.000 lượt người mỗi ngày, và một nửa trong đó là khách nước ngoài. Người bạn đi cùng nói, Kim hay bất cứ khách nào, dù là người trong nước hay nước ngoài mua xoài hôm ấy đều được bà hàng tặng ổi. Bởi đi chợ Việt Nam, người mua mớ rau được người bán tặng vài cọng hành, trái ớt, được hỏi han chuyện trò, là chuyện bình thường.

Một chút quà cho nhau trong vạn tấn hàng hóa ngược xuôi. Vài phút ấm lòng giữa trăm năm tất bật. Chuyện dễ thấy, điều dễ hiểu ở những ngôi chợ truyền thống. Đời nay, đời sau vẫn thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những ngôi chợ độc đáo ở TPHCM

0
(SGTT) - Chợ vốn dĩ là hình ản quen thuộc của biết bao người, ấy vậy mà ở tại TPHCM vẫn có những ngôi...

Ngẫm giữa chợ mai cuối năm

0
Xuân Huy Năm nào cũng vậy, cứ khoảng một tháng trước tết Âm lịch là tụi bạn quê lại gọi điện thoại hoặc nhắn tin...

Lên “mây”… họp chợ

0
Chí Thịnh Bên cạnh những ngôi chợ truyền thống tồn tại từ rất lâu, đến nay chợ đã có thêm nhiều hình thức hiện đại....

Dạo chợ trong lòng đất

0
Như Quỳnh Xu hướng phát triển đô thị đang đưa những ngôi chợ truyền thống vượt ra khỏi chức năng đơn thuần là mua bán...

Chợ… đèn pin

0
Phạm Đình Quát Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 3-4 giờ sáng là con đường Quang Trung, đoạn đầu đường dẫn ra bờ sông Thạch...

Chợ trôi

0
Nguyễn Ngọc Tư Ghe nước đá sáng sớm nhắn vói hai bờ, bảo dân xóm Rạch khỏi chờ, Tám Lê sẽ không tới nữa. Chiếc...

Kết nối