Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

“Soi” thử Tấm Cám: Chuyện chưa kể

Trương Huỳnh Như Trân(*) –  

Phim Tấm Cám: chuyện chưa kể, từ khi chưa công chiếu đã gây sự chú ý với những giọt nước mắt không kiềm nén được của “Dì Ghẻ” Ngô Thanh Vân (diễn viên Ngô Thanh Vân trong vai Dì Ghẻ, đồng thời là nhà sản xuất kiêm đạo diễn bộ phim) trong cuộc họp báo. Đó là câu chuyện của những người làm phim mà nội tình ẩn chứa nhiều chuyện không phải ai cũng tỏ tường. Là một khán giả muốn ủng hộ phim Việt, và hơn nữa, với vai trò biên kịch, tôi mua vé xem phim không vì những ồn ào đó.

Tam-camDiễn viên Ngô Thanh Vân trong vai Dì Ghẻ, đồng thời là nhà sản xuất kiêm đạo diễn bộ phim.

Nếu đừng quá “soi” thì Tấm Cám: chuyện chưa kể là một phim coi được. Không thấy những rề rà buồn ngủ hoặc lời thoại thừa thãi như những bệnh thường gặp của phim Việt. Tấm Cám là một câu chuyện quá nổi tiếng của Việt Nam, nhưng khi lên phim, người xem phim không cảm thấy cũ nhờ người làm kịch bản biết cách lồng ghép chi tiết đã có từ truyện cổ tích vào câu chuyện mình muốn kể. Thường một tác phẩm chuyển thể nếu không khéo sẽ làm cho người xem cảm thấy nhàm chán vì câu chuyện đã biết trước. Như một Facebooker đã viết: “Không phải là chuyện chưa kể, vì chuyện gì cũng có người kể hết rồi, vấn đề là ai kể hay hơn thôi!”.

[box] Câu chuyện bắt đầu khi thái tử cùng các võ tướng phi ngựa về kinh và tình cờ gặp Tấm. Sau đó là những chuyện xảy ra trong gia đình Tấm Cám như truyện cổ tích. Sống với mụ dì ghẻ và cô em Cám gian xảo, Tấm phải làm việc vất vả và luôn bị bắt nạt. Nhân vật nhà vua có cá tính mờ nhạt trong truyện thì trên màn ảnh trở thành một vị thái tử anh minh, dũng cảm và khi bờ cõi bị xâm lăng, thái tử thân chinh ra trận trong lúc triều chính bị tể tướng thao túng. Bên cạnh những tình tiết của Tấm Cám cổ tích thì Tấm Cám phiên bản điện ảnh lần này lồng ghép câu chuyện về lòng yêu nước, chống ngoại xâm.[/box]

Có những tác phẩm là những quyển sách văn học kinh điển, nhưng khi chuyển thể thành phim lại gây thất vọng nặng nề cho người xem. Nói như vậy không phải để tôn vinh quá lời cho Tấm Cám, vì thật sự Tấm Cám: chuyện chưa kể chưa thể một bước trở thành “bom tấn” ngay được, nhưng ít ra, nó được kể một cách khôn khéo để có thể trở thành bộ phim lôi cuốn được người xem. Cô Tấm trong truyện đã là nhân vật có số phận, còn kịch bản phim trau chuốt hơn để Tấm có nội tâm, có mục tiêu và hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu đó, chứ không chỉ khóc và chờ Bụt hiện lên. Chấp nhận mãi mãi không được luân hồi để thay đổi số mệnh của người mình yêu, hay cố sức bảo vệ thái tử dù mình đang ở những hóa thân khác nhau khiến Tấm có chiều sâu hơn. Tuy nhiên, mở đầu của nhân vật này chưa thuyết phục lắm. Một người có bản lĩnh sống chết với tình yêu, có bản lĩnh bảo vệ người yêu quyết liệt, chết đi sống lại vẫn không chịu khuất phục số phận như vậy mà có mở đầu yếu đuối và ỷ lại quá. Không biết là phim cố tình gây hài hay thực sự kịch bản bị hỏng, khi cô Tấm gặp chuyện cứ ngồi mếu máo khóc và chờ Bụt giúp. Mở đầu này không cho thấy được sức mạnh nội tâm, dự báo cho cuộc đời thiên biến vạn hóa sau đó. Như phim Cô bé lọ lem thì có lời nhắn nhủ như dự báo của bà mẹ trước khi chết, rằng hãy luôn biết tha thứ và tin vào chính mình. Điều đó giúp cho Lọ Lem có sức mạnh vượt qua những thử thách mà cuộc sống dành cho mình để đạt được hạnh phúc. Nó chỉ là một câu thoại, nhưng có tác dụng làm cho cả chuỗi sự kiện về sau của Lọ Lem trở nên hợp lý. Dù phim có chút ảnh hưởng từ nhân vật Lọ Lem, Tấm lại không có được sự chuẩn bị chu đáo đó của kịch bản.

Kết thúc phim cũng là một điều chưa hợp lý với tính cách cô Tấm. Đành rằng Tấm tuy hiền nhưng “con giun xéo lắm cũng quằn”, Tấm có thể phản kháng một cách độc ác lại với mẹ con Cám vì những gì mà họ đã đối với Tấm nhưng phim chưa cho thấy đủ mức độ ác cần thiết của mẹ con Cám với Tấm, và diễn biến tâm trạng của Tấm từ hiền lành trở nên tàn nhẫn, thì cái kết thúc đó không thuyết phục, dù rằng biên kịch khôn khéo để cái kết không rõ ràng, nhưng lại gợi liên tưởng rõ ràng tới cái kết bất hủ của truyện cổ tích.

Phim xem khá lôi cuốn, đẹp mắt. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp và bao nhiêu khó khăn khác mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu, thì Tấm Cám đã là một nỗ lực lớn cho phim Việt.

Tuy rằng phim có man mác một chút Cô bé lọ lem, một chút Người đẹp và quái vật, một chút kiếm hiệp của Kim Dung, nhưng có sao đâu. Thế giới luôn phát triển từ những thứ đã hay sẵn. Bản thân phim cũng xuất phát từ một câu chuyện cổ tích, thì những yếu tố vay mượn cũng nên được chấp nhận, miễn là nó hợp lý và làm cho phim hay hơn.

Và xin đừng quá “soi”, nếu muốn phim Việt khởi sắc. Chúng ta không ru ngủ nhau bằng những ngôn từ hoa mỹ, bằng những cái “chặc lưỡi cho qua”, nhưng cũng đừng quá khắt khe và cần có những ghi nhận đúng mực cho cố gắng của nhà làm phim, để giọt mồ hôi và cả nước mắt trên phim trường đổi lại được những giá trị xứng đáng, đó là tình cảm dành cho phim Việt của người Việt.

———

(*) Nhà biên kịch điện ảnh, hội viên Hội Điện ảnh TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada

0
(SGTT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các...

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Hai nút giao trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ...

0
(SGTT) - Hai nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng thuộc cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 tạm dừng hoạt động chỉ...

Không được từ chối đăng kiểm xe đã đặt lịch hẹn...

0
(SGTT) – Cục Đăng kiểm yêu cầu trung tâm đăng kiểm không được từ chối tiếp nhận kiểm định xe đã đặt lịch thành...

Kết nối